Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức họp báo giới thiệu vở opera “Công nữ Anio” được xây dựng từ câu chuyện tình yêu giữa nàng công nữ Việt Nam và chàng thương nhân Nhật Bản lưu truyền ở hai quốc gia.
Khách mời tham dự chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp báo chiều 18/5. (Ảnh: Lê An) |
Araki Sotaro là một thương nhân Châu Ấn thuyền vào đầu thế kỷ XVII, đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam). Ông đã gặp công nữ Ngọc Hoa như mối duyên tiền định và được chúa Nguyễn đồng ý gả nàng về làm vợ. Sau đó, Ariki Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki sinh sống.
Tại đây, nàng được người dân yêu mến, gọi với cái tên Anio San. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” được tổ chức 7 năm một lần tại lễ hội Nagasaki Kunchi.
Chia sẻ về vở diễn này tại buổi họp báo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cố vấn danh dự Dự án, nhấn mạnh: “Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi cho rằng nền tảng phát triển của quan hệ hai nước có sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người.
Những ví dụ thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm đó có thể thấy trong lịch sử lâu đời vượt xa phạm vi 50 năm và một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro và công nữ Ngọc Hoa.
Đại sứ Yamada Takio cho biết, vừa qua ông đã có cơ hội tới thăm Nagasaki, tận mắt thấy ngôi mộ của thương nhân Araki và công nữ Anio ở cạnh nhau, được lưu giữ và thờ cúng đến hôm nay. Khi tới đây, ông có cảm nhận câu chuyện của hai người là xuất phát điểm của quan hệ đối tác bình đẳng giữa hai nước.
Đại sứ hy vọng vở opera sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam, giúp thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước.
Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nêu rõ hai nước đã và đang phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sinh động kỷ niệm chặng đường 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, dự án Opera “Công nữ Anio” là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt.
Bà Nguyễn Phương Hòa tin tưởng: “Vở opera kể về câu chuyện tình giữa công chúa Việt Nam và thương gia Nhật Bản - biểu tượng cho mối lương duyên giữa hai quốc gia chúng ta, ngày càng bền chặt. Thông qua sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, hội hoạ, ngôn ngữ ca từ, tác phẩm sân khấu chung giữa nghệ sĩ hai nước là sự tôn vinh những giá trị chung của hai dân tộc chúng ta".
Nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam tái hiện chuyện tình của thương nhân Araki Sotaro và công nữ Anio. (Ảnh: Lê An) |
Hội tụ êkíp sản xuất và dàn nghệ sĩ opera nổi bật của hai quốc gia, vở opera "Công nữ Anio" sẽ chính thức công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội với 3 đêm vào tháng 9 tới và dự kiến lưu diễn tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam. Với những thông điệp ý nghĩa, vở opera sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc hai quốc gia, cũng như thúc đẩy tình hữu nghị song phương.
Đại diện Dự án, ông Honna Tetsuji, Giám đốc âm nhạc kiêm Chỉ huy chính của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một tác phẩm lưu truyền về sau. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các chứng cứ lịch sử là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã liên hệ, nhờ đến sự hiểu biết của các chuyên gia cố vấn lịch sử của cả Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng câu chuyện chính xác, chân thực nhất”.
Tại buổi họp báo, khách tham dự đã có cơ hội giao lưu và thưởng thức bài song ca Con thuyền ánh sao, được trích từ Màn 2 của vở diễn. Dù chỉ mới luyện tập cùng nhau một ngày trước ngày họp báo, nhưng nghệ sĩ Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei (vai thương nhân Araki Sotaro), nghệ sĩ Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang (vai công nữ Anio) đã khiến khán giả ngạc nhiên bởi sự đồng điệu trong lời ca và cảm xúc trong vai diễn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo TG&VN về thử thách hát opera bằng tiếng Việt, hai nghệ sĩ Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei cho biết, đó là một trải nghiệm thú vị với nhiều niềm vui, cũng như luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các nghệ sĩ Việt Nam.
Giọng tenor Kobori Yusuke chia sẻ: “Tôi đã từng hát tiếng của các nước khác, nhưng tôi chưa có kinh nghiệm biểu diễn hay hát bằng tiếng Việt. Thực sự học tiếng Việt rất khó, nhưng sau thời gian luyện tập, tôi đã khám phá ra được những điểm thú vị của ngôn ngữ này.
Chẳng hạn, khi nói bằng tiếng Việt, tôi phải biểu cảm gương mặt và thay đổi khẩu hình miệng khi phát âm, nên tôi được cười rất nhiều trong quá trình tập luyện”.
Các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn và giao lưu tại buổi họp báo. (Ảnh: Lê An) |
Hai nghệ sĩ Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang cũng bày tỏ niềm hạnh phúc và vinh dự khi được tham gia một vở nhạc kịch có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu, chuyên nghiệp với sự hợp tác của hai nước.
Giọng soprano Đào Tố Loan cho biết: “Dù chỉ mới gặp gỡ và cùng tập luyện với bạn diễn nhưng chúng tôi đã cảm thấy rất gần gũi và khâm phục các nghệ sĩ Nhật Bản đã luyện hát thành công bằng tiếng Việt. Có lẽ, chính những nét tương đồng về văn hóa, âm nhạc của hai nước đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tìm được sự đồng điệu ở nhau”.
| Trải nghiệm với quê hương của những nghệ sĩ gốc Việt tại Anh Triển lãm “Không đâu bằng nhà” (No place like home) của những nghệ sĩ gốc Việt đang khai trương vào tại Bảo tàng về nhà ... |
| Chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật độc đáo, đặc sắc của gốm cổ Bát Tràng Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề 'Gốm cổ Bát Tràng' nhân dịp ngày Quốc tế Bảo ... |
| Những di sản ngoại giao vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất mà còn là một nhà ngoại giao tài ba của dân tộc ... |
| Nhà của Bác Hồ trên đất Thái Trong những năm hoạt động cách mạng ở Thái Lan, làng Nỏng Hang (còn gọi là Nỏng Ổn), xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon ... |
| Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tượng đài trong trái tim nhân loại Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người Việt Nam đều tưởng nhớ và có cách riêng để học ... |