📞

Ngoại giao trong tuần: Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine; Bộ trưởng điện đàm với Bộ trưởng Heiko Maas; Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 36

Chu An 10:30 | 30/05/2021
Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong tuần từ ngày 24-29/5.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao

Ngày 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken để trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.

Chiều 26/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Singapore Jaya Ratnam đến chào xã giao sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày 25/5 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Đức tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 cũng như công nghệ sản xuất vaccine của Đức trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Ngày 24/5, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ tư nhằm sơ kết công tác quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2021.

Nhân dịp ông Mauricio Montalvo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Di dân nước Cộng hòa Ecuador, ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chúc mừng.

Nhân dịp bà Marta Lucía Ramírez, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Colombia được bổ nhiệm kiêm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chúc mừng.


Ngoại giao song phương

Ngày 28/5, tại 2 đầu cầu Côn Minh (Trung Quốc) và Lào Cai đã diễn ra Hội nghị giao lưu kinh tế thương mại trực tuyến đầu tiên giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai và Hiệp hội doanh nghiệp dân doanh tỉnh Vân Nam với sự tham dự của hơn 130 doanh nghiệp hai nước.

Ngày 28/5, nhân kỷ niệm 123 năm ngày thành lập Học viện các Nguồn Tài nguyên Sinh học và Sử dụng Tài nguyên Thiên nhiên Ukraine (NUBIP), Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch đã đến thăm, chúc mừng Học viện.

Ngày 27/5, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine diễn ra Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa đối với ông Nguyễn Văn Khanh.

Ngày 26/5, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng đã đến chào xã giao Thống đốc tỉnh Al-Ahmadi, Hoàng thân Fawaz Al-Khaled Al-Hamad Al-Mubarak Al-Sabah.

Ngày 26/5, tiếp tục khuôn khổ triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Manlio Di Stefano đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Italy lần thứ ba theo hình thức trực tuyến.

Ngày 24-25/5, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã gặp làm việc với các quan chức Israel để thúc đẩy hợp tác thương mại, lao động và bảo hộ công dân giữa hai nước.

Ngày 24/5, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trao tượng trưng tới Đại sứ Nepal tại Ấn Độ Deep Kumar Upadhayay 30.000 USD khoản tiền của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ chính phủ và nhân dân Nepal để chống dịch bệnh Covid-19.


Ngoại giao đa phương

Ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Mori Takeo đồng chủ trì Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 36, hội nghị thường niên cấp Thứ trưởng, theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của Quan chức cao cấp (SOM) các nước ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Ngày 27/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức cuộc họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine.

Ngày 26/5, HĐBA LHQ đã họp định kỳ bằng hình thức trực tuyến về tình hình tại Syria. Cùng ngày, HĐBA LHQ đã họp trực tuyến thảo luận về biến động chính trị hôm 24/5 tại Mali, trong đó có việc quân đội Mali bắt giữ tổng thống, thủ tướng và các quan chức chính phủ chuyển tiếp.

Ngày 25/5, HĐBA LHQ đã họp công khai về tình hình Somalia và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM).

Ngày 25/5, tại New York, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phật đản VESAK đã được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thái Lan và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Srilanka tại LHQ.

Ngày 24/5, HĐBA LHQ đã tổ chức thảo luận mở về “Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ: Tăng cường an toàn và an ninh cho nhân viên gìn giữ hòa bình”.

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt bằng hình thức trực tuyến về tình hình nhân quyền nghiêm trọng tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem ngày 27/5, đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng, bạo lực và xung đột vũ trang gây thương vong cho dân thường cả hai bên Palestine và Israel thời gian gần đây; đề nghị các bên kiềm chế tối đa để bảo vệ dân thường.


Tin Người phát ngôn

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 27/5, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật cấm kỳ thị người Mỹ gốc Á, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc bảo đảm đời sống ổn định, an ninh, an toàn, và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành Đạo luật về các tội ác thù hận Covid-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Việt Nam mong muốn cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng người gốc Á và kiều dân các nước tại Hoa Kỳ, được bảo đảm an toàn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm để tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách theo dõi, cách ly y tế đối với người nhập cảnh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam, các chính sách và biện pháp theo dõi, cách ly y tế cho người nhập cảnh Việt Nam luôn được Chính phủ điều chỉnh một cách linh hoạt để đảm bảo ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, đồng thời phục vụ cho mục tiêu phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với một số cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Y tế để nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn về cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, trong đó có cân nhắc tới các yếu tố như tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh và diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế để có thể áp dụng các biện pháp và chế độ cách ly phù hợp nhất.

Phản ứng trước việc Philippines có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp đường băng và cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, cũng như các quyền liên quan của Việt Nam với quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp thiết thực, tích cực vào duy trì hòa bình trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam cũng luôn nỗ lực để có thể đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tham gia và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận, cũng như là các chương trình hợp tác quốc tế về lao động và phát triển nguồn nhân lực.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của ILO, bao gồm 7/8 công ước cơ bản, trong đó có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai các công ước, trong đó có bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ Luật Lao động 2019.

Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập thêm 15 công ước của ILO, trong đó có công ước cơ bản còn lại về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức như theo cam kết và áp dụng phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, ngày 25/5 vừa qua, Việt Nam và ILO đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới.


Các hoạt động khác

Ngày 28/5, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các Thứ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ trong Bộ cùng tham dự lễ phát động.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921), Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”. Cuốn sách gồm 4 phần gồm: quê hương - tuổi thơ (1921-1940); rèn luyện trong đấu tranh Cách mạng (1940-1954); nhà ngoại giao tài ba, nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo (1954-1998); một nhân cách cao đẹp.

Ngày 26/5, tại trụ sở Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định điều động ông Trần Ngọc An giữ chức Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao.

Ngày 24/5, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam thay mặt Ban Cứu trợ Trung ương đã trao số tiền 4 tỷ 52 triệu đồng cho Bộ Ngoại giao để hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn khó khăn phòng chống dịch Covid-19.

(tổng hợp)