Thái Hải Đăng thực hiện dự án “Sách đến tay em”. (Ảnh: NVCC) |
Thành lập đến nay chưa được một năm, dự án “Sách đến tay em” của Thái Hải Đăng-chàng sinh viên ngành kinh tế chính trị của Học viện Báo chí-Tuyên truyền (Hà Nội) đã có thành quả đáng ghi nhận với hơn 10 tủ sách trải dài từ Bắc tới Nam.
Hành trình đi gom sách
Dự án là hoạt động mang tặng sách đến các không gian đọc, điểm trường, nhà văn hóa ở những vùng ít được tiếp cận văn hóa đọc. Chia sẻ về dự án, Đăng kể, với niềm yêu thích sách, trong một lần lên Sa Pa (Lào Cai) chơi, cậu muốn mang tặng sách cho những trẻ em ở đó. Chuyến đi với nhiều cảm xúc đã giúp cậu và cả nhóm cùng nhau xây dựng dự án “Sách đến tay em”.
Khi đăng tải thông tin tiếp nhận quyên góp sách trên Fanpage Câu lạc bộ yêu sách Thái Hà do cậu làm chủ nhiệm, dự án được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, để có nguồn sách phong phú, các thành viên phải xin thêm sách ở quanh khu vực Hà Nội.
Sau nửa năm kiên trì gom góp, “Sách đến tay em” đã đến với các em học sinh tại Trường tiểu học Sa Pả, trường THCS Phan Si Păng (Lào Cai), Bắc Giang, Vĩnh Long và một số cơ sở khác với trung bình 300 cuốn sách/đợt.
Các thành viên dự án luôn có mặt tại điểm trao tặng sách để giao lưu, vui chơi cùng các bạn học sinh ở đó. Nhằm tạo thêm hứng khởi cho việc đọc sách, các thành viên cùng các bạn nhỏ hát những bài hát trong sách, in bìa rồi cắt thành từng mảnh nhỏ cho các bạn ghép…
Đầu tháng Tư vừa qua, nhóm thực hiện hai điểm tiếp nhận mới là tủ số 11 tại Chùa An Lễ, Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định và tủ số 12 tại trường Tiểu học và THCS Thành Sơn, Thung Nai, Cao Phong, Hoà Bình.
Đăng chia sẻ: “Tại Chùa An Lễ, nhìn thấy tủ sách khang trang, những cuốn sách mới được xếp ngay ngắn trên kệ các em vui và khen đẹp quá. Sư thầy, anh chị em trong dự án và các em nhỏ ngồi quây quần bên nhau, cùng chia sẻ giá trị việc đọc sách, bảo quản sách, hát những bài thiền ca, giải đáp câu đố, nhận quà tặng”.
Giống như Thái Hải Đăng, tại Bình Định có một bạn trẻ khác là Trần Minh Vương cũng đang kiên trì với hành trình gom sách để dự án sách của mình sớm trở thành hiện thực.
Vốn là người đam mê đọc sách nhưng vùng quê mà Vương sinh sống lại không có một tiệm bán các loại sách nào khác ngoài sách giáo khoa. Khi vào học đại học ở thành phố Quy Nhơn, Vương nhem nhóm ước mơ mở một khu sách lớn đủ các thể loại-nơi dành cho những người yêu sách, đam mê đọc sách như Vương có chỗ để đọc miễn phí.
Mỗi cuối tuần, Vương lại vào nhà sách đọc ké, để ý chọn những quyển sách để mỗi khi đầu tháng nhận “lương” của ba mẹ gửi vào hay khi nhận tiền công đi làm thêm, chàng sinh viên liền đi mua trước hai quyển về đọc chính thức và để dành cho dự án sau này.
Khi ra trường, trở lại quê hương, anh không mang gì về ngoài ba vali đầy sách đã mua và sách giáo khoa đã học ở trường. Khi đi làm, mỗi lần nhận lương, anh đều dành ra một số tiền để mua sách trên các trang bán sách online như Tiki, Lazada, Shopee…
Những lúc anh có dịp đi công tác vào thành phố, điều đầu tiên khi có thời gian rảnh là tới nhà sách để mua sách về đọc, cập nhật kiến thức và để dành cho ước mơ về dự án của mình.
“Của để dành” gom từ các năm học đại học, đi làm và từ bạn bè tặng, đến nay anh Vương đã sở hữu kha khá các đầu sách đủ thể loại như phát triển bản thân, rèn luyện tư duy, cập nhật kiến thức kinh doanh, truyện, tiểu thuyết...
Hiện tại, dù chưa có địa điểm thật sự lý tưởng dành cho dự án đọc sách miễn phí nhưng trong năm 2023, Vương sẽ triển khai dự án và tin tưởng sẽ có nhiều người đam mê đọc sách ủng hộ.
Anh bộc bạch: “Để dự án phát triển, tôi mong bạn bè và những người có cùng đam mê đọc sách ủng hộ tôi bằng tinh thần, hoặc đóng góp bằng sách để nhiều người được tiếp cận, được đọc sách nhiều hơn; để văn hóa đọc sách ở địa phương ngày càng lan rộng, trở thành trào lưu, xu thế lành mạnh cho cả cộng đồng”.
Hoạt động trải nghiệm của dự án “Sách ơi mở ra”. (Ảnh: NVCC) |
Thư viện quý của các bạn nhỏ
Đó là thư viện của dự án “Sách ơi mở ra” do TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh (giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) lên ý tưởng và cùng nhóm cộng sự sáng lập với mong muốn sẽ lan tỏa văn hóa đọc đến các bạn nhỏ.
Dự án ra đời năm 2015, được xây dựng trên mô hình học tập sáng tạo, với sứ mệnh đi thẳng vào thực tế và đáp ứng nhu cầu cần thiết của con trẻ trong thời đại công nghệ số lấn át sách vở hiện nay.
Do hoạt động dưới hình thức miễn phí nên những ngày đầu thành lập, thư viện “Sách ơi mở ra” gặp nhiều khó khăn vì thiếu ngân sách. Được sự ủng hộ của nhiều người, số đầu sách ngày càng đa dạng hơn.
Điểm đặc biệt của “Sách ơi mở ra” so với thư viện khác là ngoài đọc sách, các bạn nhỏ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, các em có thể rèn luyện cách đọc của bản thân.
Thư viện có các chuỗi hoạt động hằng tuần, hằng tháng, tiêu biểu như hoạt động “Đọc sách dành cho trẻ em”. Tham gia hoạt động này, các bạn nhỏ sẽ được giáo viên có chuyên môn là thành viên ban điều hành của thư viện hướng dẫn cách đọc sách.
Thời gian tới, “Sách ơi mở ra” dự định bổ sung nhiều đầu sách và nhân rộng tại nhiều địa điểm để giúp văn hóa đọc được lan tỏa, nuôi dưỡng tâm hồn của các em nhỏ hướng đến những điều nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống.
Điều làm cho những người thực hiện dự án cảm thấy vui mừng nhất chính là sự thay đổi tích cực từ phía trẻ em như thích đọc sách hơn, hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tự tin hơn trước đám đông... khi tham gia vào các câu lạc bộ của dự án.
Hoa hậu Đoàn Thiên Ân truyền cảm hứng đọc sách. (Ảnh: NCVV) |
“Học sách” theo cách của Hoa hậu
Ấp ủ từ sau khi đăng quang Miss Grand Việt Nam 2022, Hoa hậu Đoàn Thiên Ân vừa ra mắt series “Học sách” và phát sóng trên YouTube xuyên suốt tháng Tư nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2023.
Dự án là nơi để cô chia sẻ trải nghiệm và kiến thức học được từ sách trong những năm qua nhằm truyền tải năng lượng tích cực, kiến thức hay từ sách đến với mọi người và khuyến khích mọi người yêu thích việc đọc sách.
Series “Học sách” bao gồm nhiều cuốn sách đa dạng về mọi chủ đề, lĩnh vực. Tất cả đều được cô đọc và rút ra cảm nhận, kinh nghiệm theo góc nhìn cá nhân của mình.
Thiên Ân chia sẻ, đọc sách là thói quen từ nhỏ, không chỉ giúp cô mở mang kiến thức, tìm kiếm cảm hứng trong cuộc sống thường ngày mà còn là phương pháp quan trọng để cô phát triển tư duy và trau dồi những kỹ năng cần thiết.
Thông qua dự án, cô hy vọng giới thiệu đến mọi người những cuốn sách hay và ý nghĩa, góp phần tạo ra động lực giúp các bạn trẻ luôn hứng thú với việc đọc sách trong thời đại công nghệ phát triển.
Không chỉ giới thiệu sách, Hoa hậu Thiên Ân còn chia sẻ các đánh giá, nhận xét và suy nghĩ của riêng mình về từng cuốn sách. Cô cũng đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn về cách tiếp cận với sách, cách chọn lọc và đọc hiệu quả.
Mới đây, khi giới thiệu cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của tác giả Luis SéPulveda, nàng hậu chia sẻ: “Mỗi lần đọc cuốn sách này là một lần Ân cảm thấy được sự bình yên, cảm nhận được yêu thương tràn ngập xung quanh. Ân rất mong rằng những chia sẻ đối với cuốn sách này cũng sẽ khiến khán giả đồng cảm với mình”.
| Hải Dương khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam Sáng 31/3, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Hải Dương năm 2023 và Trưng bày chuyên đề “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng ... |
| Bắc Ninh khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 Ngày 14/4, tại Công viên Hồ điều hòa Văn Miếu, thành phố Bắc Ninh, đã diễn ra lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa ... |
| Phố Sách Hà Nội và chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai Ngày 21/4, Ban Quản lý Phố Sách Hà Nội sẽ khai mạc sự kiện 'Sách - Cho bạn, cho tôi' với sự tham gia hưởng ... |
| 'Nên có điều tra khách quan hằng năm để biết người dân thích đọc sách gì, đọc sách thế nào?' Đề cập chuyện làm sao để lan tỏa văn hóa đọc, nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, phải có các cuộc ... |
| Người Việt trẻ nói gì về sách và kiến tạo văn hóa đọc? Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm nay, Báo Thế giới & Việt Nam có cuộc phỏng vấn để hiểu hơn ... |