Ông Fabius và các “Đại sứ đặc biệt” của ngoại giao kinh tế Pháp. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Pháp). |
Ngoại giao kinh tế -khẩu hiệu cũ
Khái niệm ngoại giao kinh tế của Pháp đã hình thành từ năm 1720 khi Triều đình nước này cử Sứ thần đến Tây Ban Nha cùng với một tùy tùng chuyên trách tài chính và thương mại. Trong những thập kỷ gần đây, cứ vào dịp Hội nghị thường niên của ngành Ngoại giao Pháp hay còn được gọi là Hội nghị Đại sứ Pháp, các nhà lãnh đạo cấp cao dù đến từ cánh hữu hay cánh tả đều lên tiếng kêu gọi tương tự như phát biểu của Tổng thống Chirac tại Hội nghị ngày 28/6/1986: “Hỡi các vị Đại sứ của nước Pháp, các vị cũng chính là Đại sứ của nền kinh tế Pháp. Hãy phát huy tất cả kinh nghiệm, tài năng, nhiệt huyết, cũng như trí sáng tạo của quý vị để phục vụ các doanh nghiệp của chúng ta và cả công ăn việc làm tại nước Pháp”. Các Ngoại trưởng Pháp, từ ông Alain Juppe đến ông Herve de Charette, cũng luôn nhấn mạnh vị trí “ưu tiên” của ngoại giao kinh tế trong chính sách đối ngoại.
Nước Pháp hiện có một bộ máy khá đông đảo các cơ quan, tổ chức cùng “làm ngoại giao kinh tế” ở nước ngoài như Bộ phận kinh tế trực thuộc Đại sứ quán, các Tham tán thương mại, Phòng Thương mại Pháp và Châu Âu, UbiFrance (Cơ quan phát triển quốc tế các doanh nghiệp Pháp)... Trong khi đó, để thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, Nhật Bản chỉ có một cơ quan duy nhất, UK Trade&Investment của Anh được cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Thương mại bảo trợ, nước Mỹ dưới thời ông Obama mới thành lập Cơ quan Hỗ trợ Xuất khẩu (Export Promotion Cabinet). Có một bộ máy khá đông đảo, nhưng Pháp đã đánh mất một số thị trường và hợp đồng vào tay các đối thủ. Điều đó buộc người ta đặt dấu hỏi về những nguyên nhân nội tại chủ yếu cũng như tính hiệu quả và sự phối hợp giữa các cơ quan này.
Và các biện pháp mới
Tổng thống Francois Hollande lên nắm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Pháp và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn. Thâm hụt ngoại thương của Pháp đã đến mức đáng lo ngại: năm 2012 là 67 tỷ euro và năm 2011 là 74 tỷ euro. Tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu “Made in France” giảm sút. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không nhận được sự giúp đỡ thích đáng khi vươn ra làm ăn nước ngoài. Việc huy động mọi nguồn lực để phục hồi nền kinh tế là hết sức cấp bách. Từng là một trong những Thủ tướng trẻ nhất nước Pháp (khi mới 37 tuổi), từng là Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Kinh tế, ông Fabius hiểu rất rõ những thách thức mà Chính phủ và ngành ngoại giao phải vượt qua. Chính vì thế, ngay sau khi nhậm chức Ngoại trưởng tháng 5/2012, ông Fabius đã tuyên bố “ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại Pháp” và cho rằng ngoại giao phải tham gia xử lý mọi cuộc khủng hoảng, kể cả kinh tế vì nó liên quan đến vị thế và vai trò của nước Pháp trên thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngoại trưởng Fabius đã chỉ đạo triển khai một loạt các biện pháp cụ thể: ông yêu cầu Đại sứ Pháp tại các nước phải là người đứng đầu “đội tuyển hàng xuất khẩu Pháp” và giữ vai trò điều phối chung; hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao và các nhà ngoại giao phải quan tâm nhiều hơn đến việc thu hút đầu tư vào Pháp, hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thành lập Tổng vụ doanh nghiệp và kinh tế quốc tế chuyên trách hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại nước ngoài; Tăng cường nội dung kinh tế trong các chuyến thăm; Giữ vững nguyên tắc hỗ tương trong các cuộc đàm phán; Đẩy mạnh việc bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho các nhà ngoại giao; Bổ nhiệm một số nhân vật có uy tín quốc tế, có hiểu biết sâu về giới kinh doanh quốc tế làm “Đại sứ đặc biệt” giữ vai trò phụ trách quan hệ với một số đối tác chủ yếu của Pháp...
Hiện đội ngũ các “Đại sứ đặc biệt” đầu tiên gồm có bà Martine Aubry, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội, cựu Bộ trưởng, hiện là Thị trưởng Thành phố Lille, đặc trách quan hệ với Trung Quốc; ông Chevènement, cựu Bộ trưởng, Thượng nghị sĩ, phụ trách quan hệ với Nga; ông Raffarin, cựu Thủ tướng, Thượng nghị sĩ, phụ trách quan hệ với Algeria; ông Faure phụ trách Mexico; ông Hermelin phụ trách Ấn Độ; ông Sellat đảm nhận Tiểu vương quốc Arab thống nhất và ông Schweitser là Nhật Bản.
Khó khăn và triển vọng
Ông Christopher Lecourtier, Tổng Giám đốc UbiFrance, cơ quan đặc trách việc hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Pháp ở nước ngoài đánh giá cao những biện pháp mới của Ngoại trưởng Fabius và cho rằng các Đại sứ càng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp thì khả năng thành công của các doanh nghiệp sẽ càng cao. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan “làm ngoại giao kinh tế” phải hết sức rõ ràng để tránh sự chồng chéo về trách nhiệm: “Đại sứ phải là nhạc trưởng, không nên chạy xuống dàn nhạc đánh trống thay” - ông nhấn mạnh. Việc phối hợp đồng bộ giữa các biện pháp, giữa các Đại sứ được bổ nhiệm chính thức với các “đại sứ đặc biệt” và giữa cơ quan trực thuộc các bộ ngành khác nhau sẽ là một trong những thách thức đầu tiên đối với sự thành bại của ngoại giao kinh tế.
Bữa ăn trưa làm việc đầu tiên của ông Fabius với các “Đại sứ đặc biệt” là dấu hiệu cho thấy ngoại giao kinh tế Pháp đang cố gắng thay đổi để phục vụ tốt hơn những lợi ích của Pháp trên thế giới.
Vũ Như (Nguồn: Bộ Ngoại giao Pháp, các báo Le Monde, Les Echos, JDD, La Tribune…)