Gánh con chữ không nặng nhọc, nghề giáo lại nhọc lòng vì những áp lực từ đám đông thiếu thiện chí. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Trong tuyệt phẩm kinh điển Tâm lý học đám đông xuất bản năm 1895, nhà tâm lý học xã hội người Pháp Gustave Le Bon đã đưa ra nhận định ông và mọi người cùng thời đang bước vào thời đại đám đông.
Theo đó, các đám đông đang thể hiện sức ảnh hưởng hơn bao giờ hết trong đời sống xã hội. Hành động vô thức của đám đông thay thế hành động có ý thức của các cá nhân trở thành một trong những đặc điểm cơ bản của thời đại.
Sau bấy nhiêu năm, bước sang thế kỷ mới, cùng với sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ, chúng ta càng thấy sức ảnh hưởng lớn lao của hiệu ứng đám đông.
Đã có bao nhiêu nạn nhân chịu cảnh ấm ức từ hiệu ứng đám đông, nhất là những đám đông trên mạng xã hội, với những lời bình xét vô thưởng vô phạt, thiếu cẩn trọng, kém chừng mực?
Chỉ vì những lời phán xét nóng nảy, những lời bình luận thiếu thiện ý, đầy rẫy những thách thức mà đã có biết bao con người phải tổn thương nặng nề, không thể tiếp tục đối diện giải quyết vấn đề. Bạo lực ngôn từ dường như trở thành bóng ma tâm lý với nhiều ngành nghề, trong đó có nghề giáo.
Chưa khi nào nghề giáo lại được xem là nghề có mức độ nguy hiểm cao như hiện nay. Xã hội đang đòi hỏi kiểm soát những người thầy người cô bằng những chiếc camera giám sát lạnh lùng vô cảm. Và bằng thái độ xem thường, thách thức, không ít phụ huynh còn xúi giục con trẻ có gì cứ quay lại thầy cô ở trường ở lớp.
Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên như những cỗ máy, phương châm ba không (không được quát, không được phạt, không được từ chối dạy) dần trở thành những điển phạm của nghề dạy.
Thực trạng giáo viên sợ... học sinh, giảng viên... sợ sinh viên đang ngày càng lan rộng ở nhiều địa phương, ở cả khu vực tư lẫn khu vực công.
Chỉ khi nghề giáo là nghề an toàn, mới có thể thu hút trở lại những sinh viên giỏi, sẵn sàng cống hiến cho hành trình gieo mầm tri thức, mới có được một nền giáo dục hạnh phúc và phát triển bền vững |
Lẽ nào, chỉ vì một số nhỏ những tình huống phản cảm của những con sâu làm rầu nồi canh mà tất cả thầy cô đều có chung một số phận là mất đi tiếng nói, mất đi sự tự tôn nghề nghiệp, mất đi giá trị cá nhân?
Điều này khiến ở đâu đó vị thế người thầy đang giảm sút một cách đáng báo động. Ngoài ra, an toàn của người thầy cũng đang bị đe dọa vô cùng nghiêm trọng.
Thế nên, chịu sự phán xét khắt khe của xã hội là thế, song, khi trở thành nạn nhân của những bạo lực ngôn từ, thậm chí của hành hung bạo lực tay chân, các thầy cô lại chưa được bảo vệ an toàn.
Rõ ràng, chúng ta còn thiếu vắng những hành lang pháp lý để bảo vệ sự an toàn của người dạy trong một thế giới mà bạo lực luôn trực chờ đổ xuống như hiện nay.
Chỉ khi nghề giáo là nghề an toàn, mới có thể thu hút trở lại những sinh viên giỏi, sẵn sàng cống hiến cho hành trình gieo mầm tri thức, mới có được một nền giáo dục hạnh phúc và phát triển bền vững.
| Ngày 20/11: Nghĩ về nghề giáo và nhân cách người thầy Dù nghề giáo vất vả và luôn phải đối diện với những áp lực yêu cầu công việc cao nhưng nó cũng mang lại những ... |
| GS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Cần đầu tư, quan tâm hơn nữa tới đời sống giáo viên Dù xã hội còn nhiều thách thức, nghề giáo vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng nhu cầu giáo viên từ thực tiễn ... |
| Chiêm ngưỡng các 'siêu phẩm' trên bảng phấn về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Học sinh Trường THPT Triệu Sơn 1 (Thanh Hóa) gây bất ngờ với những 'siêu phẩm' bằng phấn để tri ân thầy cô giáo nhân ... |
| ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Cần 'cởi trói' và trao thực quyền cho giáo viên Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, muốn có ... |
| Ngày Nhà giáo Việt Nam: Nghề giáo, lương tháng và lương tâm TGVN. Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi chợt nghĩ về lương tháng và lương tâm của người thầy. Trong giáo dục, lương tâm của người ... |