Theo lập luận của chính quyền Mỹ, đây là động thái để bảo vệ khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới của ngành công nghiệp ô tô trong nước, bởi Mỹ coi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới “an ninh quốc gia”. Hiện nay, ô tô chiếm gần 15% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thì cho rằng, có bằng chứng cho thấy trong nhiều thập kỷ, xe nhập khẩu từ nước ngoài đã làm “xói mòn” ngành công nghiệp ô tô trong nước và nhấn mạnh sẽ tiến hành điều tra toàn diện, công bằng và minh bạch. Thông tin này khiến nhiều nhà sản xuất ô tô đến từ các nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... lo ngại.
Nhà máy sản xuất ô tô Toyota. Nguồn EcoloDriver. |
Theo Trung tâm nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô, 56% lượng xe bán tại Mỹ năm ngoái được sản xuất trong nước, xe xuất xứ Canada và Mexico chiếm khoảng 22%, còn lại là thị phần của các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó Nhật Bản là nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Mỹ với khoảng 1,7 triệu chiếc. Đức cũng xuất khoảng 30 tỷ USD các sản phẩm liên quan đến ô tô vào thị trường này. Các chuyên gia nhận định, với 8 triệu xe nhập khẩu vào Mỹ năm 2017, việc tăng thuế này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới thị trường.
Trước tình hình trên, Nissan và Honda cho biết nếu chính sách thuế mới có hiệu lực, khách hàng Mỹ sẽ không còn nhiều lựa chọn khi mua ô tô và giá xe có thể tăng cao. Còn Toyota thì trực tiếp bày tỏ quan điểm phản đối. Hãng xe Nhật Bản cho biết, với 136.000 lao động, 1.500 đại lý, 12 triệu xe sản xuất tại Mỹ trong năm ngoái, Toyota vẫn có đóng góp lớn về việc làm và tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Toyota cũng nhấn mạnh vào thương mại tự do, tính công bằng sẽ góp phần tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng như đem lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.
Các hãng xe Hàn Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong số khoảng 2,53 triệu chiếc ô tô Hàn Quốc xuất ra toàn thế giới trong năm ngoái, 845 nghìn chiếc (khoảng 30%) xuất sang thị trường Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc và Hiệp hội ô tô Hàn Quốc đã phải tổ chức họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó.