📞

Ngắm Trái đất qua những bức ảnh ấn tượng chụp từ không gian

09:29 | 03/01/2020
TGVN. Chúng ta có thể thấy nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau của Trái đất khi quan sát hành tinh của chúng ta từ không gian.
Theo những hình ảnh từ vệ tinh của NASA, Trái đất ngày càng xanh hơn so với cách đây 20 năm. Trung Quốc và Ấn Độ - 2 quốc gia đông dân nhất thế giới đang khởi động hàng loạt các chiến dịch trồng cây. Một nghiên cứu mới công bố gần đây cho thấy khu vực màu xanh trên toàn cầu đã tăng 5% so với đầu những năm 2000, tương đương với diện tích của toàn bộ rừng Amazon. (Nguồn: MSN)
Một nghiên cứu của NASA cho thấy tuyết ở Nam Cực đã dày thêm 1cm (vùng màu đỏ là có nhiều tuyết hơn, màu xanh là ít tuyết hơn) bất chấp việc băng ở khu vực này vẫn đang tan chảy. (Nguồn: MSN)
Nghiên cứu năm 2018 sử dụng các bức ảnh vệ tinh và lịch sử cho thấy 13% đường bờ biển của Alaska đã thay đổi trong 3 thập kỷ qua. Từ năm 1984 - 2015, gần 451.000 km² ở Alaska đã thay đổi như một hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. (Nguồn: MSN)
Hình ảnh này của NASA cho thấy ảnh hưởng của một loạt các vụ cháy rừng ở New Zealand khi nhìn từ không gian. (Nguồn: MSN)
Hình ảnh chụp qua cửa sổ của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) này cho thấy những đụn cát uốn quanh những ngọn đồi đá sẫm màu ở Yemen. (Nguồn: MSN)
Charles Robert Darwin không chỉ nổi tiếng với hành trình tới đảo Galapagos mà ông cùng với các thủy thủ khác đã có chuyến du hành tới Nam Mỹ, Australia, châu Phi và một vài hòn đảo khác trên con tàu HMS Beagle. Trong quá trình ghi lại hành trình này qua những bức ảnh vệ tinh, tổ chức Quan sát Trái đất (Earth Observatory) cho thấy hình ảnh của nơi tận cùng thế giới - mũi Horn ở Nam Mỹ. Vùng biển tuyệt đẹp nhưng khiến bất cứ thủy thủ nào cũng phải rùng mình bởi những đợt sóng dữ dội và những tảng băng trôi rình rập này còn được gọi là "nấm mồ chôn những con tàu". (Nguồn: MSN)
Vùng biển Arab với những sắc thái khác nhau của màu xanh qua bức ảnh vệ tinh của NASA. (Nguồn: MSN)
Những hòn đảo thường sẽ không chìm xuống nhưng khi cơn bão Walaka càn quét qua quần đảo Hawaii vào năm ngoái, điều này đã thực sự xảy ra. Cơn bão này đã khiến một khu vực rộng 4,4 ha - một phần của bãi cạn French Frigate chìm xuống. (Nguồn: MSN)
Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng cho thấy "Trái đất mọc" trông sẽ như thế nào nhìn từ Mặt trăng. Bức ảnh này được phi hành gia của tàu Apollo 8 William Anders chụp lại khi phi thuyền này quay quanh Mặt trăng ngày 24/12/1968.
Hình ảnh cho thấy ở Cuba những khu rừng bao phủ 53% diện tích đất nước trong khi các thành phố chỉ chiếm 1% diện tích bề mặt. (Nguồn: MSN)
Một phi hành gia của Trạm Vũ trụ Quốc tế đã ghi lại được bức ảnh dãy Himalaya vào năm 2017. Ngọn núi cao nhất thế giới Everest (8.850 mét) ở ngay phía bên phải của bức hình và ngọn Kanchenjunga (8.586 mét) ở chính giữa. Hồ nước mà chúng ta thấy phía trước là hồ Paiku. (Nguồn: MSN)
Cái chết của dòng sông băng Yukutat có thể sẽ không còn xa nữa khi các nhà khoa học cho biết dòng sông băng này sẽ không "sống nổi" tới năm 2100 do những hậu quả của biến đổi khí hậu. (Nguồn: MSN)
Trái đất và Mặt trăng trở nên thật nhỏ bé khi được chụp ở khoảng cách 64 triệu km. (Nguồn: MSN)
Sinh vật phù du phát triển mạnh mẽ ở bờ biển phía Nam của Nam Phi vào cuối tháng 11. (Nguồn: MSN)
Bức ảnh từ độ cao 400 km của ISS cho thấy ánh sáng rực rỡ của Trái đất vào ban đêm. Chúng ta có thể trông thấy cả Dải Ngân hà ở phía sau đó. (Nguồn: MSN)
(theo Kiều Anh/VOV.VN)