Tổng thống Rodrigo Duterte ưu ái PCG hơn PN về mức tăng quân số, và thậm chí là mua sắm trang thiết bị. (Nguồn: Manila Bulletin) |
Philippines gần đây đã thông qua kế hoạch tăng quân số Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines (PCG) lên 4.000 người trong năm nay. Đây chỉ là kế hoạch cho năm 2019, trong khi khoản ngân sách bổ sung cho khoảng 6.000 nhân lực mới của PCG cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp vào năm 2020.
Tổng số nhân sự của PCG tăng lên 23.000 người, vượt xa quân số 14.000 người của Hải quân Philippines (PN). Một số học giả hàng hải đã đặt dấu hỏi về lý do vì sao Tổng thống Rodrigo Duterte lại ưu ái PCG hơn PN về mức tăng quân số, và thậm chí là trong cả việc mua sắm trang thiết bị.
Thực tế, ngay năm đầu nhiệm kỳ, đã có những tín hiệu rõ ràng cho thấy ông Duterte ưu ái phát triển PCG. Trong lễ kỷ niệm 115 thành lập PCG năm 2016, Tổng thống Duterte đã nhấn mạnh Philippines, với hơn 7.000 hòn đảo, cần nhiều tàu biển thuộc lực lượng PCG để đảm bảo an toàn hàng hải, đảm bảo các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường và ngăn chặn nạn buôn bán vận chuyển ma túy.
Không giống những người tiền nhiệm, Tổng thống Duterte xem PCG là công cụ để nhà nước đối phó với các mối lo ngại nội địa chứ không phải là công cụ chiến lược hàng hải để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Việc ông Duterte coi trọng PCG với tư cách lực lượng hàng hải dân sự đóng vai trò đảm bảo an ninh. Ông hiểu rằng bản chất đặc biệt của PCG - không phải là quân đội mà là lực lượng hành pháp - giúp lực lượng này dễ dàng hoạt động tại các vùng biển tranh chấp mà không vấp phải phản ứng của các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Hơn thế nữa, ông Durtere cho rằng lực lượng này cũng góp phần tạo dựng thêm những cơ hội hợp tác. Đây thực chất không phải là một chiến lược mới. Nhật Bản cũng không coi lực lượng tuần duyên là một phần trong chiến lược an ninh mà là trong việc triển khai “ngoại giao tuần duyên”.
Phòng ngừa Trung Quốc
Ông Duterte hiểu rằng, nếu ông cương quyết triển khai PCG trong chiến lược hàng hải để phòng ngừa với Trung Quốc, mối quan hệ gần gũi mà ông xây dựng được với Bắc Kinh chắc chắn sẽ bị tổn hại. Thay vào đó, ông quyết định thúc đẩy chức năng và nhiệm vụ của PCG để tạo điều kiện hợp tác với cường quốc này. Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên, một trong những bản ghi nhớ mà ông Duterte ký với Chủ tịch Tập Cận Bình là thành lập Ủy ban Phòng vệ bờ biển chung về hợp tác hàng hải.
Thông qua bản ghi nhớ này, các quan chức cấp cao của PCG và Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc (CCG) đã xúc tiến các cuộc họp chung vào năm 2017 và 2018 tại Manila (Philippines) và Quảng Châu (Trung Quốc). Kết quả đáng chú ý nhất của các cuộc gặp này là việc một số thành viên PCG được tham gia đào tạo tại Học viện Cảnh sát Biển Trung Quốc, cũng như nhiều học bổng được phía Bắc Kinh trao tặng. Cuộc gặp cấp cao tiếp theo sẽ diễn ra tại Manila trong tháng 12, dự kiến có sự tham dự của các quan chức cấp cao trong CCG, và do Chỉ huy trưởng PCG mới được bổ nhiệm là Đô đốc Joel Garcia chủ trì.
Một trong những kết quả đáng chú ý từ việc “mềm hóa” vai trò của PCG tại Biển Đông là thực tế các tàu tuần duyên Trung Quốc không còn thái độ hung hăng và chèn ép đối với các tàu nhỏ hơn của PCG khi cả 2 tuần tra tại Biển Đông. Một số người cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte đã giúp thay đổi thái độ này song có thể nói rằng chính các cuộc gặp thường niên giữa PCG và CCG mới là thứ tạo tiền đề cho sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai phía.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Phillipines và Mỹ tham gia khóa học thi hành luật hàng hải ở Manila, Philippines. (Nguồn: ĐSQ Mỹ tại Philippines) |
Ứng phó với Mỹ
Năm 2016, ông Duterte tuyên bố sẽ sớm thu hẹp các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Philippines. Tuy nhiên, từ khi ông lên nắm quyền, không khó để thấy rằng PCG đã gia tăng đáng kể số lượng các cuộc diễn tập hàng hải chung với lực lượng phòng vệ bờ biển của nhiều quốc gia bên ngoài.
PCG dưới thời ông Duterte chủ trì thường niên hoạt động Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á (SEACAT), hoạt động kéo dài 1 tuần có sự tham gia của các lực lượng hành pháp hàng hải và các quan chức hải quân từ 7 nước khu vực. Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ vẫn đóng vai trò mũi nhọn trong SEACAT song điều đáng lưu ý nhất là việc nội dung đào tạo chú trọng đến việc xây dựng năng lực trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, lĩnh vực mà các bên cùng có chung lợi ích như ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép, buôn lậu và buôn bán ma túy.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte, chính phủ Mỹ đã gia tăng đáng kể quy mô chương trình đào tạo dành cho các thành viên PCG tại các cơ sở huấn luyện về phòng vệ bờ biển. Trước đó, chỉ có các quan chức cấp cao của PCG mới được tham gia các khóa đào tạo và hội thảo tại Mỹ, song hiện nay, nhiều quan chức cấp thấp cũng có cơ hội nâng cao kỹ năng trong nhiều lĩnh vực liên quan.
Dù chính sách đối ngoại của Philippines dưới thời ông Duterte có vẻ xa rời Mỹ song nhà lãnh đạo này vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác với Washington trong các hoạt động của PCG. Ông Duterte xem lực lượng này là “vùng đệm” khi ông vừa nỗ lực tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ trên khía cạnh an ninh hàng hải, vừa duy trì hợp tác với cường quốc hàng đầu thế giới.
Ông hiểu rõ chiến lược cân bằng này là điều cần thiết cho Philippines khi xử lý mối quan hệ phức tạp Mỹ-Trung.