Cặp gấu trúc song sinh tại vườn thú Ueno ra mắt công chúng Nhật Bản ngày 12/1/2022. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
“Cơn sốt” chưa có tiền lệ
Để đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí phát hành một bộ tem đặc biệt vào đúng ngày 29/9-ngày ký kết Tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương cách đây 50 năm.
Bộ tem thể hiện hình ảnh chú gấu trúc dễ thương được vẽ bằng mực đen (loại mực chuyên được sử dụng để viết thư pháp) đang cầm ngọn trúc kèm với hoa anh đào (quốc hoa của Nhật Bản) và hoa mẫu đơn (quốc hoa của Trung Quốc).
Ngày 29/9/1972, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Tanaka Kakuei và Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ là Chu Ân Lai đã ký Tuyên bố chung nêu rõ: “Hiện thực hóa nguyện vọng của người dân hai nước về việc chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật sẽ đi vào lịch sử quan hệ song phương, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới của mối quan hệ này”.
Một tháng sau đó, ngày 28/10/1972, vườn thú Ueno ở Tokyo chào đón sự xuất hiện của một cặp gấu trúc là Kang Kang và bạn đời của mình-Lan Lan đến từ Trung Quốc. Đây được xem như một món quà của Bắc Kinh để kỷ niệm dấu mốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật-Trung.
Sự xuất hiện của Kang Kang và Lan Lan đã tạo ra một “cơn sốt gấu trúc” chưa từng có tiền lệ ở xứ sở Mặt trời mọc. Nhiều người dân Nhật Bản đã đến tận sân bay Haneda để chào đón cặp gấu trúc này. Khoảng 60.000 người Nhật vây kín vườn thú Ueno để chào đón Kang Kang và Lan Lan đến với ngôi nhà mới. Nhờ sự xuất hiện của Kang Kang và Lan Lan, vườn thú Ueno đón khoảng 9,2 triệu du khách vào năm 1973, tăng kỷ lục so với trung bình khoảng 4 triệu du khách những năm trước đó.
50 năm sau, sự yêu thích của công chúng Nhật Bản với gấu trúc vẫn còn vẹn nguyên. Mỗi khi gia đình gấu trúc ở vườn thú Ueno chào đón một đàn con mới, dư luận Nhật Bản lại trở nên xôn xao, điều này thậm chí còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các nhà hàng xung quanh vườn thú. Xiao Xiao và Lei Lei, cặp gấu trúc sinh đôi tại vườn thú đã ra mắt công chúng Nhật Bản vào ngày 12/1/2022. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chỉ có 1.080 người may mắn có cơ hội được tận mắt gặp cặp gấu trúc này.
Bà Arai từ thành phố Yokohama đến thăm bày tỏ mong muốn tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Trung Quốc mãi mãi vững bền bởi những con gấu trúc-“sứ giả ngoại giao” là sợi dây gắn kết vô cùng chặt chẽ. Hiện tại, có 13 con gấu trúc đang sinh sống ở Nhật Bản. Trong số đó, năm con đang sống trong công viên giải trí Adventure World ở thị trấn Shirahama thuộc tỉnh Wakayama phía Tây Nhật Bản và là gia đình gấu trúc lớn nhất cả nước.
Biểu tượng tình hữu nghị
Ở thành phố Kobe, phía Tây Nhật Bản, một con gấu trúc có tên Tan Tan sống trong Vườn thú Oji đã được tổ chức sinh nhật lần thứ 27 của mình vào ngày 16/9 vừa qua (tương đương với khoảng 80 năm tuổi của con người).
Năm 1995, thành phố Kobe chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong trận động đất lớn Hanshin. Tan Tan được phía Trung Quốc đưa đến Kobe vào tháng 7/2000 như một cách để động viên thành phố phục hồi sau trận động đất và cổ vũ những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên. Kako Yujiro, Giám đốc vườn thú cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tân Hoa xã rằng, Tan Tan giống như một “nhà vô địch” trong vườn thú, luôn là trung tâm của sự chú ý.
Bà Kako chia sẻ sự xuất hiện của gấu Tan Tan đã tạo một “cơn sốt” gấu trúc ở Kobe vào thời điểm đó, thu hút lượng lớn du khách đến thăm sở thú. Nhiều người dân nơi đây tin rằng, việc nhìn thấy Tan Tan đã truyền cho trái tim họ sự can đảm.
“Gấu trúc là biểu tượng của tình hữu nghị Nhật-Trung. Trong 22 năm qua, Tan Tan đã được người dân Kobe nói riêng và Nhật Bản nói chung vô cùng yêu quý”, bà Kako cho hay.
Vậy nhưng, quan hệ Nhật-Trung vốn chẳng thể “êm đềm” qua tháng năm như cuộc sống của những con gấu trúc đến với xứ Phù Tang. Giáo sư Rumi Aoyama, làm việc tại Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Waseda trong một bài bình luận gần đây đã nhận định quan hệ Nhật-Trung đang ở ngã ba đường và đầy khó khăn.
Trong nửa thế kỷ kể từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, diễn ra những thay đổi lớn ở nhiều cấp độ, trên cả lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội ở mỗi nước.
Giai đoạn từ những năm 1970-1980, “tình hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc” là mục tiêu hướng tới của quan hệ song phương. Đặc biệt là những năm 1980, Trung Quốc với nhu cầu khổng lồ về vốn và công nghệ tiên tiến từ các nước phương Tây đã đặt quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại, thậm chí coi trọng hơn cả Mỹ và các nước châu Âu.
Thế nhưng, không giống như bầu không khí cách đây 50 năm, quan hệ hai nước đang bị tác động bởi xung đột Nga-Ukraine cũng như tình hình Eo biển Đài Loan. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không lên kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày đáng nhớ này một cách rầm rộ vào năm nay.
Ngày 17/8 vừa qua, một cuộc hội đàm giữa Cố vấn An ninh quốc gia Nhật Bản và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tiến hành, kéo dài hơn bảy giờ đồng hồ. Tuy nhiên, bức ảnh được hai bên công bố trên báo chí không có hình ảnh quốc kỳ đằng sau, chỉ có hai cây xanh cùng hai quan chức Trung Quốc, Nhật Bản không bắt tay. Tất cả tạo ra cảm giác trống vắng và lạnh lẽo.
Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo Nhật Bản “cần thận trọng trong các bước đi và không nên ‘nhặt hạt dẻ trong đống lửa’”, tạo ra khoảng cách về tình cảm của người dân hai nước.
Tuy vậy, Giáo sư Rumi Aoyama cho rằng các loại hình giao lưu đa dạng theo phong cách “gấu trúc và hoa anh đào” đang tạo nên một “vách ngăn” an toàn để kiềm chế xung đột. Quan hệ giữa hai nước sẽ ổn thỏa hơn nếu vẫn giữ được cách nhìn và cách tiếp cận trên cơ sở hướng tới ổn định quan hệ song phương phù hợp với tình hình mới.