ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm, cần quan tâm nhiều hơn tới đời sống của nhà giáo. (Nguồn: Thanh niên) |
Thưa bà, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhà giáo đang gặp những thách thức gì?
Năm học 2021-2022 đầy thách thức đối với ngành giáo dục và các thầy cô. Đó cũng là tình trạng chung của toàn xã hội, nhưng với nhà giáo thì đặc thù hơn.
Dạy học trực tuyến là phương thức chủ đạo trong giãn cách, nhưng các điều kiện bảo đảm cho phương thức này nhìn chung chưa đáp ứng.
Từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh, sinh viên chưa được chuẩn bị đầy đủ về tâm thế, kỹ năng dạy và học học trực tuyến; hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; phương tiện học còn thiếu.
Dồn tâm sức để điều chỉnh giáo án, soạn bài, tổ chức tiết dạy và quản lý học sinh, có quá nhiều áp lực đối với nhà giáo, về cả thời gian vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, một bộ phận nhà giáo ngoài công lập có nguy cơ mất việc do một số cơ sở giáo dục tư thục phải đóng cửa, thậm chí giải thể, nhất là bậc mầm non.
Hiện tại, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, nhưng việc đón học sinh quay lại trường vẫn còn gian nan khi tỷ lệ trẻ em được tiêm vaccine còn thấp; chất lượng dạy học thời gian qua khó đảm bảo, đồng nghĩa với trách nhiệm của các thầy cô khi phải song song cùng lúc, vừa bù đắp kiến thức hổng để bảo đảm chất lượng, vừa chạy nhanh chương trình để kịp tiến độ năm học.
Và hơn cả, nếu mở cửa trường học, vấn đề bảo đảm an toàn cho học sinh cũng lại là nhiệm vụ đặt lên vai thầy cô. Đúng là có quá nhiều thách thức, khó khăn đối với thầy cô giáo.
Có phải người thầy đang phải "gồng gánh" quá nhiều áp lực từ các phía, về tinh thần lẫn vật chất? Đời sống của giáo viên cần quan tâm thế nào, thưa bà?
Câu chuyện “gồng gánh” quá nhiều áp lực đúng là tâm tư nhà giáo hiện nay. Từng là nhà giáo, tôi rất thấm thía và chia sẻ với các thầy cô.
Áp lực từ yêu cầu của đổi mới giáo dục và nhiều loại “chuẩn” đang đặt ra cho nhà giáo; áp lực từ kỳ vọng và sự can thiệp của cha mẹ học sinh cùng những điều chỉnh mối quan hệ thầy trò theo hướng dân chủ ít nhiều làm hạn chế tính kỷ cương.
Tất nhiên, nghề nào cũng có những khó khăn riêng, không nên so sánh nghề này nghề kia, vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng không ai phủ nhận vị thế của nghề giáo là “nghề cao quý”, nhà giáo được xã hội tôn vinh và truyền thống của dân tộc Việt Nam bao đời nay là “tôn sư trọng đạo”.
Do vậy, cần quan tâm nhiều hơn tới câu chuyện chăm lo đời sống cho giáo viên. Nên ứng xử với nghề giáo, với nhà giáo bằng những chính sách đặc thù về cả vật chất lẫn tinh thần, để các thầy cô yên tâm cống hiến, chăm lo cho thế hệ trẻ trưởng thành.
Hơn hết, cần trao thêm thực quyền cho nhà giáo, nhất là quyền tự chủ, để thầy cô giáo được thỏa sức sáng tạo trong từng giờ dạy, được yêu nghề một cách đúng nghĩa.
Thêm nữa, xin đừng làm nhà giáo tổn thương vì những ứng xử đi ngược truyền thống “tôn sư trọng đạo”, hay những quy định hành chính máy móc như câu chuyện chấm thi đua “không giống ai” mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Thế nhưng, bản thân nhà giáo cũng phải thay đổi, chuyển mình ra sao để thích ứng với những đổi mới cũng như vượt qua mọi thách thức hiện nay?
Tất nhiên, muốn nhận được sự yêu quý của học trò, sự tôn vinh của xã hội, xứng đáng với “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, người thầy luôn phải cố gắng. Cố gắng rèn đức sáng, tâm trong để làm tấm gương cho trò. Không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để nâng cao chất lượng dạy học.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, mỗi thầy cô giáo đều phải dồn tâm sức nhiều hơn mới có thể thích ứng, vượt qua thách thức, làm tròn sứ mệnh.
Đó là nhiệm vụ, cũng là danh dự của mỗi người thầy khi đứng trên bục giảng.
Cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên. (Ảnh: Minh Hiền) |
Phải chăng đã đến lúc giáo viên cần được “cởi trói”, được giảm bớt áp lực, được sẻ chia, được làm một người thầy đúng nghĩa?
Tôi nghĩ, có lẽ đây là tâm nguyện của nhiều nhà giáo. Không thể yêu cầu giáo viên toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề nếu không tạo cho các thầy cô một môi trường làm việc tích cực, điều quan trọng là được làm người thầy đúng nghĩa.
Áp lực bởi yêu cầu đổi mới giáo dục là cần thiết, tôi tin mỗi thầy cô giáo đều sẵn sàng chấp nhận áp lực này. Nhưng áp lực bởi sự chi phối của căn bệnh thành tích, bởi mệnh lệnh hành chính, bởi các yêu cầu có tính hình thức, chắc chắn sẽ làm giảm động lực, tình yêu nghề của người thầy.
Trước mắt, cần “cởi trói” ngay và luôn những yêu cầu về các loại bằng cấp, chứng chỉ; các cuộc thi; các loại sổ sách không cần thiết để thầy cô dành thời gian tập trung cho hoạt động dạy học.
Cũng rất vui là vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, giúp các thầy cô tháo gỡ những “trói buộc” hình thức bấy lâu nay. Đó là sự lắng nghe, chia sẻ một cách thiết thực.
Hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tin vui về cơ chế, chính sách đến với nhà giáo, để các nhà giáo được yên tâm cống hiến và tận tâm với nghề.
Trong một phát biểu thảo luận trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, bà đề nghị là phải có sự nghiên cứu để đầu tư thêm cho giáo dục. Bà có thể nêu cụ thể hơn về nội dung này?
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ chi ngân sách cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước; thấp hơn nhiều so với tỷ lệ quy định trong Luật Giáo dục là 20%.
Và theo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, trong phương án phân bổ, tổng số vốn ngân sách Trung ương dự kiến bố trí cho 13 ngành, lĩnh vực; trong đó, vốn tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế với 74,1% tổng số vốn kế hoạch; tiếp đến là lĩnh vực quốc phòng chiếm 7,7%; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%… Như vậy là chưa đúng tinh thần coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Thiết nghĩ, đầu tư cho kinh tế, ta sẽ có phép cộng trong tăng trưởng; nhưng đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, sự tăng trưởng kinh tế sẽ là phép nhân; bởi thế hệ học sinh hôm nay sẽ chính là nguồn nhân lực chủ đạo để thực hiện khát vọng Việt Nam năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Muốn có nguồn nhân lực vàng cho tương lai, cần quan tâm tới việc đầu tư cho giáo dục một cách đúng mức; cần có những chính sách thiết thực để người thầy được tôn vinh, được sống đủ bằng đồng lương và có môi trường dạy học phù hợp để sáng tạo, để cống hiến.
Đây là lời tri ân của tôi dành cho các thế hệ thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Xin cảm ơn ĐBQH!
| 'Chúng ta còn lúng túng khi sử dụng các app công nghệ, khách du lịch nước ngoài đến đây sẽ làm thế nào?' Đề cập đến câu chuyện mở cửa du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh ... |
| Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Giáo viên đọc văn mẫu cho học sinh chép là rất tai hại Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội sáng 11/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc giáo viên đọc văn mẫu ... |