Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại giao văn hóa: Đằng sau câu chuyện thành công

Việc Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2024 là niềm vinh dự không chỉ dành cho một tập thể đơn lẻ mà là sự ghi nhận đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao văn hóa nói riêng.
Đằng sau câu chuyện thành công
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao biểu trưng và bằng khen cho đại diện tập thể Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhìn lại cả một hành trình với nhiều nỗ lực và “trái ngọt”, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân khẳng định niềm vui, niềm tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm rất lớn ở phía trước, để tiếp tục phát huy sức mạnh của công tác ngoại giao văn hoá trong tình hình mới…

Thời gian qua, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO đã chủ động thực hiện nhiệm vụ tham mưu, triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Đâu là những kết quả nổi bật nhất trong công tác này, thưa bà?

Với vai trò là đơn vị đầu mối trong tham mưu và đôn đốc triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành (11/2021), Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ và 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa.

Chúng tôi rất vui mừng trong gần ba năm qua, công tác ngoại giao văn hóa thực sự trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, triển khai bài bản, rộng khắp, đạt kết quả có ý nghĩa.

Ở cấp độ quốc tế, nhiệm vụ hội nhập chủ động, sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại UNESCO đạt nhiều thành tựu. Ta đang đảm nhận vai trò tại năm trong bảy cơ chế điều hành then chốt nhất của UNESCO, trong đó có ba vai trò Phó Chủ tịch, là dấu ấn lịch sử trong gần 50 năm ta tham gia tổ chức này, làm nên “hiện tượng Việt Nam” như đánh giá của các nước tại UNESCO.

Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư và Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Những thành quả này còn minh chứng cho vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Ở cấp độ quốc gia, ngoại giao văn hóa, đặc biệt là ngoại giao cấp cao đã tạo những dấu ấn quan trọng, như hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức trà, đàm đạo với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ ta tặng thư pháp cho Thủ tướng Nhật Bản… thể hiện chiều sâu văn hóa, góp phần vào tăng cường tin cậy chính trị với các đối tác.

Ở cấp độ địa phương, nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa, sự kiện, lễ hội quốc tế đã và đang định vị “thương hiệu” địa phương, tạo sức hút đối với bạn bè và du khách quốc tế. Nhiệm vụ vận động các danh hiệu UNESCO đến năm 2030 đã vượt chỉ tiêu 60 danh hiệu như nêu trong Chiến lược, đạt số lượng 68. Các di sản, danh hiệu này góp phần bảo vệ, tôn vinh các giá trị văn hoá đặc sắc, đồng thời trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao sinh kế người dân. Sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân ở trong và ngoài nước tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai ngoại giao văn hóa.

Có thể khẳng định việc triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa thời gian qua đạt bốn thành tựu nổi bật: Góp phần tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam, nhất là tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân UNESCO; Quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Góp phần nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, phát huy sức mạnh mềm, đồng thời cũng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; Góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đằng sau câu chuyện thành công
Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam, ngày 19/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bà có thể chia sẻ một câu chuyện thành công trong việc vận động các hồ sơ đề cử UNESCO, cũng như huy động hiệu quả nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thương hiệu địa phương, quốc gia?

Việt Nam hiện sở hữu 68 danh hiệu UNESCO. Các danh hiệu UNESCO được đánh giá rất “danh giá”, mang đặc trưng quốc gia, song giá trị ở tầm toàn cầu, thậm chí là di sản của nhân loại, Các danh hiệu này có tiềm lực lớn trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường quảng bá địa phương, nâng cao hình ảnh quốc gia.

Việt Nam được chính Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh giá là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.

Có thể thấy 68 danh hiệu là 68 câu chuyện về xây dựng hồ sơ đề cử, vận động ghi danh, 68 câu chuyện về những trở ngại, thách thức ở nhiều hình thức và cấp độ khác nhau.

Xin lấy một ví dụ mới đây về Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được ghi danh là di sản thế giới mà thành phố Hải Phòng vừa tổ chức đón nhận danh hiệu dịp Lễ hội Hoa phượng đỏ vào ngày 11/5.

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác vỡ òa trong niềm hạnh phúc của cả đoàn Việt Nam cách đây bảy tháng khi Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới gõ búa ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.

Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, mà còn là niềm vui chung của đất nước, vì tên Việt Nam một lần nữa được xướng lên trên bản đồ di sản thế giới sau tám năm. Đây cũng là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản, cũng như làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

Được biết quá trình xây dựng hồ sơ này kéo dài gần 10 năm (từ 2013) với không ít khó khăn như lựa chọn tiêu chí để nổi bật giá trị toàn cầu của di sản, đồng thuận giữa hai địa phương, cơ chế bảo tồn và quản lý chung di sản?

Trước Kỳ họp xét hồ sơ của Ủy ban Di sản thế giới (tháng 9/2023), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế – cơ quan tư vấn của UNESCO, khuyến nghị trả lại Hồ sơ để xây dựng đề cử mới.

Xuất phát từ mong muốn bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị di sản cho muôn đời sau, đoàn Việt Nam với sự tham dự của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tiến hành gần 30 cuộc làm việc trực tiếp với 21/21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Trung tâm Di sản thế giới, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế để chia sẻ quan điểm, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, khẳng định nỗ lực và cam kết của chính quyền, nhân dân hai địa phương và của Việt Nam trong bảo vệ di sản.

Nỗ lực bảo tồn di sản, quyết tâm mạnh mẽ của chúng ta đã thuyết phục được các cơ quan tư vấn, chuyên gia quốc tế và 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới ủng hộ tuyệt đối cho việc ghi danh di sản.

Thành công này chỉ là bước đầu, chúng ta sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương thực hiện trách nhiệm, cam kết khi được ghi danh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới và phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Đằng sau câu chuyện thành công
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với tập thể Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vậy còn về “hiện tượng Việt Nam” với những vai trò quan trọng trong các cơ chế điều hành then chốt nhất của UNESCO, bà đánh giá gì về thành công này?

Có thể thấy, những dấu mốc lịch sử trong triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam tại UNESCO vừa qua không chỉ góp phần khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại mà còn tiếp tục thể hiện sức mạnh mềm, vị thế quốc gia.

Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn được nhiều quốc gia hoan nghênh, mong muốn chúng ta chia sẻ, nhân rộng, đóng góp vào việc thực thi các Công ước văn hóa hiệu quả và thiết thực. Lãnh đạo UNESCO và bạn bè quốc tế nhận xét Việt Nam chính là câu trả lời cho nhiều vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay.

Đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO mở ra những không gian phát triển mới cho Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội, tạo cơ sở thuận lợi để nước ta hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.

Mặc dù các hoạt động ngoại giao văn hóa được mở rộng và đa dạng hơn so với trước đây, nhưng theo bà, công tác này cần phải được quan tâm, đầu tư như thế nào để đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới?

Giai đoạn 2-3 năm tới rất then chốt đối với tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra là “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục nỗ lực, chủ động, tích cực và sáng tạo thực hiện năm nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, bám sát và triển khai hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, ngoại giao văn hóa, để phát huy vai trò của văn hóa là ”hồn cốt của dân tộc”, khơi nguồn sức mạnh văn hóa là nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia.

Hai là, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh.

Ba là, gắn kết chặt chẽ hơn nữa các hoạt động ngoại giao văn hóa với hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế trong một tổng thể của ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Bốn là, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoại giao văn hóa cần tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Cần tăng cường kết hợp sức mạnh mềm của văn hóa với chiến lược truyền thông để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phối hợp về ngoại giao văn hóa một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông để khơi thông nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, theo hướng Chính phủ đóng vai trò chủ chốt triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa cấp nhà nước, khu vực và quốc tế; các bộ, ban, ngành, địa phương chủ trì tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình; các tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo; người dân, nhất là đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích tham gia đóng góp lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.

Vinh quang Việt Nam vinh danh Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO vì những đóng góp trong xây dựng, phát triển đất nước

Vinh quang Việt Nam vinh danh Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO vì những đóng góp trong xây dựng, phát triển đất nước

Với những đóng góp trong cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) ...

'Quả ngọt' từ những nỗ lực không ngừng nghỉ mang văn hoá Việt Nam ra với thế giới

'Quả ngọt' từ những nỗ lực không ngừng nghỉ mang văn hoá Việt Nam ra với thế giới

Trong năm 2023, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã có nhiều thành tích nổi bật trong công tác ngoại giao ...

Phát huy vai trò ngọn cờ đầu trong công tác ngoại giao văn hoá

Phát huy vai trò ngọn cờ đầu trong công tác ngoại giao văn hoá

Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân không giấu nổi niềm tự hào và xúc động chia sẻ ...

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của Hội đồng chấp hành UNESCO luôn ủng ...

Theo dấu chân Bác Hồ ở châu Phi

Theo dấu chân Bác Hồ ở châu Phi

Chiều 16/5, tại Hà Nội, Chi bộ Vụ Trung Đông - châu Phi phối hợp với Chi bộ Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, ...

(thực hiện)