Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chụp selfie cùng các nhà báo trong chuyến thăm trung tâm truyền thông ngày 10/7 trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 tại Jakarta. (Nguồn: Antara) |
Xu thế được các nhà ngoại giao ASEAN nhiệt tình "lăng xê"
Trong một đoạn video mới đây được đăng tải trên trang Instagram cá nhân (retno_marsudi) của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, bà xuất hiện với dáng người nhỏ bé trong chiếc áo batik truyền thống của xứ sở vạn đảo và dẫn dắt một loạt cuộc thảo luận với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) vào tháng 7 vừa qua.
Ở một video khác, bà Retno Marsudi đang phát biểu về tầm quan trọng của ASEAN trong việc đối phó với nhiều thách thức. Giữa những cuộc gặp gỡ quan trọng tại AMM-56, những bức ảnh selfie và tiếng cười tạo nên một bầu không khí ấm áp và thân thiện.
Các video như vậy được đăng tải gần như mỗi ngày trong khi AMM-56 và các cuộc họp liên quan diễn ra.
Giống như bà Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cũng thường xuyên đăng tải các video, hình ảnh về các hoạt động của mình trong các kỳ hội nghị cấp cao. Những bức ảnh này thường đi kèm với phần chú thích giải thích những kết luận từ cuộc họp, những cam kết quan trọng đã được đưa ra, và những đánh giá, tổng kết về cách thức, hiệu quả tốt đẹp mà cuộc họp đã diễn ra.
Lùi lại 10 năm trước, các cuộc họp hay nhiều hội nghị quốc tế của ASEAN thường khá xa cách với người dân, bị họ coi là dài dòng, nhàm chán và chỉ được quan chức chính phủ hay các chính trị gia quan tâm. Khó để tưởng tượng được những tương tác trên mạng xã hội của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN như hiện nay.
Nhưng ngày nay, với số lượng người dùng mạng xã hội tăng vọt, các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ bắt đầu dựa vào các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Đây cũng là cách thức quảng bá tới người dân những gì họ đang làm và cho thấy những thành tựu đó ảnh hưởng công chúng như thế nào.
Hơn nữa, các bài đăng làm sáng tỏ những gì xảy ra xung quanh các bàn đàm phán quốc tế. Trong khi trước đây, người ta không thể tưởng tượng được điều gì thực sự xảy ra bên trong các cuộc đàm phán này. Thông thường, họ chỉ dựa vào các kênh truyền hình và thường là các bản tin tức ngắn.
Trong những năm qua, truyền thông qua mạng xã hội đã trở thành một phần tích hợp trong cuộc sống hàng ngày của chính sách đối ngoại và đồng thời là một cách hiệu quả để giới thiệu và giao tiếp với công chúng.
Điển hình như bà Retno Marsudi hiện có khoảng 515.000 người theo dõi trên Instagram, trong khi đó ông Vivian Balakrishnan cũng đã có hơn 83.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội này. Đây chắc chắn là những con số lớn mà bình thường các vị chính trị gia khó có thể tiếp cận được nhiều người dân như vậy.
Theo thống kê của statista.com, 60% số lượng người dùng Instagram thuộc độ tuổi từ 18-34 tuổi - cho thấy, hầu hết những người theo dõi đều là những người trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Thu hút giới trẻ ASEAN
Theo báo cáo mang tên “Hiểu cách người trẻ nhìn nhận ASEAN” do Ban thư ký ASEAN công bố, hầu hết thanh niên ở khu vực Đông Nam Á tìm hiểu về ASEAN thông qua internet và mạng xã hội thay vì trường học hoặc truyền thông.
Hiện tại, có 213 triệu thanh niên ở các nước ASEAN trong độ tuổi từ 15-34. Đây là số lượng thanh niên ASEAN lớn nhất từ trước đến nay. Việc các nhà hoạch định chính sách nâng cao nhận thức của giới trẻ về những gì đang xảy ra trong khu vực của họ và những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt là điều hợp lý.
Tuy nhiên, một trong những rào cản khó khăn nhất mà ASEAN phải đối mặt là không phải tất cả các công dân trẻ trong khu vực đều cảm thấy họ là một phần của ASEAN, chưa kể đến việc đóng góp vào các giải pháp cho các vấn đề của khu vực. Thách thức này phải được giải quyết dưới sự bảo trợ của trụ cột văn hóa - xã hội ASEAN.
Với số lượng lớn thanh niên và người dùng mạng xã hội ở Đông Nam Á, điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là chia sẻ kết quả của các cuộc họp quan trọng trên mạng xã hội. Một số vấn đề hiện tại mà ASEAN đang phải đối mặt có thể không được giới trẻ ngày nay quan tâm, nhưng thông qua mạng xã hội, biết đâu họ nhận ra tầm quan trọng của chúng đối với họ và tương lai của khu vực.
Ví dụ, tranh chấp Biển Đông là một vấn đề quan trọng mà thanh niên ASEAN cần lưu ý, bởi vấn đề này ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình trong tương lai của khu vực. Hơn nữa, những tranh chấp này có khả năng chưa được giải quyết trong thế hệ hiện tại và rất có thể sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Indonesia đã cố gắng thúc đẩy sự kết nối khu vực như một tài sản quý giá cho người dân ASEAN. Sự tham gia của công chúng trong việc giải quyết các vấn đề của ASEAN sẽ làm cho khối trở nên quan trọng đối với tất cả mọi người.
Tăng nhận thức của công chúng về các vấn đề của ASEAN là một mục tiêu quan trọng. Có nhiều cách để người dân ASEAN tham gia vào nỗ lực giải quyết những thách thức và vấn đề mà ASEAN đang phải đối mặt, và qua truyền thông mạng xã hội dường như là một trong những cách hiệu quả nhất.
Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách ASEAN là duy trì sự tương tác chân thực hơn với công chúng và đặc biệt là giới trẻ trên mạng xã hội. Mạng xã hội là công cụ hữu hiệu không chỉ để tìm hiểu chính sách đối ngoại, những kết quả đạt được mà quan trọng hơn là lắng nghe, tiếp cận tâm tư nguyện vọng, khiếu nại, kiến nghị của người dân, đặc biệt là giới trẻ.