📞

Ngày vì Sự thật và Hòa giải ở Canada: Thừa nhận nỗi đau của người bản địa, cùng sát cánh vì tương lai

Bảo Hà 12:08 | 01/10/2021
Ngày 30/9 được coi là một ngày lễ theo luật định của liên bang Canada có hiệu lực từ năm nay, như Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) đã khuyến nghị trong 94 lời kêu gọi hành động của mình.
Ngày 30/9, nhiều người tập trung bên ngoài quốc hội ở thủ đô Ottawa, nơi đặt những đôi giầy nhằm tưởng nhớ những trẻ em người bản địa đã mất khi buộc phải theo học ở các trường nội trú. (Nguồn: AFP)

Đây là ngày để tưởng nhớ những trẻ em bản địa đã mất trong khi bị buộc phải theo học ở các trường nội trú và cũng để chia sẻ với những người sống sót, gia đình và cộng đồng vẫn bị ảnh hưởng bởi "di sản" của hệ thống trường nội trú này.

Để ghi dấu lần đầu tiên Canada kỷ niệm Ngày vì Sự thật và Hòa giải, hàng trăm người đã tập trung tại một buổi lễ được tổ chức trên Đồi Quốc hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng Justin Trudeau đã ra tuyên bố kêu gọi người dân Canada suy ngẫm về tác động và di sản của các trường học nội trú, đặc biệt là việc phát hiện hàng trăm ngôi mộ không tên ở gần các trường nội trú cũ.

Nữ hoàng Anh Elizabeth cùng ngày đã thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để "hàn gắn và tiếp tục xây dựng một xã hội hòa nhập", đồng thời nhấn mạnh rằng, việc bà tham gia cùng với tất cả người dân Canada vào Ngày quốc gia vì Sự thật và Hòa giải được kỷ niệm lần đầu tiên nhằm phản ánh lịch sử đau thương mà người bản địa phải chịu đựng trong các trường nội trú ở Canada.

Trong khi đó, toàn quyền Canada Mary May Simon, người bản địa đầu tiên đảm nhận vai trò đại diện cho Nữ hoàng Anh ở "xứ sở lá phong" nhấn mạnh rằng, ngày 30/9 trở thành ngày lễ là cơ hội để người dân Canada sát cánh bên nhau với sự vị tha và nhường nhịn.

Theo bà, mặc dù việc phải nhìn lại những nỗi kinh hoàng trong quá khứ cũng như những đau khổ mà người dân bản địa phải chịu đựng là một "sự thật không dễ chịu", nhưng "chúng ta cố gắng thừa nhận những nỗi kinh hoàng của quá khứ... cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người".

Trước đó, vào tháng 5/2021, cả thế giới đã bị sốc khi hài cốt của 215 trẻ em thổ dân được phát hiện trong khuôn viên của trường nội trú Kamloops trước đây. Trong thời gian từ năm 1870-1990, các trường nội trú là một phần của chính sách liên bang nhằm hòa nhập trẻ em thuộc cộng đồng thổ dân vào văn hóa châu Âu.

Các trẻ em này buộc phải cải sang đạo Thiên chúa và không được phép nói tiếng mẹ đẻ của mình. Nhiều trẻ đã bị đánh đập và bạo hành bằng lời nói.

Vào năm 2008, chính phủ Canada đã xin lỗi tại Quốc hội và thừa nhận rằng, tình trạng lạm dụng thể chất và tình dục trong trường diễn ra tràn lan. Có 138 trường nội trú nằm trong danh sách điều tra của TRC và trường cuối cùng đóng cửa ở Saskatchewan vào năm 1996.

Dự án Trẻ em mất tích của TRC cho đến nay đã ghi nhận hơn 4.100 trường hợp tử vong tại các trường học, nhưng con số đầy đủ có thể lên tới 6.000. Báo cáo năm 2015 ghi nhận thiếu nhiều dữ liệu trong hồ sơ hiện có liên quan đến tên, giới tính hoặc nguyên nhân tử vong của học sinh đã qua đời.

Ngày 30/9 cũng là Ngày áo cam, gợi nhớ câu chuyện về Phyllis Webstad, một cựu học sinh trường nội trú bị tước mất chiếc áo màu cam trong ngày đầu tiên đến trường nội trú.

Trên khắp đất nước Canada, mọi người được khuyến khích mặc màu cam để truyền bá nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp/tổ chức do người bản địa điều hành và dành thời gian để tìm hiểu và suy ngẫm.

(theo Reuters, AFP)