33 anh tài tham gia chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. (Nguồn: YeaH1) |
Năm 2014, trong một chương trình âm nhạc trên VTV, một ca sĩ - nhạc sĩ bị khán giả, khách mời lớn tuổi “ném đá” ngay sau khi biểu diễn ca khúc Đi học. Dù nhạc sĩ và đạo diễn có đứng ra giải thích rằng họ muốn xây dựng bài hát theo góc nhìn của một người cha đưa con đi học, nhưng vẫn không thể xoa dịu cơn giận trong trường quay. Họ bức xúc vì bài hát quen thuộc nay lại phối khí, ngắt nghỉ… khác đi. Như một cú “knock-out”, họ giành mic và hát lại, như để dạy cho ca sĩ và nhạc sĩ biết thế nào là “Đúng”.
Câu chuyện va chạm thế hệ trong thưởng thức nghệ thuật không phải chuyện vĩ mô mà xảy ra ngay trong mỗi bữa cơm gia đình. Bà tôi vẫn luôn than thở rằng âm nhạc “thời đó” toàn những ca khúc đi vào lòng người, nghe đi nghe lại vẫn hay; còn bọn trẻ bây giờ toàn hát “cái điên cái khùng”, nghe xong trôi tuột.
10 năm sau cuộc “ném đá” tập thể trên truyền hình kể trên, nhà đài đã có một bước tiến cực lớn với “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Có thể nói, lần đầu tiên trên truyền hình có một show ca nhạc mà cả già trẻ, lớn bé trong gia đình đều có thể xem chung. Những nhân vật tham gia là ca sĩ, diễn viên, vận động viên… ở mọi lứa tuổi. Nhiều ca khúc viral từ chương trình là những bản làm mới các ca khúc bất hủ (Mẹ yêu con, Tình anh bán chiếu, Áo mùa đông) hoặc xây dựng trên chất liệu dân gian (Trống cơm, Đào liễu…). Sau chương trình, có tới 20.000 khán giả đã mua vé xem liveshow để hòa vào những giai điệu một lần nữa. Show diễn tiếp theo tại Hà Nội cũng đang được khán giả lùng sục săn vé.
Thành công của chương trình không chỉ là xếp đầu xu hướng, nâng tầm sự nghiệp của những gương mặt tham gia mà còn là lời khẳng định với khán giả đại chúng về việc cần làm mới những sản phẩm văn hóa, để nó tiếp tục tồn tại trong dòng chảy cuộc sống. Việc cứ nhất quyết bắt các sản phẩm giữ mãi hình hài nguyên bản, chẳng khác nào bức tử nó. Rất nhiều người hô hào “đóng khuôn” với tâm thế lưu giữ, bảo vệ… mà quên mất rằng văn hóa luôn là hội nhập, học hỏi và chắt lọc. Ví như chiếc áo dài ngày nay cũng đã trải qua vô số lần thử nghiệm, cải tiến, thay đổi chứ không phải giữ mãi ver 1.0 như thời chúa Nguyễn. Hay với như các ca khúc nhạc Trịnh, các ca sĩ trẻ sẽ chẳng dám động tới chúng nếu khán giả cứ tiếp tục tư duy kiểu: “Chỉ có Khánh Ly hát là nhất”.
Những người sinh ra và lớn lên ở những giai đoạn khác nhau, sẽ có cách sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Đó là sự khác biệt cần được nhìn với con mắt thấu cảm chứ chẳng phải tranh luận hơn-kém; đúng-sai. Giới trẻ Việt bây giờ giỏi lắm! Họ đưa về nước những ngôi sao đình đám (Blackpink, Charlie Puth…); tổ chức các chương trình với lượng khán giả tầm cỡ châu lục (Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai “Say Hi”...). Chưa hết, họ còn đem văn hóa và âm nhạc Việt Nam ra biểu diễn trên sân khấu thế giới (Chi Pu, Trọng Hiếu, Lil Wuyn…). Giờ đây, khái niệm “đu idol” đã dành cho cả những ca sĩ Việt thay vì bỏ tiền ra nước ngoài xem show của những thần tượng Mỹ, Hàn Quốc…
Như NSND Tự Long từng nói: “Chúng ta làm một ca khúc, làn điệu truyền thống nhưng cần có sự giao thoa, kết hợp với đương đại, để người già, trung niên, người trẻ đều có thể lắng nghe. Những gì thuộc về dân tộc thì hãy giữ lấy sau đó phát triển, cách điệu, khoa trương và cuối cùng là thăng hoa”.
Một lần nữa, nghệ sĩ Việt trẻ giỏi lắm! Xin hãy nhìn những sáng tạo của họ với con mắt bao dung và cho phép các sản phẩm văn hóa dân tộc được mang nhịp đập của thời đại.