Ngày 5/12/2023 là tròn 10 năm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Hình ảnh Google Doodle tôn vinh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ do nghệ sĩ Camelia Pham minh họa, thể hiện các nghệ sĩ đang biểu diễn đờn ca tài tử. |
Nghệ thuật này vừa mang tính bác học,vừa mang tính dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.
Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Đờn ca tài tử Nam Bộ có 20 bài tổ, tuy không phải người Đờn ca tài tử nào cũng thuộc đầy đủ hay khi hoà đàn không bắt buộc phải chơi hết 20 bài, nhưng các nghệ sĩ đều phải biết tên các bài đó, bao gồm 6 bài Bắc, 3 bài Nam, 4 bài Oán và 7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò).
Ngoài ra còn có rất nhiều bài bản khác được dùng, trong đó Vọng cổ 32 nhịp là thông dụng nhất. Trong một chương trình hòa nhạc Đờn ca tài tử lúc nào cũng có bài Vọng cổ.
Nhắc đến Đờn ca tài tử Nam Bộ người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam. Đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ hiện phát triển mạnh ở ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam như An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long. |