Tiêm chủng phòng bệnh sởi tại Berlin, Đức. (Nguồn: AFP) |
Theo Tiến sĩ Patrick O’Connor thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - người trình bày nghiên cứu tại hội nghị toàn cầu của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ESCMID), diễn ra ngày 27/4 tại Barcelona (Tây Ban Nha), thế giới đã ghi nhận 171.153 ca mắc sởi trong năm 2022. Dữ liệu tạm thời cho thấy có 321.582 trường hợp mắc sởi trong năm 2023 và hơn 94.000 ca kể từ đầu năm 2024 đến nay. Ông O’Connor cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Gần 50% số ca mắc sởi trong năm nay được ghi nhận tại các nước thuộc phụ trách của văn phòng khu vực châu Âu của WHO, trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở Azerbaijan, Kyrgyzstan và Yemen.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, kể từ đầu năm 2024 đến nay, nước này đã ghi nhận 128 ca mắc sởi - con số cao nhất kể từ năm 2019. Mỹ đã tuyên bố loại trừ bệnh sởi ở nước này vào năm 2000. Điều này đồng nghĩa không có bệnh sởi lây lan ở Mỹ và các ca bệnh mới chỉ được phát hiện khi có người nào đó nhiễm ở nước ngoài và mang bệnh về trong nước. Tuy nhiên, CDC Mỹ quan ngại sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi trong năm nay có thể ảnh hưởng đến tuyên bố của nước này về việc xóa sổ căn bệnh.
Giới chuyên gia khẳng định vaccine vẫn được coi là "lá chắn" hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sởi. Mỗi liều vaccine có thể mang lại hiệu quả phòng bệnh lên tới 93% và hai liều có thể đạt hiệu quả ngăn chặn tới 97%. Những người đã được tiêm phòng có thể vẫn mắc bệnh, song chỉ bị nhẹ.
Tin liên quan |
Nigeria trở thành nước đầu tiên trên thế giới sử dụng vaccine viêm màng não mới |
Ông O'Connor cho biết việc tiêm phòng sởi đã ngăn ngừa được khoảng 57 triệu ca tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2022. Tại Mỹ, CDC khuyến cáo trẻ em cần tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa sởi, quai bị và rubella (MMR) từ 12-15 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai trong khoảng từ 4-6 tuổi.
Mỹ đặt mục tiêu tiêm phòng sởi đạt 95%, song tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ mẫu giáo đã giảm xuống dưới mức này trong những năm gần đây. Trong năm học 2022-2023, chỉ có 93,1% số trẻ mẫu giáo ở Mỹ hoàn thành các mũi vaccine MMR. Như vậy, khoảng 250.000 em vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Ông O’Connor nhấn mạnh bệnh sởi là “một cuộc khủng hoảng trong số nhiều cuộc khủng hoảng”, với khoảng 45% số ca bùng phát ở các quốc gia dễ bị ảnh hưởng và đang bị xung đột tàn phá. Ông nêu rõ: "Trong 20 năm qua, đã có những tiến bộ đáng kể trong việc loại bỏ bệnh sởi và rubella... Để củng cố và duy trì những thành tựu đó, chúng ta cần đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng định kỳ cao, đồng đều và công bằng; cùng khả năng tiếp cận mạnh mẽ cũng như phản ứng nhanh chóng".
Bệnh sởi là một bệnh virus có tính lây truyền cao rất phổ biến ở trẻ em. Bệnh đặc trưng bởi sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, ban đỏ (đốm Koplik) trên niêm mạc miệng và ban dạng dát sẩn lan từ đầu đến chân. Các biến chứng, chủ yếu là viêm phổi hoặc viêm não, có thể gây tử vong, đặc biệt ở những khu vực thiếu quan tâm về y tế.
(theo TTXVN)
| Công bố mới về sự nguy hiểm của bệnh sởi TGVN. Bệnh sởi gây ra tổn hại lâu dài đối với hệ miễn dịch khiến cho người từng mắc bệnh sởi dễ mắc các bệnh truyền ... |
| Ca mắc mới tăng gần gấp đôi, thế giới đối mặt nguy cơ bùng phát dịch sởi Ngày 27/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi ... |
| Zimbabwe: Hàng trăm người tử vong do dịch bệnh sởi Ngày 3/9, Bộ Y tế Zimbabwe ra thông báo cho biết, đợt bùng phát bệnh sởi đang diễn ra ở nước này đã khiến 685 ... |
| Canada cảnh báo nhiều trẻ em nhỡ lịch tiêm phòng sởi định kỳ do đại dịch Covid-19 Ngày 18/3, Cơ quan y tế công cộng Ottawa công bố, hàng nghìn trẻ em ở thủ đô của Canada đã không được tiêm phòng ... |
| Australia cảnh báo khả năng bùng phát bệnh sởi Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây nhiễm nhất hiện nay. Bệnh lây lan qua các hạt chất lỏng siêu nhỏ ... |