Hai bản đồ cũ (bên trái) và mới (bên phải) đưa ra dự báo về ảnh hưởng của nước biển dâng đối với phía Nam Việt Nam vào năm 2050. (Nguồn: New York Times) |
Tổ chức khoa học Climate Central ở New Jersey, Mỹ, ngày 29/10 đã công bố kết quả nghiên cứu về hiện tượng nước biển dâng đối với các quốc gia trên thế giới. Kết quả này đã được công bố trên tập san Nature Communications.
Theo nghiên cứu mới, đến thời điểm năm 2050, nước biển dâng có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân, thậm chí xóa sổ nhiều thành phố lớn ven biển. Ước tính số dân cư bị ảnh hưởng do nước biển dâng vào năm 2050 có thể sẽ tăng gấp 3 lần so với dự tính trước đây.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu đã phát triển một phương thức chính xác hơn nhằm tính toán độ cao của đất liền dựa trên các dữ liệu từ vệ tinh, cùng với đó là cách thức tiêu chuẩn để ước tính tác động của nước biển dâng trên các khu vực rộng lớn. Cuộc nghiên cứu đã cho ra những kết quả đáng lo ngại hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây.
Nghiên cứu mới cho thấy khoảng 150 triệu người đang sinh sống trên khu vực có thể nằm dưới mực nước ở đỉnh thủy triều vào năm 2050.
Theo đó, phía Nam Việt Nam có thể “biến mất” do ngập dưới nước.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng có nguy cơ bị nhấn chìm trong nước biển vào năm 2050. (Nguồn: New York Times) |
Bản đồ đầu tiên là dự báo trước đó về phần đất liền bị chìm khi nước biển dâng vào năm 2050. Tuy nhiên, bản đồ thứ hai cho thấy phần phía Nam của Việt Nam có thể sẽ ngập dưới nước khi thủy triều lên.
Hơn 20 triệu người Việt Nam, chiếm gần 1/4 dân số, đang sống trên vùng đất có nguy cơ bị ngập lụt.
Theo kết quả nghiên cứu mới, phần lớn TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, sẽ ngập dưới nước.
Ngoài Việt Nam, một số thành phố tại các quốc gia khác cũng có nguy cơ bị ngập lụt vào năm 2050, trong đó có thủ đô Bangkok của Thái Lan, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc hay thành phố Mumbai của Ấn Độ.