Nhỏ Bình thường Lớn

Nghị định mới về nghi lễ đối ngoại: Hướng tới sự chuyên nghiệp và thống nhất

Nhân dịp Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 18/2022/NĐ-CP (Nghị định 18) về nghi lễ đối ngoại, Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ về những nét mới và ý nghĩa của Nghị định, góp phần hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện,hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghị định mới về nghi lễ đối ngoại: Hướng tới sự chuyên nghiệp và thống nhất
Lễ đón trọng thể Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam ngày 28/6/2021 tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: TTXVN)

Thưa Cục trưởng, việc Nghị định 18 vừa được Chính phủ ban hành đi vào hiệu lực từ ngày 10/4/2022 tới có ý nghĩa như thế nào đối với công tác nghi lễ đối ngoại?

Nghị định 18 là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh về nghi lễ đối ngoại, khẳng định tầm quan trọng của công tác này trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021).

Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động đối ngoại của đất nước ngày càng đa dạng, Nghị định 18 có hiệu lực sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, lâu dài, đảm bảo việc triển khai thực hiện nghi lễ đối ngoại được thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu đối với công tác đối ngoại với tính chuyên nghiệp ngày càng cao.

Nhằm đảm bảo tính phổ quát, Nghị định 18 có thể được dịch ra tiếng nước ngoài để phổ biến cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các đoàn khách nước ngoài đến thăm Việt Nam biết và phối hợp thực hiện.

Xin ông cho biết quá trình Cục Lễ tân Nhà nước xây dựng nên dự thảo Nghị định 18?

Nhằm tiếp tục triển khai và thực hiện tốt hơn các nội dung của Nghị định số 145/2013/NĐ-CP (Nghị định 145) về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, sau hơn ba năm soạn thảo và xây dựng, Nghị định 18 về nghi lễ đối ngoại đã ra đời thay thế nội dung phần nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định 145 ngày 29/10/2013 của Chính phủ.

Kế thừa Nghị định 82/2001/NĐ-CP về Nghi lễ đối ngoại, Nghị định 145 là văn bản pháp quy cao nhất quy định về nghi lễ Nhà nước, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai công tác nghi lễ đối ngoại một cách trọng thị, chu đáo, bài bản và thống nhất.

Tuy nhiên, sau năm năm thực hiện (từ năm 2013-2018), Nghị định 145 bộc lộ một số hạn chế như chưa phân biệt rõ ràng giữa nghi lễ dành cho danh nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước và chuyến thăm chính thức (đối với các đoàn Nguyên thủ quốc gia); chưa có quy định về các nghi lễ đối ngoại đặc biệt như huy động quần chúng đón tại sân bay, tại lễ đón chính thức…; chưa có các quy định cụ thể về hình thức và mức độ đài thọ cho các đoàn; và chưa có quy định về việc gửi thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các Lãnh đạo đồng cấp nước ngoài.

Trong hơn ba năm triển khai xây dựng Nghị định 18, Ban Soạn thảo và Tổ biên tập tổ chức rất nhiều cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp, vào dự thảo từ các cơ quan Trung ương, các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, chuyên gia, đồng thời đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao để lấy ý kiến của công chúng trước khi tiến hành các thủ tục trình ban hành Nghị định 18 về nghi lễ đối ngoại.

Do là một Nghị định đặc thù, liên quan trực tiếp đến hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, lại là văn bản cần được phổ biến rộng rãi tới các nước đối tác, nên quá trình soạn thảo và xây dựng Nghị định 18 gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, khó khăn lớn là việc thống nhất được ý kiến giữa các cơ quan cấp Trung ương để đảm bảo xây dựng được một Nghị định dễ hiểu, dễ áp dụng, vừa đảm bảo tính nguyên tắc, vừa có các quy định cụ thể, rõ ràng và việc triển khai được thuận lợi nhưng cũng có những điều khoản đảm bảo tính linh hoạt, khả năng vận dụng để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về đối ngoại trên thực tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Trong thời gian tới, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục là mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, đòi hỏi những cán bộ làm công tác lễ tân đối ngoại cần phải luôn học tập, rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, tinh tế, chu đáo, giàu lòng mến khách và đặc biệt thể hiện được bản sắc văn hóa của dân tộc” .

Nghị định 18 có những điểm gì mới so với nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định 145?

Một số nội dung mới nổi bật của Nghị định 18 đó là bổ sung các tiêu chí và biện pháp nghi lễ đối với chuyến thăm cấp nhà nước của Nguyên thủ quốc gia nước khách.

Theo đó, Nghị định 18 quy định cụ thể về tiêu chí và số lượng (một năm không quá ba đoàn thăm cấp nhà nước và cần được thống nhất trước với Bộ Ngoại giao nước khách từ 3-6 tháng); quy định về việc bắn 21 loạt đại bác chào mừng khi cử Quốc thiều hai nước tại lễ đón cấp nhà nước. Đây là những biện pháp nghi lễ theo thông lệ quốc tế nhằm làm nổi bật ý nghĩa mang tính biểu tượng của chuyến thăm “cấp nhà nước”.

Bên cạnh đó, Nghị định 18 còn bổ sung các quy định cụ thể về số lượng xe mô tô hộ tống đối với đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức; các quy định cụ thể về mức độ đài thọ phương tiện đi lại và khách sạn đối với các chuyến thăm theo các danh nghĩa khác nhau.

Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao)
Đại sứ Nguyễn Việt Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao).

Triển khai cụ thể tinh thần Đại hội XIII của Đảng nhằm xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn sánh vai cùng các nước phát triển, công tác nghi lễ đối ngoại sẽ đòi hỏi đổi mới, sáng tạo như thế nào trong tình hình mới, thưa ông?

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh công tác ngoại giao nói chung và hoạt động đối ngoại của Việt Nam là kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại.

Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Trong tình hình mới, việc đổi mới và sáng tạo là điều không thể thiếu, nhưng đổi mới sáng tạo phải đi từ gốc. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 18 chính là việc xây dựng “gốc vững”, cơ sở nền móng pháp lý vững chắc, dựa trên việc kế thừa những quy định pháp luật trước đây đồng thời cập nhật, thể chế hóa các quy định mới của Đảng, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo nên hình ảnh và bản chất của “những gốc tre quyện vào nhau”.

Gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, xum xuê, uyển chuyển được. Hình ảnh “thân tre” với sự uyển chuyển, linh hoạt, đặc biệt phải bản lĩnh, kiên định, đoàn kết, hàm ý chỉ các cán bộ ngoại giao nói chung và cán bộ lễ tân nói riêng phải biết nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo yêu cầu chính trị, biết đoàn kết, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng đồng thời uyển chuyển linh hoạt sáng tạo trong công việc, khéo léo linh hoạt xử lý tình huống để vừa thể hiện tính hiếu khách và “ngoại giao lễ tân con người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, lễ tân ngoại giao phải vừa đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các quốc gia, vừa đảm bảo tính trang trọng, chu đáo trong từng hoạt động nhưng đồng thời cũng phải biết vận dụng khéo léo các nguyên tắc chung đó để đáp ứng yêu cầu chính trị và đặc thù của từng đối tác, từng sự kiện.

Khi “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” là lúc công tác nghi lễ đối ngoại đi vào chuyên nghiệp, bài bản, góp phần xứng đáng vào nỗ lực xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Hướng tới xây dựng một ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại

Hướng tới xây dựng một ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao về ...

Tọa đàm Đại sứ - doanh nghiệp bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31: Doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Tọa đàm Đại sứ - doanh nghiệp bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31: Doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Sáng 10/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan ...

(thực hiện)