Nghệ nhân Lò Văn Biến cùng các diễn viên quần chúng trong màn đại xòe tại Lễ hội Văn hóa-Du lịch Mường Lò năm 2019. (Ảnh: Lê Thương) |
Tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, nghệ nhân Lò Văn Biến được người dân coi như một “pho sử sống” hay “bách khoa toàn thư” về văn hóa Thái.
Cũng dễ hiểu thôi vì ông là người đã có đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu, khôi phục những di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, từ chữ viết cổ đến biên dịch những tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa và đặc biệt là các điệu Xòe...
Xòe như cơm ăn nước uống
Khi hỏi về tầm quan trọng của các điệu Xòe với cộng đồng người dân tộc Thái, nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ giản dị rằng: “Đương nhiên, không có Xòe thì không vui, không Xòe thì không thành công, Xòe như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy…”.
Theo ông, trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái, Xòe chiếm một lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Người Thái múa Xòe không chỉ nhằm thể hiện đời sống sinh hoạt, sự gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên và tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, mà còn thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc.
Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội.
Đặc biệt, Xòe Thái có tính bình đẳng rất cao. Khi đã vào vòng Xòe, không còn phân biệt giàu nghèo hay đẳng cấp. Trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ như mừng nhà mới, đám cưới hoặc xên bản, xên mường mà không Xòe thì họ coi bữa tiệc đó không vui, không thành công.
Nói về nguồn gốc sự ra đời của những điệu Xòe, nghệ nhân Lò Văn Biến cũng cho rằng, Mường Lò chính là đất tổ của người Thái Đen. Ngay từ khi vùng đất này còn hoang sơ, Xòe đã phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông trong trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi nảy nở.
Không những thế, khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, về mối quan hệ thiên-địa-nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Xòe ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, những triết lý sâu sắc, những điều đó ẩn chứa những giá trị văn hóa trong từng động tác, từng điệu Xòe.
Trong suy nghĩ của nghệ nhân cao niên, những điệu Xòe chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái, cùng với những điệu khắp chữ tình, các điệu khèn, điệu pí, Xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên.
Qua mỗi điệu Xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người, bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu sáng trong vô hạn. Đặc biệt, từ những điệu Xòe người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thuở sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan.
Ngày 15/12/2021, tại kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Paris, Pháp, nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Lễ đón nhận bằng của UNESCO dự kiến sẽ diễn ra ngày 24/9 tại Sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. |
Hồn cốt nhất định không được bỏ
Với nghệ nhân Lò Văn Biến, Xòe Thái mang sắc Thái riêng và có “tính cội rễ”. Bởi vậy, trong suốt hành trình dài gắn bó và lưu giữ loại hình nghệ thuật này, ông luôn nhắn nhủ với truyền nhân rằng: “Cái hồn cốt nhất định không được bỏ”.
Với ông, bảo tồn bản sắc dân tộc rất quan trọng nên ở Nghĩa Lộ, trang phục của những người Xòe vẫn giữ nét đẹp truyền thống, không cách tân theo xu hướng mới.
Nhiều năm nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này, ông càng nhận thức sâu sắc hơn Xòe đã góp phần làm nên bản sắc cốt cách văn hóa không thể pha trộn. Xòe cũng làm tăng giá trị biểu cảm, đồng thời góp phần khẳng định bản chất người Thái, hướng tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp.
Ông nhấn mạnh: “Xòe không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, mà còn là tri thức dân gian giúp con người thêm yêu tự nhiên, sống thuận với tự nhiên, biết điều chỉnh hành vi lối sống cho phù hợp với đạo làm người”.
Nghệ nhân Lò Văn Biến. (Ảnh: Hà Anh) |
Tấm lòng của “ông giáo già”
Ông Lò Văn Biến kể, 14 tuổi, ông đã bắt đầu chơi khèn và đi theo đội Xòe biểu diễn ở khắp các thôn bản. Với niềm đam mê và ấp ủ muốn truyền lại những điệu Xòe cho các thế hệ sau, ông đã miệt mài đi khắp các bản của người Thái ở Tây Bắc để tìm kiếm sự ủng hộ và chung tay của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người dân.
Đặc biệt, sáu điệu Xòe cổ mà ông sưu tầm và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015 gồm: Khắm khen (Nắm tay nhau), Ðổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bố bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu) và Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn). Những điệu xòe cổ này được sắp xếp theo tuần tự ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái, thể hiện qua các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng.
Không chỉ là một nghệ nhân biểu diễn, ông Lò Văn Biến còn là người thầy nhiệt thành, luôn tích cực phối hợp với các trường nội trú, trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái để dạy cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, ông còn truyền dạy chơi khèn, diễn tấu đàn tính, thổi pí pặp, pí thiu, pí ló… và góp phần lưu giữ các lễ hội “Xên bản, xên mường”, “Lồng tồng”, sinh hoạt “Hạn khuống”…
Đến nay, hầu hết các địa phương ở Nghĩa Lộ đều thành lập và duy trì các đội văn nghệ ở thôn bản với sự tham gia của các nghệ nhân người cao tuổi, thanh niên và các cháu thiếu niên để cùng nhau gìn giữ những di sản văn hóa quý giá của người Thái.
Có thể thấy, việc Xòe Thái được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là nguồn động viên rất lớn đối với cộng đồng, cũng như cá nhân nghệ nhân Lò Văn Biến. Hiện tại, ngoài tâm huyết dành cho các điệu Xòe, ông vẫn tiếp tục với công việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa Thái.
Dù tuổi cao sức yếu, ông Lò Văn Biến vẫn tham gia và phát biểu hào sảng tại nhiều hội nghị, hội thảo nhằm đóng góp ý kiến giúp chính quyền và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Điều mà ông luôn trăn trở chính là thành viên của đội Xòe từ năm 1948 giờ chỉ còn một nghệ nhân đã 102 tuổi nên việc đào tạo những truyền nhân kế cận là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Ông bộc bạch: “Tôi cho rằng, muốn giữ gìn và bảo tồn di sản thì phải thực sự yêu quý nó. Chúng ta cần truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu cùng niềm tự hào và hãnh diện về di sản văn hóa của mình”.