Nhỏ Bình thường Lớn

Ngoại giao văn hóa: Tiếng nói của trái tim hướng tới lòng người

Khi nói tới ngoại giao, dù là hợp tác hay đấu tranh thì đích cuối cùng là bảo vệ được lợi ích quốc gia dân tộc thông qua tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và cùng tìm ra giải pháp để giải quyết những khác biệt, bất đồng, tranh chấp. Trong quá trình đó, tâm công là yếu tố không thể thiếu và ngoại giao văn hóa chính là tiếng nói của trái tim hướng tới lòng người.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng quốc tế
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai các hoạt động tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. (Ảnh: Tuấn Anh)

1. Nền tảng sức mạnh của ngoại giao văn hóa Việt Nam chính là bề dày hơn 4.000 năm lịch sử văn hiến của dân tộc. Truyền thống yêu nước quật cường, truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống lao động, truyền thống trọng chính nghĩa, yêu hòa hiếu, đề cao đạo đức... đã kết tinh lại thành giá trị và hệ giá trị hình thành nên bản sắc Việt Nam.

Đồng thời, chính những yếu tố đó đã định hình cốt cách và khí phách dân tộc Việt Nam. Một trong những người Việt tiêu biểu nhất mang cốt cách, khí phách đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên hành trình giải phóng dân tộc, tìm đường cứu nước, Người đã đi khắp năm châu, tiếp xúc với các dân tộc, các nền văn minh khác nhau. Sự kết tinh giữa văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại đã mang đến cho Người một thế giới quan toàn diện, độc đáo.

Tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh luôn mang sức lôi cuốn, lan tỏa mãnh liệt, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Với những “đóng góp quan trọng về nhiều mặt”, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, hàng nghìn lớp di sản của các nền văn hóa được hình thành ở Việt Nam. Dân tộc ta có cả một kho tàng đồ sộ từ văn hóa cung đình cho đến văn hóa dân gian. Thiên nhiên cũng ưu đãi, ban tặng đất nước ta nhiều cảnh quan, di sản có giá trị.

Chính những di sản văn hóa đó đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, tăng hiểu biết, củng cố và phát triển tin cậy chính trị. Cảm phục về tinh thần vì chính nghĩa, đấu tranh quật cường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cảm mến văn hóa và con người, năm 1976, UNESO đã đón nhận Việt Nam tham gia vào tổ chức này, trước cả khi Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc.

Đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đông đảo cộng đồng và người dân Saint Petersburg đến dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chi Minh. (Ảnh: Thanh Vân)
Đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đông đảo cộng đồng và người dân Saint Petersburg đến dâng hoa tại Tượng đài Hồ Chi Minh. (Ảnh: Thanh Vân)

2. Năm 2023 là một năm đặc biệt trên rất nhiều phương diện khi các hoạt động hợp tác và giao thương quốc tế bùng nổ sau hơn hai năm bị kìm nén vì Covid-19. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, khôi phục địa bàn, giành thị trường đều được các quốc gia đẩy mạnh.

Tại Việt Nam, nhận thức về văn hóa với vai trò “nền tảng tinh thần”, tiên phong “soi đường cho quốc dân đi” được nâng cao khi chúng ta kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), bước vào năm thứ hai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2021 và cũng là năm kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trong quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Thứ nhất, ngoại giao văn hóa là công cụ hữu hiệu dẫn từ trái tim tới tấm lòng, đặc biệt khi được triển khai ở cấp cao. Tổng Bí thư thưởng trà và đàm đạo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Chủ tịch nước tặng sách “Một con người, một chặng đường, một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” cho Tổng thống Mỹ; Thủ tướng tặng thư pháp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản; Chủ tịch Quốc hội tặng sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam” cho Chủ tịch Quốc hội Cuba….

Các hoạt động này đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về đất nước, con người Việt Nam, về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Ngoại giao văn hóa với sự chân thành và thực tâm đã giành sự quan tâm và ủng hộ của công chúng quốc tế cho Việt Nam, thắt chặt quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao ta với nguyên thủ các nước.

Thứ hai, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được tôn vinh trên thế giới. Việt Nam và Nga trang trọng Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg nhân kỷ niệm 100 năm Người đặt chân lần đầu tiên đến thành phố này, trong hành trình tìm đường cứu nước.

Ngoài ra, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương sở tại và cộng đồng bà con Việt kiều tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp dịch và xuất bản những tác phẩm của Bác sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, hỗ trợ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở một số trường đại học ở nước ngoài; xây dựng không gian văn hóa Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sang một trang sử mới

Tối ngày 28/11/2023, tại Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm cùng Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko tham dự lễ kỷ niệm. Trong ảnh: Chương trình Hoà nhạc Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.

Thứ ba, nhiều sự kiện văn hoá được tổ chức ở nước ngoài đã tạo ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế. Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật như: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Áo, Italy và chuyến lưu diễn qua sáu thành phố lớn của Nhật Bản đã tôn vinh tài năng, vẻ đẹp và sức cuốn hút của âm nhạc Việt Nam.

Trang phục do một số nhà thiết kế thời trang Việt được các ngôi sao thế giới lựa chọn. Âm nhạc hiện đại của các nghệ sĩ Việt Nam được phổ biến ở nước ngoài. Địa bàn ngoại giao văn hoá được mở rộng, điển hình là Không gian văn hóa Việt Nam với thông điệp “Nguồn cội, Sức sống và Sự tiếp nối” khắc họa hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc và đầy sức sống đã làm nên thành công của Ngày Việt Nam tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản 2023.

Thứ tư, trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại diễn đàn UNESCO. Việt Nam không chỉ phát huy tốt vai trò thành viên của hai Ủy ban chuyên môn quan trọng của UNESCO về văn hóa gồm Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 mà còn được tín nhiệm bầu là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2024-2027.

Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới (tháng 9/2023), Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia thành viên UNESCO đầu tiên tổ chức hội nghị quốc tế Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam để đánh giá vai trò của các danh hiệu UNESCO trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc năm 2030.

* * *

Mưa nhẹ bay, trời se lạnh, Xuân Giáp Thìn đã gõ cửa mọi nhà với sắc hồng ấm của hoa đào với màu thắm tươi của câu đối đỏ, với niềm vui đoàn viên trong bữa cơm gia đình. “Xuân đã về!” Ba từ đó như nút “tái khởi động” (reset) để ước vọng về phát triển, sức sống và đầm ấm, yên vui trong Năm mới lại bừng lên trong thời khắc thiêng liêng của giao thời.

Với những người làm công tác đối ngoại cũng vậy, Xuân đã về là dịp để chiêm nghiệm lại những việc làm được trong năm qua và định hình cho những công việc của năm mới. Xuân về càng tự hào hơn về truyền thống dân tộc và lịch sự ngàn năm văn hiến để rồi thực hiện tốt hơn “tiếng nói từ trái tim đến tấm lòng” trên cơ sở “Đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện cho văn hóa dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác” cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh.

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Philippines dạo chợ hoa Tết

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Philippines dạo chợ hoa Tết

Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Phan Thị Thanh Tâm, và Phu nhân Tổng thống Philippines, bà Louise Marcos cùng nhau dạo ...

Văn hoá Việt Nam chạm tới trái tim công chúng Pháp

Văn hoá Việt Nam chạm tới trái tim công chúng Pháp

Chuỗi sự kiện độc đáo về văn hóa Việt Nam của dự án Toucher Arts vừa diễn ra tại nước Pháp, nhằm hưởng ứng 50 ...

Vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế: Nhìn từ Geneva - 'trái tim' ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu

Vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế: Nhìn từ Geneva - 'trái tim' ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu

Với hoạt động đối ngoại tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có ...

Quảng bá vẻ đẹp của văn hóa và thời trang Việt Nam tới người dân Australia

Quảng bá vẻ đẹp của văn hóa và thời trang Việt Nam tới người dân Australia

Chương trình biểu diễn thời trang nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao do Tổng lãnh sự ...

2023 - Năm văn hóa ấn tượng

2023 - Năm văn hóa ấn tượng

Năm 2023 là một năm ấn tượng đối với văn hoá Việt Nam trong bối cảnh kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về ...