Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ là thành quả nghiên cứu 5 năm của nhóm tác giả. (Ảnh: PH) |
Trong dòng chảy lịch sử, Hoa Kỳ được biết đến là một cường quốc được các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách quan tâm. Việc đưa nội dung nghiên cứu Hoa Kỳ vào chương trình giảng dạy đã được triển khai ở nhiều cơ sở có chương trình giảng dạy chuyên sâu về nghiên cứu châu Mỹ như khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc giảng dạy về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại cơ sở có chuyên ngành Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao; khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ, do PGS.TS. Lê Đình Tĩnh và GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương đồng chủ biên, là công trình khoa học triển khai các nội dung giảng dạy từ khoa học liên ngành, phân tích và luận giải các nội dung liên quan đến các bài giảng nằm trong chương trình đào tạo được triển khai tại Học viện Ngoại giao, với việc nhấn mạnh các bài giảng liên quan đến chính sách và quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ với các đối tác, chủ thể trong hệ thống chính trị quốc tế.
Giáo trình gồm năm chương được trình bày theo từng vấn đề liên quan đến nghiên cứu Hoa Kỳ với sự tham gia của tập thể tác giả là giảng viên và cán bộ nghiên cứu tham gia giảng dạy trong chương trình Quan hệ quốc tế và Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại giao.
Các chương đều có chung kết cấu gồm: (i) Cơ sở lý luận và thực tiễn; (ii) quá trình triển khai hoặc thực tiễn về một nội dung; (iii) Các câu hỏi thảo luận để tạo điều kiện cho người học hướng tới đạt được kỹ năng phân tích, đánh giá và dự báo tiến tới có khả năng làm việc một cách độc lập.
Chương 1 về “Lịch sử và văn hóa Hoa Kỳ” đề cập lịch sử hình thành và phát triển của Hoa Kỳ cho tới giai đoạn hiện tại; phân tích những nhân tố tạo đặc trưng văn hóa - xã hội Hoa Kỳ và tác động của những đặc trưng đó tới chính sách đối ngoại.
Chương 2 về “Hệ thống chính trị Hoa Kỳ” phân tích, tổng hợp và đề cập nền tảng hệ thống chính Hoa Kỳ là sự ra đời của Hiến pháp, mối quan hệ giữa các nhánh trong hệ thống chính trị dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, giữa chính quyền liên bang và chính quyền các bang; về hệ thống đảng phái chính trị và cả quy trình vận động của các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ, mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Chương 3 khái quát lịch sử kinh tế Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến giai đoạn hiện nay, phân tích và đánh giá quan hệ kinh tế đối ngoại của Hoa Kỳ qua các thời kỳ lịch sử quan trọng.
Chương 4 triển khai theo phương thức cung cấp khung phân tích, quá trình hình thành và phát triển của chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kỳ.
Chương 5 phân tích, tổng hợp và đánh giá dựa trên cơ sở về thực tiễn triển khai chính sách của Hoa Kỳ đối với châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và một số đối tác như Trung Quốc, Việt Nam và thiết chế khu vực là ASEAN.
Giáo trình Nghiên cứu Hoa Kỳ không phải là cuốn sách giới thiệu một cách khái quát về Hoa Kỳ mà hướng tới xây dựng từng bước kỹ năng đọc, thu thập và xử lý thông tin và tiến tới có kỹ năng tìm hiểu, phân tích, tổng hợp và xây dựng cách tiếp cận, giải quyết vấn đề cần nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và chính sách của Hoa Kỳ đối với các đối tác.
Bên cạnh đó, một phần quan trọng nữa là học viên có thêm nhận thức để hình thành nên các luận điểm riêng của bản thân liên quan tới hoạch định cũng như triển khai chính sách của Việt Nam trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, vì hoà bình, hợp tác và phát triển, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác.
Đây cũng là nguồn thông tin để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu và tham khảo về Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu trên thế giới, một đối tác quan trọng của Việt Nam.