Ảnh minh họa. |
Hãy tưởng tượng một thế giới mà một vết xước cũng khiến bạn đau đớn, nơi mà việc sinh đẻ là một trải nghiệm giữa sự sống và cái chết, nơi mỗi khi bị đau họng và đau bụng cũng là nguy cơ chết người. Đó sẽ là nơi không có hoạt động của bác sĩ phẫu thuật, và lựa chọn duy nhất là cái chết.
Quả bom hẹn giờ
Theo cảnh báo của Giáo sư Dame Sally Davies, người phụ trách ngành y tế của Chính phủ Anh, thế giới đang phải đối mặt với một “ngày tận thế của thuốc kháng sinh”, một "quả bom hẹn giờ", và một "mối đe dọa nghiêm trọng cho con người" khi ngành y đang đứng trước nguy cơ mất đi loại vũ khí mạnh nhất trong “kho” của mình – các loại kháng sinh có hiệu quả.
Khi các loại kháng sinh được sản xuất trong những năm 1930 và 1940, các bác sĩ đã có được một loại thuốc kỳ diệu giá rẻ, an toàn và hiệu quả. Thuốc kháng sinh penicilin đầu tiên có thể điều trị rất hiệu quả nhiều căn bệnh, như bệnh lao, hay chống nhiễm khuẩn từ vết thương do tai nạn hoặc phẫu thuật. Những thập kỷ sau đó, penicillin cùng với các biện pháp vệ sinh và tiêm phòng góp phần tăng tuổi thọ con người thêm nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Mỗi lần phát hiện một loài vi khuẩn kháng thuốc, các phòng thí nghiệm lại đưa ra một loại thuốc kháng sinh mới. Các vi khuẩn ngoan cố nhất, chẳng hạn như E. coli, cũng phải chịu thua trước loại kháng sinh dự trữ quý hiếm carbapenem trong những năm 1980.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, vấn đề đã nổi lên khi hầu hết các kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt nhiều nhất là “99% vi khuẩn”, để lại 1% sống sót và khiến con người phải lo lắng. Vi khuẩn có thể sinh sản theo cấp số nhân, một trở thành hai và trở thành hàng triệu con trong vài ngày. Đồng thời, các bộ gen của chúng cũng không ngừng tự biến đổi khó lường. Cuối những năm 1990, aureus Staphylococcus kháng Methicillin (MRSA), một vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh penicillin và cephalosporin xuất hiện. Nó nhanh chóng trở thành tai họa của các bệnh viện. Hầu hết các chủng MRSA hầu như không thể điều trị và cách bảo vệ duy nhất (như các nhà quản lý bệnh viện đã nhận ra một cách muộn màng) chỉ là vệ sinh tốt hơn. Sau đó, đầu thế kỷ 20, một vi khuẩn mới “không thể phá hủy” nổi lên tại Ấn Độ - loại vi khuẩn đường ruột E. coli biến đổi từ gen NDM-1 (New Delhi Metallo-beta-lactamase-1). Đáng lo ngại là, DNA gây ra đột biến này có thể lây lan dễ dàng cho các loại vi khuẩn khác.
Lỗi do con người
Có thể nói, nguyên nhân của thảm họa trước hết bắt nguồn từ việc lạm dụng kháng sinh. Việc kê đơn thuốc quá mức đã khiến con người tiếp xúc với vi khuẩn ngày càng nhiều và tạo điều kiện cho vi khuẩn thêm cơ hội kháng thuốc. Trong nửa thế kỷ qua, những người chỉ mắc các bệnh nhẹ, hoặc nghi có bệnh, đã yêu cầu – và được cấp ngay, các thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn quá nhẹ vốn có thể được hệ thống miễn dịch của cơ thể “giải quyết” trong vài ngày. Tệ hơn nữa, nhiều người đã dùng thuốc kháng sinh chữa các bệnh – như cảm lạnh và cúm, thường không gây ra bởi vi khuẩn mà do virus và chúng miễn dịch với kháng sinh. Và trong khi việc lạm dụng kháng sinh đã giảm ở phương Tây, thì nó lại bùng nổ ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi các nhà thuốc thường bán sản phẩm không cần có đơn.
Một nguyên nhân khác là số lượng lớn thuốc kháng sinh đã được dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Trâu, bò, lợn, gà không chỉ được sử dụng các loại thuốc để “chữa bệnh” mà còn để kích thích tăng trưởng. Mặc dù bị cấm ở EU, nhưng thực tế này vẫn phổ biến trên toàn thế giới. Đến nỗi tại Mỹ, khó có nông dân nào không cho các vật nuôi ăn thức ăn không có kháng sinh. Do đó, con người bị các chủng vi khuẩn kháng thuốc xâm nhập thông qua thực phẩm.
Cuối cùng, đã không hề có loại kháng sinh mới nào được phát hiện từ năm 1987. Bởi sẽ không có ý nghĩa gì khi các công ty dược chi một số tiền lớn để tạo ra một loại thuốc lợi nhuận thấp mà lại chỉ hiệu quả trong vài tuần – cho đến khi các vi khuẩn phát triển một tuyến phòng thủ mới.
Ngày tận thế của thuốc kháng sinh do đó không thể tránh khỏi. Theo các quan chức y tế Anh, rất cần có các quy tắc mới để ngăn cản, thậm chí xử phạt, việc kê đơn quá mức. Theo giáo sư Richard James, một chuyên gia về nhiễm khuẩn tại Đại học Nottingham, cũng có thể áp dụng "các biện pháp kinh tế, chẳng hạn như một loại thuế về sử dụng kháng sinh, để ngăn chặn thảm kịch”, và khoản thu từ thuế có thể được sử dụng cho các nghiên cứu mới.
Hợp tác toàn cầu cũng là điều cần thiết. Các nước có sẵn kháng sinh cần thay đổi luật pháp để ngăn chặn các thực tế không mong muốn. Việc kháng thuốc kháng sinh càng trầm trọng do sự phát triển của du lịch, nên cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra tại sân bay. Đồng thời cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp dược đầu tư vào thuốc kháng sinh. Phải hành động nhanh chóng, kẻo sẽ đến lúc con em chúng ta tự hỏi tại sao các thế hệ trước lại “phung phí” một tiến bộ lớn nhất của ngành y và gây ra “thảm kịch” như vậy.
Lâm An (Theo Telegraph)