TIN LIÊN QUAN | |
Tăng cường chống buôn lậu hàng dược phẩm, mỹ phẩm | |
Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Xin ông cho biết diễn biến của tình trạng nhập lậu, hàng giả trong thời gian cận Tết Nguyên đán 2019?
Thời gian này, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm đang diễn biến vô cùng phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, thuốc lá điếu, pháo nổ...Cùng với đó, hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh. |
Mặt khác, giới buôn lậu còn lợi dụng việc vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau. Các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ. Riêng với vi phạm sở hữu trí tuệ, các đối tượng sử dụng thủ đoạn sản xuất từ nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng. Sau đó, dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.
Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.
Không những thế, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng.
Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; nhất là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Mặc dù đã liên tục kiểm tra kiểm soát nhưng vẫn có một lượng lớn hàng giả, hàng nhái qua mặt được các cơ quan chức năng và trà trộn trên thị trường. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Thời gian qua, phương thức thủ đoạn của các đối tượng làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao, có sự móc nối giữa trong và ngoài nước, gây rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.
Mặc dù chế tài xử lý vi phạm đã được cân nhắc để vừa có tính khả thi, vừa bảo đảm tính răn đe nhưng chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự, xử lý dân sự ít. Vì vậy, không ít đối tượng vẫn có tình vi phạm; một số văn bản quy phạm phát luật còn quy định chưa thống nhất.
Hơn nữa, một bộ phận doanh nghiệp, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với sản phẩm của mình đang lưu thông trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng vì tâm lý cho rằng, phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực trong việc điều tra, thu thập thông tin; thực hiện các giải pháp tự bảo vệ sản phẩm; thực hiện các thủ tục khiếu kiện, khiếu nại,...
Riêng với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp chưa có đại diện hoặc nhà máy tại Việt Nam, việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng gặp nhiều hạn chế, nhất là việc phối hợp với các cơ quan thực thi.
Chẳng hạn như, lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ, phối hợp với các chủ thể quyền ở nước ngoài để kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả tại Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến thức và trình độ nghiệp vụ của các cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ này còn hạn chế, nhất là kiến thức về luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và kinh nghiệm giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Đặc biệt, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của các lực lượng thực thi phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế; kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế.
Đáng lưu ý là ý thức cộng đồng về hàng giả, hàm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, mặt bằng nhận thức người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp nên những khu vực này là thị trường cho hàng giả, hàm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng lại sẵn sàng mua hàng giả, hàm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để sử dụng vì giá rẻ.
Với kinh nghiệm nhiều năm về đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp làm ăn chân chính trước thực trạng hiện nay?
Có thể thấy doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu hàng hoá của mình, là người hiểu rõ hàng hoá của mình hơn ai hết. Vì thế, nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp việc chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt hiệu quả cao.
Trong đấu tranh chống hàng giả, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều doanh nghiệp chưa tích cực trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, một số doanh nghiệp bị làm giả lại thờ ơ, né tránh, chưa hợp tác với lực lượng chức năng, gây nhiều khó khăn cho kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp các thông tin về đầu mối về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, mặt hàng vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm, thị trường tiêu thụ, đầu mối sản xuất, buôn bán hàng giả.
Bên cạnh đó, hướng dẫn về các dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả của doanh nghiệp thông qua tờ rơi, sách hướng dẫn, các cuộc hội thảo, đào tạo, tập huấn; tham gia vào các vụ việc kiểm tra của lực lượng thực thi khi có yêu cầu.
Ngoài ra, để góp phần hạn chế nạn hàng giả, tự bảo vệ sản phẩm, hàng hoá của mình, các doanh nghiệp cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả.
Đặc biệt, tổ chức phương thức quản lý để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tăng cường chống buôn lậu hàng dược phẩm, mỹ phẩm Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém ... |
Khi đạo đức kinh doanh xuống dốc, người tiêu dùng phải tự cứu mình Qua những vụ việc thực phẩm bẩn, kém chất lượng, tôi cảm thấy buồn về đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. |
Chống hàng giả, ai bảo vệ doanh nghiệp? Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến rất phức tạp ... |