Việt Nam luôn coi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. |
Cuối tháng 9/2024n, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi hành động toàn cầu ngay lập tức để giải quyết những tác động sắp xảy ra của La Nina. La Nina được dự báo sẽ mang đến những hiện tượng thời tiết cực đoan với hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt là khi khoảng 282 triệu người đã và đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và cần được hỗ trợ khẩn cấp. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự gia tăng tần suất và tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, diễn biến xung đột ở nhiều nơi trên thế giới đang tác động nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận lương thực của người dân. Đơn cử, tại "chảo lửa Trung Đông", ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 11/10, cho biết viện trợ vào khu vực Gaza đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng và người dân không nhận được các gói thực phẩm thiết yếu do hạn chế về tiếp cận nguồn cung cấp viện trợ, các tuyến đường cứu trợ quan trọng vào miền Bắc Gaza bị cắt đứt.
Trước tình hình lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam chủ trương bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo, đóng góp vào thị trường lương thực toàn cầu.
Ngày 12/10, nhân dịp đến thăm, dự Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và coi trọng phát triển nông nghiệp. Qua 40 năm đổi mới, nền nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, không những bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn xuất khẩu nhiều nông sản hàng đầu thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao.
Thông điệp mang tính kết nối với chủ đề của Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm 2024 về “Quyền có lương thực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn và một tương lai tốt đẹp hơn”.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi các hoạt động nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, đồng thời duy trì sinh kế ổn định và kinh tế thịnh vượng toàn cầu, đóng góp vào nỗ lực chung trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030.