Ngày 13/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raad về thúc đẩy hợp tác song phương. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao
Ngày 13/7, điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị hai nước tăng cường trao đổi, thúc đẩy các đoàn thăm nhau khi điều kiện cho phép, đồng thời duy trì các cơ chế hợp tác trong đó có Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng và tiếp tục trao đổi, hướng đến ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab nêu rõ, Anh coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại tại châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á; mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Anh trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường các thỏa thuận song phương.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Ngoại giao ngày 14/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chỉ đạo công tác ngoại giao cần tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực và sáng tạo về hình thức, đóng góp hiệu quả vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ "kép" là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 15/7, tại Nghệ An, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã phát biểu khai mạc Hội thảo Khoa học "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam", nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Ông (15/7/1910-15/7/2020). Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, dấu ấn và các kinh nghiệm về đối ngoại của đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hành trang quý báu cho các thế hệ cán bộ ngoại giao, nhất là khi Bộ Ngoại giao đang triển khai các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành (28/8/1945-28/8/2020).
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Lễ kỷ niệm110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Vấn đề Biển Đông
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 16/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phát ngôn trên Twitter của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".
Trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Biển Đông vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương".
Liên quan đến câu hỏi tuyên bố của Mỹ về các yêu sách của Trung Quốc dẫn tới sự giận dữ của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng thế nào tới diễn biến hiện tại ở Biển Đông, hòa bình khu vực hay sẽ gây leo thang căng thẳng, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng mà còn là trách nhiệm chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Ngoại giao song phương
Ngày 15/7, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan. Hai bên nhất trí sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa quan hệ và hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp Hàn Quốc với các địa phương Việt Nam trong các lĩnh vực Hàn Quốc có thể mạnh và Việt Nam có nhu cầu thúc đẩy như nông nghiệp công nghệ cao và hợp tác phát triển nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng các cơ sở đào tạo nghề tại các địa phương Việt Nam.
Ngày 17/7, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đã hội đàm trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Mexico Julio Ventura để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mexico (1975-2020).
Ngày 16/7, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc phía Việt Nam đã tiến hành hội nghị trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam phía Trung Quốc La Chiếu Huy.
Hai Thứ trưởng đã trao đổi về các nội dung liên quan chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã trao đổi một số nội dung về quan hệ hai nước, trong đó có công tác hợp tác phòng chống dịch Covid-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông.
Liên quan đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết định ủng hộ Chính phủ và nhân dân Trung Quốc 100.000 USD nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, động đất. Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, mưa lớn, lũ lụt và động đất đã xảy ra tại nhiều địa phương của Trung Quốc, gây tổn thất và thiệt hại to lớn về người và tài sản cho nhân dân vùng bị nạn.
Ngày 16/7, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã hội đàm trực tuyến với Quốc vụ khanh Anh Nigel Adams. Đánh giá cao những nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 cũng như các sáng kiến của Chính phủ Anh thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Anh trong các nỗ lực này.
Ngày 15/7, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc đã tham dự Tọa đàm trực tuyến "Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và hậu quả chiến tranh: 25 năm sau bình thường hóa”. Đây là hoạt động do Nhóm làm việc về giải quyết hậu quả chiến tranh tại Trung tâm Stimson tổ chức, nhằm thiết thực kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, hiếm thấy trong quan hệ giữa hai quốc gia nào mà vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh lại có đóng góp quan trọng đối với tiến trình bình thường hóa, cải thiện quan hệ và xây dựng lòng tin như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây không chỉ là hình mẫu của quá trình hòa giải giữa hai nước vốn là cựu thù, nay trở thành bạn, thành đối tác toàn diện, mà còn là giải pháp cho nhiều cuộc xung đột khu vực và quốc tế hiện nay.
Ngày 16/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết khả năng Việt Nam và New Zealandnâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Năm nay, Việt Nam và New Zealand kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, quan hệ Việt Nam và New Zealand phát triển tích cực, bền vững. Việc nâng cấp lên Đối tác toàn diện năm 2009 là cột mốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Với kết quả đó, Việt Nam mong muốn và cam kết cùng New Zealand nỗ lực sớm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand năm 2018, về việc Tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện, hướng tới Đối tác chiến lược.
Ngoại giao đa phương
Trong khuôn khổ các hoạt động Năm ASEAN 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã tham dự “Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng: Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu của ASEAN”, chủ trì các hoạt động gồm Cuộc họp liên ngành xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ngày 14/7), Hội nghị trực tuyến Quan chức cao cấp ASEAN (ngày 16/7) và tham dự Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN-Ấn Độ (AISOM) thường niên lần thứ 22 (ngày 16/7). Các hoạt động đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tham dự và phát biểu tại các phiên họp thảo luận tại trụ sở về tình hình và nội dung Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về hoạt động của Phái bộ LHQ giám sát thực thi Thỏa thuận Hòa bình tại Colombia (ngày 14/7), phiên họp theo thể thức Arria về vấn đề khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên tại khu vực Các Hồ Lớn (châu Phi), cuộc họp về tình hình tàu chở dầu FSO Safer ngoài khơi Yemen... Tuần này cũng đánh dấulần đầu tiên HĐBA LHQ họp trực tiếp tại phòng họp trong Trụ sở LHQ kể từ tháng 3/2020.
Tối ngày 16/7 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến các Quan chức cao cấp (SOM) về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020. Hội nghị do Chủ tịch SOM APEC 2020 Malaysia chủ trì, với sự tham dự của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn Việt Nam tham dự gồm đại diện Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao.
Bảo hộ công dân
Từ 13-17/7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, chính quyền các nước sở tại đã tiếp tục phối hợp đưa hơn 1.500 công dân Việt Nam từ các quốc gia Anh, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Belarusvề nước an toàn.
Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi, du học sinh đã hoàn thành khoá học gặp khó khăn về nơi lưu trú, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người đi công tác, người lao động hết hạn hợp đồng bị kẹt lại do dịch Covid-19.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.
Liên quan đến yêu cầu xác minh thông tin truyền thông Malaysia đưa tin 1 nhóm thủy thủ Việt Nam 12 người bị mắc kẹt tại vùng biển Malaysia từ tháng 3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên để tìm hiểu sự việc và tiến hành bảo hộ công dân nếu cần thiết.
Sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên và có thông tin, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo công ty chủ tàu khẩn trương thực hiện các trách nhiệm theo đúng hợp đồng đã ký với các thuyền viên và hoàn thành các điều kiện của Malaysia để sớm đưa tàu về Việt Nam.
Về lao động Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, ngày 16/7, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sendje, tỉnh Littorial đã đưa đa số lao động Việt Nam tại dự án này đi cách ly tại Khách sạn De Federaciones ở thành phố cảng Bata của nước sở tại. Tính đến ngày 17/7, chỉ còn khoảng hơn 30 lao động Việt Nam đang tiếp tục làm việc trên công trường.
Các hoạt động khác
Chiều ngày 14/7, Ban Nữ công Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tổ chức buổi trao đổi “Chuỗi tọa đàm về vai trò lãnh đạo của phụ nữ: Bài học từ hai nữ cán bộ ngoại giao thành công”.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các cán bộ nữ ngoại giao của Việt Nam và các cơ quan Liên hợp quốc trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành ngoại giao.
Ngày 16/7, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ của Bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Thường trực trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, giữ chức Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao kiêm Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao; trao quyết định tiếp nhận và điều động ông Đỗ Sơn Hải, nguyên Tham tán Công sứ - Người thứ Hai sứ quán Việt Nam tại Na Uy, hết nhiệm kỳ về nước, giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Học viện Ngoại giao.