TIN LIÊN QUAN | |
Khánh thành Thủy điện Lai Châu trước thời hạn một năm | |
Khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân |
Cùng đi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Tại ga Giáp Bát, Phó Thủ tướng đã nghe báo cáo về quy hoạch phát triển Ga, kiểm tra hiện trạng cơ sở hạ tầng và công tác chỉ huy, điều khiển tàu tại Ga. Tại ga Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hoạt động khai thác vận tải hành khách. Phó Thủ tướng đã lên đoàn tàu SE5 kiểm tra chất lượng toa xe, trao đổi với hành khách về chất lượng dịch vụ đường sắt ngay trước khi tàu khởi hành đi Thành phố Hồ Chí Minh.
Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km, với 2.531 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh. Mạng lưới được phân bố theo 5 tuyến chính: Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Quán Triều. Ngoài ra, còn một số tuyến nhánh, tuyến liên kết. Trước đây, đã có đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, nhưng hiện nay các tuyến này đều đã dừng khai thác hoặc bị phá bỏ.
Phó Thủ tướng thị sát ga Hà Nội. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Kết cấu hạ tầng ngành đường sắt hiện bị đánh giá là lạc hậu
Hệ thống đường gồm 3 loại khổ đường, với đa số là khổ 1 m (chiếm 85%). Hệ thống ga phần lớn các ga có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, từ 2 đường đến 3 đường, chiều dài đường ga ngắn, gây khó khăn cho khai thác vận tải. Hệ thống cầu, hầm đường sắt phần lớn đều đã sử dụng nhiều năm, nhiều nơi bị hư hỏng, hiện được gia cố, chắp vá. Hệ thống tín hiệu trên các tuyến không đồng bộ về công nghệ, kỹ thuật. Trong một tuyến, mỗi khu đoạn lại sử dụng một công nghệ khác nhau.
Hiện toàn ngành có 295 đầu máy với nhiều chủng loại, công suất khác nhau. Loại đầu máy cũ có công suất, tốc độ thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu vẫn còn nhiều (gần 60%) gây khó khăn, trở ngại trong vận dụng, bảo trì, sửa chữa.
Trong số 1.045 toa xe khách các loại, đa số có thời gian khai thác từ trên 10 năm đến 20 năm, loại có điều hòa không khí chỉ chiếm 60%. Tốc độ kỹ thuật cho phép khai thác của toa xe phần lớn chỉ đạt 80km/h.
Một đặc thù của đường sắt Việt Nam là việc giao cắt đường sắt và đường bộ trên các tuyến dày đặc với trung bình 0,5 km có một giao cắt với đường bộ. Nhiều đoạn, hành lang an toàn đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng, đặc biệt những đoạn chạy qua các thành phố lớn. Theo thống kê, trên 90% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó trên 80% xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp.
Những vấn đề này là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao tải trọng, tốc độ chạy tàu, năng lực thông qua và năng lực chuyên chở trên các tuyến.
Đến nay, thị phần vận tải đường sắt thấp và ngày càng có dấu hiệu suy giảm. Vận tải hành khách, với các tuyến ngắn thì không cạnh tranh được với đường bộ, các tuyến đường dài thì khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ. Khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 2015 chiếm 2,7% tổng lượng luân chuyển hành khách và chiếm 1,8% tổng lượng luân chuyển hàng hoá toàn ngành giao thông vận tải.
Báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhất là từ năm 2014 đến nay, toàn ngành đường sắt đã nỗ lực vượt qua khó khăn. Điểm sáng lớn nhất hiện nay là tỉ lệ tàu Thống nhất và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt trên 99%, đến đúng giờ tàu Thống nhất đạt khoảng 93%, Tàu khu đoạn đạt trên 91%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bán vé được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng tự đóng mới toa xe, lắp ráp đầu máy của ngành đường sắt cũng đã được nâng cao đáng kể.
Đầu tư cho đường sắt chưa tới 3% toàn ngành
Tỉ trọng vốn đầu tư cho đường sắt rất thấp so với toàn ngành giao thông vận tải, giai đoạn 2001-2010 là 4.800/140.000 tỷ đồng, chiếm 2,9%; giai đoạn 2011-2015 là 11.082/484.000 tỷ đồng, chiếm 2,3%. Các nguồn vốn đầu tư chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có, vốn đầu tư phát triển các tuyến mới rất ít; nguồn vốn đầu tư hằng năm không đáp ứng được yêu cầu. Vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, chưa huy động được vốn từ bên ngoài.
Các dự án đầu tư chủ yếu là duy trì, bảo đảm an toàn, xử lý các điểm nguy hiểm của các tuyến hiện có. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi cơ bản bộ mặt kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam. Việc đầu tư thực hiện các dự án có quy mô nhỏ lẻ, làm giảm đáng kể hiệu quả đầu tư vì không nâng được tốc độ đoàn tàu và năng lực khai thác.
Đầu tư thiếu tính đồng bộ, còn mang tính chắp vá gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư. Tuyến mới được đầu tư như tuyến Yên Viên - Cái Lân thì nguồn vốn không ổn định, quá trình thực hiện dự án bị gián đoạn, dừng, giãn tiến độ nhiều lần, dẫn đến hiệu quả của dự án không cao.
Ngành đường sắt đưa ra nhiều nguyên nhân cho tình trạng này. Chẳng hạn, chưa có sự đồng thuận về đánh giá vai trò của giao thông vận tải đường sắt, vì vậy đầu tư ít, chưa cân đối với các loại hình giao thông vận tải khác, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ được đầu tư ở mức độ duy trì hệ thống hiện có, hầu như chưa có đầu tư xây dựng mới. Huy động vốn cho đường sắt khó khăn, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách. Việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt còn rất hạn chế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe báo cáo về quy hoạch phát triển ga Giáp Bát. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Đầu tư có thứ tự ưu tiên
Tại buổi làm việc, ngành đường sắt kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng 5 nhóm giải pháp. Trước hết, cần đầu tư để kết nối đường sắt quốc gia vào các cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy với kinh phí hơn 2000 tỷ đồng; đầu tư giải quyết các nút thắt, hạn chế về kết cấu hạ tầng đường sắt gồm các dự án thay tà vẹt, cải tạo nâng cấp cầu yếu; đầu tư để nâng cao an toàn giao thông; kiến nghị Chính phủ và các ngân hàng hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển công nghiệp đường sắt.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với lịch sử phát triển 135 năm, ngành đường sắt Việt Nam đã quản lý, kinh doanh, khai thác đường sắt quốc gia có hiệu quả, đặc biệt từ khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và góp phần nâng cao năng lực vận tải toàn ngành giao thông nói riêng.
Chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân tồn tại của ngành đường sắt trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định tuy còn nhiều hạn chế, nhưng vai trò của vận tải đường sắt là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế.
“Tuy nhiên, muốn khẳng định được vai trò của mình, không cách nào khác, ngành đường sắt phải thực sự đổi mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và toàn ngành đường sắt nghiêm túc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Do hạn chế nguồn lực nên không thể làm ngay một lúc, do đó phải có thứ tự ưu tiên nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, từng bước đạt được mục tiêu đã đề ra”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục triệt để những tồn tại, tiếp tục tái cơ cấu và đổi mới; bảo đảm quản lý, khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao chất lượng và thị phần vận tải đường sắt.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu từng bước đầu tư để khắc phục các nút thắt về kết cấu hạ tầng, đầu tư nâng cấp, cải tạo các nhà ga hành khách, trước mắt là các ga có lượng hành khách lớn. Bên cạnh đó, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ, đường sắt.
“Cần sớm triển khai đầu tư kết nối hệ thống đường sắt quốc gia với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ khác, tăng cường kết nối giữa các loại hình, phương thức vận tải, kết nối đường sắt với các nước trong khu vực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Một nhiệm vụ khác cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh với ngành đường sắt là tập trung hoàn thành báo cáo xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có thể tìm kiếm chủ đầu tư, trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự án Luật Đường sắt, đặc biệt những quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhằm bảo đảm việc đầu tư, quản lý, khai thác đường sắt quốc gia đạt hiệu quả cao nhất trên nguyên tắc điều hành thống nhất, tập trung hoạt động giao thông vận tải đường sắt và không để cơ quan Nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần rà soát lại tất cả các dự án đang hoặc sắp đầu tư, tính toán lại một cách tổng thể để xác định hiệu quả, tránh thất thoát, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đối với các đề xuất của ngành đường sắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành.
Ngày 10/02/2015, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng; tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn; nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam.
Giai đoạn từ năm 2020-2030, sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam; nghiên cứu, xây dựng các tuyến nối các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch; kết nối đường sắt xuyên Á.
Ưu tiên nguồn lực giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra với lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và một số ... |
Tăng cường mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình quan hệ ... |
Nhiều bài học trong ứng phó với lũ lụt tại miền Trung, Tây nguyên Sáng 2/12 tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng ... |