Nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"
Lưng ướt đẫm còn mặt thì đỏ gay, áo quần xộc xệch... anh Hoàng (chuyên cắt cỏ tại khu vực Dallas - Fortwoth) nhấn chuông nhà chúng tôi để xin nước uống sau khi đã làm sạch sẽ phân nửa bãi cỏ phía trước sân. Anh lựa một lùm cây lớn trong vườn rồi ngồi bệt dưới đất, lôi ra trong túi một hộp cơm đã chuẩn bị sẵn trước ở nhà dành cho buổi trưa, ăn lấy ăn để một cách vội vã trong cái nóng hừng hực. "Phải tranh thủ để còn làm nốt rồi chạy qua chỗ khác... Về nhà ăn sợ không kịp mà lại tốn xăng!" - anh vừa giơ cánh tay bụi bặm quệt ngang trán, giải thích.
Bữa cơm chớp nhoáng ấy kéo dài khoảng mươi phút, chẳng đủ dài để làm nên một cuộc trò chuyện tươm tất giữa chúng tôi, tuy thế nhờ tính hồ hởi của anh mà tôi cũng có cơ hội biết thêm nhiều điều. Không chút giấu giếm, anh cho biết mỗi ngày mình chạy khoảng "năm sô”, trung bình kiếm cũng được khoảng 100 USD/ ngày. "Làm cái nghề này không tốn gì nhiều đâu chú. Cả bộ vừa máy cắt, tỉa và đào loại xịn... nếu ra chợ "se-cần-han" (secondhand) cùng lắm là khoảng 400 đô. Chuyên nghiệp chút xíu thì nên mua xe tải để có chỗ chứa đồ. Còn ngoài ra chỉ cần chút tính chịu khó là được, cái này tụi tui có thừa!" - giọng anh nói dửng dưng như không.
Thế nhưng có chứng kiến tận mắt hình ảnh tấm lưng nhễ nhại, oằn xuống còn đôi tay chai phồng, gân guốc thi nhau nổi lên chằng chịt... khi anh mải đẩy tới, đẩy lui liên tục chiếc máy cắt một cách ì ạch khắp sân dưới cái nắng như đổ lửa... mới biết công việc không hề dễ thở như điều anh vừa kể.
"Hầu hết khách của mình đều là người Việt do người Mễ đã theo nghề này từ rất lâu rồi, và họ còn có những dịch vụ chuyên nghiệp hẳn hoi nên dân Mỹ thường tin tưởng họ hơn. Còn người mình mới nhảy vô gần đây nên phần lớn là làm tư và theo sự giới thiệu của người quen" - vừa tu chai nước anh Hoàng vừa giảng giải.
Công việc đã xong, tiền cũng đã cầm tay, anh vội vã chất hết dụng cụ hành nghề của mình lên xe tải cũ rích, nhảy phóc lên xe: "Lần sau có gì nhớ kêu anh tiếp nhé!". Xe đi rồi mà tôi vẫn còn nghe tiếng anh văng vẳng như lời nhắc khéo.
Khốc liệt trụ với nghề
Thật ra người Việt vốn dĩ chẳng mặn mà gì lắm với loại việc "của một đồng, công một lượng" này. Thế nhưng họ không có nhiều sự lựa chọn. "Học nghề cũng không khó lắm, nhưng cái đầu của tui nhét chữ không vô được chú à! Mà ở nước Mỹ này nếu không có bằng thì họ chẳng chịu cấp thẻ hành nghề, chẳng tổ chức nào chịu nhận đâu. Có đi sửa dạo cũng chẳng ai mướn vì không ai dám để người lạ vô nhà, nhất là khi mấy vụ khủng bố, giết chóc dạo này xảy ra như cơm bữa...!" - tôi vẫn còn nhớ rõ lời than thở của một thợ người Việt.
Chưa kể mức cạnh tranh trong nghề này phải nói đã tới mức khốc liệt khi giá cả giữa các thầu hoặc thậm chí tư nhân cứ thay phiên nhau hạ xuống không phanh. Texas là vùng gần biên giới Mexico nên việc dân Mễ trốn qua sinh sống bất hợp pháp tại đây rất nhiều. Vì không có giấy tờ hợp pháp cộng không tiếng Anh nhưng lại có sức khỏe dồi dào trời cho, họ thầu hết tất cả công việc nặng nhọc nhất với tiền công rẻ mạt nhất.
Ngoài ra, do cỏ tại Texas chỉ mọc từ tháng ba tới tháng mười một (vì thời gian còn lại thời tiết rất lạnh), nên trên danh nghĩa những người theo nghề này có tới bốn tháng... thất nghiệp! "Lúc đó thì đụng đâu làm đó thôi chứ biết sao giờ" - anh Hồng, một cư dân gốc Việt ở Dallas, thở dài ngao ngán.
Bởi thế đừng tưởng một ngày kiếm được 50-100 USD là họ có thể sống thoải mái, ngược lại lúc nào họ cũng có nỗi lo mất việc canh cánh bên lòng. Số tiền kiếm được tuy không đóng thuế nhưng phải chia ra làm nhiều khoản lặt vặt, đặc biệt phòng lấp những lúc vô công rỗi nghề hoặc những khi ốm đau bệnh tật (nhất là khi không có bảo hiểm y tế do làm tư)... Nếu bị bệnh thì họ chắc chắn sẽ mất mối quen ngay lập tức vì thường hai tuần người ta lại cho cắt cỏ một lần, do vậy họ rất sợ hai chữ bệnh tật cũng như rất ngại giới thiệu người khác thay thế mình.
Theo Tuổi Trẻ