📞

Ngoại giao văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển trong tình hình mới

Chu Văn 07:35 | 17/12/2021
Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ với TG&VN về thế mạnh và những nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa nhằm đóng góp cho mục tiêu ngoại giao phục vụ phát triển.
Ông Mai Phan Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Trên cương vị là lãnh đạo đơn vị đầu mối của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, xin ông cho biết thế mạnh của ngoại giao văn hóa (NGVH) Việt Nam?

Thế mạnh của NGVH Việt Nam tới từ nguồn lực văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; sự bồi đắp, quan tâm và phát huy thông qua chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như sự tham gia, đồng hành của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Đây là nền tảng để Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách NGVH, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đối ngoại của đất nước.

Nguồn lực văn hóa Việt Nam được tạo nên từ những giá trị tự thân của đất nước như lịch sử, truyền thống, văn hóa, tư tưởng nhân văn, sức hút thương mại. Lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước giúp chúng ta thấu hiểu về chiến tranh và hòa bình, dẫn tới đường lối đối ngoại bao đời nay của Việt Nam luôn mang trong mình tính nhân văn và khát vọng về hòa bình, tinh thần chính nghĩa, đoàn kết quốc tế.

Việt Nam còn có bức tranh văn hóa đa sắc màu, được dệt nên bởi sự chung sức của 54 dân tộc anh em, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, đồng thời không ngừng hoàn thiện để hướng con người theo các giá trị chân, thiện, mỹ. Cuối cùng, đó là sự trỗi dậy của một Việt Nam năng động, hiện đại, đang vươn lên trở thành một điểm đến hấp dẫn về kinh tế, thương mại - đầu tư, du lịch trong khu vực.

Bên cạnh đó là đường lối đối ngoại mở cửa, hội nhập và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi để công tác NGVH ngày càng được củng cố và triển khai hiệu quả, đồng bộ trên toàn hệ thống chính trị.

Ngoài ra, công tác NGVH của Việt Nam không chỉ có sự tham gia của các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà còn có sự chung sức của người dân trong và ngoài nước, đặc biệt là hơn năm triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đây là điểm mạnh mà không phải quốc gia nào cũng có.

Theo ông, NGVH có ý nghĩa thế nào trong việc nâng cao sức mạnh mềm và sức mạnh tổng thể của quốc gia?

Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, các nước đều quan tâm củng cố và phát huy sức mạnh mềm, góp phần vào sức mạnh tổng thể của quốc gia mình. Đối với nhiều nước, đây còn là ưu tiên chiến lược với phương thức thực hiện là ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa.

Với Việt Nam, ngay từ ngày đầu non trẻ, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng NGVH nhằm tuyên truyền, giới thiệu, vận động quốc tế công nhận Việt Nam, tập hợp lực lượng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa vì độc lập, thống nhất, hòa bình, tự do và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Thông qua NGVH, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, từ đó dẫn tới quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam… hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.

Tại các diễn đàn đa phương, NGVH đã kết hợp với ngoại giao chính trị xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam, phát huy và làm lan tỏa giá trị Việt Nam thông qua việc đóng góp vào các công việc chung, ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng các giá trị phổ quát; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cùng chung nỗ lực, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu...

Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, tạo cơ hội để tiếp thu những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, thu hút nguồn lực cho phát triển, tạo thêm động lực xây dựng và hoàn thiện thể chế…

Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động như dạy tiếng Việt, tổ chức giao lưu văn hóa, xây dựng tủ sách, góc thư viện Việt Nam… ở các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống, học tập đã góp phần giúp đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, được tiếp cận các thông tin chính thống về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, qua đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước trong chính những vị “sứ giả” giúp lan tỏa văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu.

Sự kiện những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga.

Thời gian tới, công tác NGVH tập trung vào những nhiệm vụ gì để đóng góp cho mục tiêu ngoại giao phục vụ phát triển?

Ngày 30/11 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Chiến lược đã cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII về công tác đối ngoại và ngoại giao văn hóa và góp phần triển khai các định hướng được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa được tổ chức thành công.

Theo đó, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên bao gồm: đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền; tăng cường nghiên cứu, tham mưu chính sách; tăng cường cơ chế phối hợp, gắn kết NGVH với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế… thì thời gian tới, công tác NGVH tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; tăng cường gắn kết NGVH với ngoại giao chính trị trong xây dựng lòng tin, thắt chặt quan hệ với các quốc gia; đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền để bạn bè thế giới hiểu đúng, hiểu rõ về chính sách, lịch sử, truyền thống, văn hóa, tiềm năng đất nước, con người Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; phản bác kịp thời, hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, sai trái về các lãnh tụ, danh nhân, lịch sử, văn hóa, đường lối chính sách, đất nước, con người Việt Nam; đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài xâm nhập Việt Nam.

Thứ hai, huy động các nguồn lực, tài nguyên phục vụ phát triển đất nước. Đối với nguồn lực tri thức, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm văn hóa dân tộc; tăng cường tham gia sâu, rộng vào các cơ chế, diễn đàn đa phương để tranh thủ tiếp thu những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, thu hút nguồn lực cho phát triển… Với nguồn lực vật chất, tiếp tục công tác vận động UNESCO công nhận thêm các danh hiệu/di sản cho Việt Nam, qua đó thu hút đầu tư, du lịch, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu ngân sách.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế, hỗ trợ quảng bá, xuất khẩu thương hiệu Việt. Kết hợp chặt chẽ NGVH với ngoại giao kinh tế trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, xây dựng hình ảnh một Việt Nam không chỉ hấp dẫn cho hợp tác kinh tế, đầu tư, du lịch mà còn có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và hòa hợp, “dễ sống”, dễ thích nghi đối với nhà đầu tư và người lao động nước ngoài; phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực mới của nền kinh tế, góp phần phát huy “sức mạnh mềm” quốc gia; kết hợp nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia với quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa...

Thứ tư, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Đưa tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam vào thực tiễn công tác hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại của từng bộ, ngành, địa phương, khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán “độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng”; tích cực tham gia chủ động, trách nhiệm tại các tổ chức, diễn đàn văn hóa khu vực và thế giới như UNESCO, ASEAN, FEALAC... qua đó có các hình thức giao lưu, hợp tác, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.