Hình ảnh đời thường của Đại sứ Rufus Gifford và bạn đời Stephen DeVincent. |
Nhận nhiệm vụ ở Đan Mạch năm 2013, Rufus Gifford đã trở thành một gương mặt thân quen trên truyền hình của quốc gia Bắc Âu này. Năm 2014, ông đã giới thiệu đến người dân Đan Mạch một chương trình truyền hình thực tế gồm sáu tập kéo dài ba tháng, giới thiệu về công việc và cuộc sống của mình. Chương trình liên tục đạt lượng người xem (rating) cao nhất khi phát sóng trên kênh DR3 - kênh truyền hình công dành cho thanh thiếu niên Đan Mạch.
Trong tập đầu tiên, Gifford cho biết ông nhận được nhiều câu hỏi tò mò về cuộc sống của một đại sứ. Theo Gifford, không có câu trả lời nào thuyết phục hơn việc cho công chúng trải nghiệm thay vì những lời kể. Thế là rất nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên được mời làm nhân vật trong loạt phim ấy, họ đồng hành với ông trong công tác chuyên môn lẫn đời sống cá nhân.
Bình dị và gần gũi
Từ đó, khán giả Đan Mạch có những suy nghĩ gần gũi về đại sứ. Họ không còn cho rằng Gifford dành nhiều thời gian chỉ để thăng tiến ở Bộ Ngoại giao. Công chúng biết ông là người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Giám đốc tài chính chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama (2012), thu về hơn 1 tỷ USD. Họ ngạc nhiên khi biết ông từng làm việc ở Hollywood, tham gia sản xuất các bộ phim bom tấn như Dr. Dolittle, Garfield hay có sáu năm làm giám đốc sáng tạo của Tập đoàn giải trí Davis Entertainment.
Vì thế, đối với những người cho rằng làm chính trị là khô cứng thì Gifford thực sự là một nhân vật gây ngạc nhiên.
Những cảnh ấn tượng trong loạt phim này là các cuộc gặp gỡ của Gifford với chính quyền và người dân Đan Mạch. Người ta được thấy cả cảnh Đại sứ hát cho một nhóm sinh viên cũng như làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại - Phát triển Đan Mạch như thế nào.
Lượng bình chọn tăng vọt khi buổi gặp mặt giữa ông với cựu ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney được phát sóng, lúc đó ông công khai nói về cả những điều tốt nhất và tồi tệ nhất trong đời sống chính trị ở Washington.
Kể cả những người ít quan tâm về chính trị cũng dán mắt trước màn hình để theo dõi những thước phim về cuộc sống riêng của Đại sứ. Một số khán giả trực tiếp trải nghiệm với gia đình ông. Gifford sẵn sàng chia sẻ những khía cạnh về cuộc sống cá nhân. Tất cả được truyền tải một cách nhẹ nhàng. Nhiều người rơi nước mắt chứng kiến bữa tiệc sinh nhật lần thứ 40 của Gifford, nơi ông có bài phát biểu đầy xúc động với người bạn đời đồng tính Stephen DeVincent. Đó là quá trình học tập của ông ở thị trấn nhỏ giàu có Manchester-by-the-Sea (Boston, bang Massachusetts, Mỹ), là cách ông vượt qua định kiến và liên kết với cộng đồng khi công khai đồng tính.
Bằng phương pháp như vậy, Gifford đã phá vỡ rất nhiều các suy nghĩ cho rằng nhà ngoại giao và các lĩnh vực đối ngoại nói chung là nơi chứa đựng nhiều bí mật hoặc chỉ có lời nói dối vì lợi ích quốc gia.
Phương tiện hữu hiệu
Truyền hình từ lâu đã đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu của ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng. Khi Internet, đặc biệt là mạng xã hội lên ngôi, nhiều tranh cãi nổ ra về việc truyền hình hay các hình thức báo chí truyền thống không còn hữu hiệu như trước khi thực hiện mục đích truyền thông. Giữa bối cảnh đó, loạt phim của Gifford đã chỉ ra cách thức làm thế nào để có thể tận dụng một cách tốt nhất các phương tiện truyền thống nhằm thu hút công chúng.
Truyền hình thực tế làm mờ đi ranh giới giữa công chúng và cá nhân, tạo ra hình ảnh thân thiện về Gifford. Không phải ngẫu nhiên mà người xem nhìn thấy chuyến đi của Gifford đến đảo tự trị Greenland, nơi Đan Mạch và Mỹ chia sẻ lợi ích chiến lược quan trọng. Rồi bằng cách nói chuyện cởi mở về quyền của Cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới), Gifford đề cập chính quyền Obama như một tấm gương bảo vệ quyền con người. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo thanh niên Đan Mạch, khiến họ thiện cảm hơn với nước Mỹ.
Đại sứ Gifford hiểu việc sử dụng truyền hình là cần thiết để giới thiệu về bản thân với công chúng nước ngoài và khẳng định vị trí của mình. Việc nâng cao hình ảnh nước Mỹ cũng trở nên thuận lợi hơn giữa rất nhiều ngờ vực về mục đích thực sự của các giá trị Mỹ. Đây không phải điều mà đồng nghiệp nào của ông Gifford cũng có thể gây dựng và duy trì được ở nước ngoài.
“Chương trình truyền hình thực tế của Đại sứ Gifford là một bài học kinh nghiệm quý giá cho các nhà ngoại giao. Nó cho thấy truyền hình có thể tác động sâu rộng khi chính phủ sẵn sàng công khai và mời công chúng theo dõi hoặc trải nghiệm những gì đằng sau cánh cửa khép kín. Nhất là với những lĩnh vực mà các định kiến đôi khi không phản ánh hoàn toàn bản chất của nó, như hoạt động đối ngoại”. (TS. Mads Hvas Jensen, Đại học Copenhagen) |
Nguyên Bảo (tổng hợp)