Tại một nhà máy rượu tại Tokyo có từ thời Samurai, ông Koichi Maesako dùng một mái chèo bằng gỗ dài 3 mét để nhẹ nhàng khuấy hỗn hợp màu trắng trong một chiếc thùng khổng lồ màu ngọc bích.
Ông Koichi Maesako tại xưởng sản xuất rượu sake. (Nguồn: Reuters) |
Hỗn hợp này sẽ chuyển thành rượu sake trong vòng một tuần tới. Đây là loại rượu này có mùi thơm ngọt và chua nhẹ làm từ gạo, men nở, nấm koji và nước đã lên men trong 20 ngày theo một kỹ thuật cổ xưa.
Kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản vừa được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 4/12. Ông Maesako, 40 tuổi, là Trưởng xưởng sản xuất rượu của nhà máy Ishikawa, cho rằng sự công nhận của Liên hợp quốc sẽ là tin vui sau nhiều năm khó khăn của lĩnh vực này.
Theo ông, thời tiết ấm trái mùa đã ảnh hưởng đến vụ lúa thu hoạch không chỉ đến chất lượng hạt mà còn đẩy giá thu mua lên cao.
Thêm vào đó, những nghệ nhân làm rượu sake truyền thống đã phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng trong nước thụt giảm trong nhiều thập kỷ vì người tiêu dùng có sở thích thưởng thức các loại cocktail như highballs và các loại đồ uống có cồn khác.
Chia sẻ với Reuters, ông cho biết: "Thời tiết vẫn còn khá ấm áp. Giá gạo lên cao mà vụ mùa lại cho thu hoạch kém, khiến cho việc sản xuất rượu năm nay trở nên khó khăn hơn năm trước".
Những nghệ nhân làm rượu sake truyền thống đang đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng trong nước thụt giảm trong nhiều thập kỷ. (Nguồn: Reuters) |
Do đó, Maesako hy vọng việc UNESCO công nhận kỹ thuật sản xuất rượu truyền thống sẽ mang lại hy vọng mới cho ngành sản xuất này.
Ông chia sẻ: “Sau khi được vào danh sách của UNESCO, văn hóa ẩm thực Nhật Bản (washoku) đã lan rộng khắp thế giới. Tương tự như đối với rượu sake, nhà máy sản xuất của chúng tôi đang trông thấy sự tăng trưởng trong xuất khẩu và việc lọt vào danh sách của UNESCO sẽ đẩy nhanh xu hướng này".
Phương pháp sản xuất rượu sake truyền thống trong nhiều thế kỷ được cho là độc đáo nhờ vào ba bước chuẩn bị hay còn được gọi là “San-Dan-Jikomi”, cho phép nhiều quá trình lên men diễn ra đồng thời trong một thùng chứa duy nhất.
Kỹ thuật nấu rượu sake đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Ông Robert Brown, một du khách người Mỹ tham quan xưởng sản xuất rượu sake, cho biết: “Thật tuyệt khi hiểu được cách mọi thứ kết hợp lại với nhau. Tôi cảm thấy thật thú vị khi kỹ thuật này trở thành di sản văn hóa".
Mặc dù rượu sake không còn là thức uống thông thường nhưng ông Maesako cho rằng nó vẫn không thể tách rời khỏi văn hóa Nhật Bản.
Ông cho biết: “Chúng tôi uống rượu sake vào những lễ mừng năm mới cũng như vào những dịp buồn như tang lễ. Văn hóa rượu sake cũng chính là văn hóa của Nhật Bản”.
Ngày 4/12, UNESCO chính thức công nhận 3 nét văn hóa đặc sắc vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, bao gồm phương pháp nấu rượu sake của Nhật Bản, món ăn attieke làm từ củ sắn (khoai mì) của Côte d'Ivoire và kỹ năng của thợ lợp mái kẽm ở Paris (Pháp). Đây là lần thứ 23 Nhật Bản ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Các mục trước đó bao gồm sân khấu nogaku, ẩm thực washoku và các điệu múa dân gian địa phương. Kỹ thuật nấu sake đã có từ hàng thế kỷ, sử dụng nấm koji để lên men gạo, có một vị trí đặc biệt trong văn hóa của đất nước Mặt trời mọc. Quy trình nấu sake kéo dài vài tuần và thường được so sánh với quy trình nấu bia. Sake có thể được phục vụ ở nhiệt độ nóng, lạnh hoặc nhiệt độ phòng. Ông Takehiro Kano, Đại diện thường trực của Nhật Bản tại UNESCO, cho biết sự công nhận của tổ chức này sẽ giúp khơi dậy sự quan tâm đối với việc nấu sake và bảo đảm những kỹ năng này sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau. |