Ảnh phác họa của phiên tòa truy tố cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/8. (Nguồn: Reuters) |
Tuần trước, ông Donald Trump đã bị truy tố vì cố gắng duy trì quyền lực sau khi thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông bị cáo buộc lừa gạt nước Mỹ, cản trở quy trình xác nhận của Quốc hội về cuộc bầu cử vào ngày 6/1/2021 và chống lại quyền bầu cử.
Đây không phải lần đầu tiên ông Donald Trump bị cáo buộc. Trước đó, ông đã phải chống đỡ vất vả với các vụ án làm giả hồ sơ kinh doanh để trả tiền “bịt miệng” diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels và xử lý bất hợp pháp các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Nhưng lần cáo buộc hình sự này nghiêm trọng hơn nhiều bởi nó đặt ra vấn đề về hệ thống bầu cử cũng như cách thức chuyển giao quyền lực, động chạm đến các giá trị cốt lõi mang tính biểu tượng của nước Mỹ khó có thể bỏ qua.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông Donald Trump vẫn đang dẫn đầu trong nhóm các ứng cử viên đảng Cộng hòa với 54%, bỏ xa các ứng cử viên tiếp theo. Đa số cử tri đảng Cộng hòa (74%) và 1/3 số cử tri nói chung tin rằng ông không phạm pháp.
Vấn đề là bởi dư luận nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc mà ông Donald Trump thì khéo léo tận dụng khi tuyên bố mình là nạn nhân của “cuộc săn phù thủy” nhằm ngăn cản ông tái tranh cử. Các luật sư của ông biện hộ rằng, việc phản đối kết quả bầu cử tổng thống 2020 là quyền tự do ngôn luận vốn được Hiến pháp Mỹ bảo vệ.
Chính vì thế, Bộ Tư pháp Mỹ rơi vào tình thế khó xử, khi phải thuyết phục không chỉ 12 thành viên bồi thẩm đoàn, mà còn cả dư luận trong nước về việc ông Donald Trump vi phạm đến mức phải kết tội. Đây chính là nghịch lý khó hóa giải khi mà yếu tố chính trị và pháp lý không thể phân tách một cách rạch ròi.