Tàu chở ngũ cốc của Ukraine, được nhìn thấy ở Biển Đen ngoài khơi Kilyos gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/11/2022. (Nguồn: Reuters) |
Tin tốt cho an ninh lương thực toàn cầu
Ngày 22/7, Nga và Ukraine cùng ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ thỏa thuận xuất khẩu về ngũ cốc được gọi là Sáng kiến Biển Đen, nhằm tạo ra một hành lang quá cảnh trong xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung lương thực cho các thị trường trên toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn.
Theo đó, tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ bớt căng thẳng khi cho phép xuất khẩu tiếp tục diễn ra từ ba cảng ở Ukraine, nhà sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu lớn.
Thỏa thuận ban đầu có giá trị 120 ngày sẽ hết hạn vào ngày 19/11.
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận gia hạn thỏa thuận trong 120 ngày bắt đầu từ ngày 18 tháng 11.
"Tôi hoan nghênh thỏa thuận của tất cả các bên tiếp tục sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine một cách an toàn", Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết.
Ông nói, LHQ cũng "cam kết loại bỏ mọi trở ngại còn lại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ (Nga)".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết kể từ ngày 1/8, hơn 450 tàu đã chở 11 triệu tấn ngũ cốc Ukraine và các thực phẩm khác đi khắp thế giới.
"Hàng chục triệu người, chủ yếu ở các nước châu Phi, đã được cứu khỏi nạn đói... giá lương thực thấp hơn đáng kể so với khi chúng ta không xuất khẩu lương thực," ông phát biểu qua video.
Hai nguồn tin quen thuộc của Reuters nói rằng việc xuất khẩu amoniac của Nga thông qua một đường ống dẫn đến Biển Đen vẫn chưa được thống nhất trong thỏa thuận gia hạn. Nhưng Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để nối lại những hoạt động xuất khẩu đó, một trong những nguồn tin cho biết thêm. Amoniac là một thành phần quan trọng trong phân bón.
Ông Zelenskiy cho biết vào tháng 9 rằng ông sẽ chỉ ủng hộ ý tưởng mở lại xuất khẩu amoniac qua Ukraine nếu Moscow trao trả các tù nhân chiến tranh, một ý tưởng mà Điện Kremlin bác bỏ.
Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, viết trên Twitter: "Việc gia hạn (thỏa thuận)... là tin tốt cho an ninh lương thực toàn cầu và các nước đang phát triển". "Tiếp theo sẽ là giải quyết cuộc khủng hoảng phân bón".
Thời gian gia hạn thỏa thuận là 120 ngày, vốn ít hơn khoảng thời gian một năm mà Liên hợp quốc và Ukraine mong đợi, nhưng về phần mình, Nga cho biết thời hạn trên của thỏa thuận có vẻ "hợp lý".
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 15/11/2022.(Nguồn: Reuters) |
Vẫn tồn tại viễn cảnh bất ổn
Sự sụt giảm các chuyến hàng của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra cuối tháng 2 góp phần làm nên khủng hoảng giá lương thực toàn cầu. Các nguyên nhân quan trọng khác bao gồm đại dịch COVID-19 và các cú sốc khí hậu liên tục.
Kể từ tháng 7, khoảng 11,1 triệu tấn nông sản đã được vận chuyển theo thỏa thuận, bao gồm 4,5 triệu tấn ngô và 3,2 triệu tấn lúa mì.
Giá lúa mì Chicago giảm sau tin đạt được thỏa thuận gia hạn với hợp đồng chuẩn giảm 2% và ngô giảm 1,3%.
Một thương nhân người Pháp cho biết: “Đây là xu hướng giảm giá của thị trường vì đã loại bỏ được những nghi ngờ và có một số viễn cảnh khá rõ ràng trong 4 tháng tới”.
"Tuy nhiên, nó chỉ kéo dài trong bốn tháng... có nghĩa là sự không chắc chắn sẽ tiếp tục sau bốn tháng nữa, khiến mọi người tự hỏi liệu Nga có ký gia hạn hay không".
Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên toàn cầu. Trong đó, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp phân bón chính cho thị trường toàn cầu.
Kể từ tháng 7, Moscow đã nhiều lần cho biết các lô hàng ngũ cốc và phân bón của họ, mặc dù không phải là mục tiêu trực tiếp, nhưng bị hạn chế vì các lệnh trừng phạt khiến các nhà xuất khẩu khó xử lý thanh toán, vận chuyển hoặc mua bảo hiểm.
Moscow cho rằng những lo ngại của Nga liên quan đến xuất khẩu của họ sẽ được xem xét đầy đủ trong những tháng tới, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.