Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN) |
Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 26/1/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực (dao động từ 5,25% - 7,08% liên tục từ năm 2012 đến năm 2019).
Đặc biệt, trong năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Chỉ số Phát triển con người (HDI) là 0,63 - thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam trong hơn ba thập niên qua đều thể hiện sự kết hợp giữa nguyên tắc độc lập, tự chủ và chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa, cân bằng và linh hoạt trong quan hệ với các đối tác. Việt Nam phát triển từ phương châm muốn là bạn, đối tác tin cậy đến là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế.
Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017, Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018.
Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức/diễn đàn khu vực, toàn cầu; nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng vào khu vực, thế giới, có quan hệ thương mại, đầu tư với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 65 nền kinh tế, là điểm đến ngày càng hấp dẫn, an toàn, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt cùng lúc cả ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Điều này góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, ngày 7/6/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), với số phiếu kỷ lục chưa từng có (192/193 phiếu) trong 75 năm phát triển của Liên Hợp quốc đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.
Có thể khẳng định, trong hơn 35 năm đổi mới, Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thành tựu của Ngoại giao Việt Nam trong những năm qua mang đậm nét dấu ấn về tư tưởng, phong cách đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cả về lý luận và thực tiễn. Tổng Bí thư khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới.
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (22-26/8/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Ngày 14/12/2021, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre, để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của Việt Nam - “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Từ ngàn đời nay, hình ảnh cây tre luôn gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam, cây tre Việt Nam có mặt khắp mọi miền đất nước, từ quá khứ đến hiện tại, tượng trưng cho tinh thần và cốt cách dân tộc Việt Nam.
Thấm đượm bản sắc và văn hóa Việt Nam, hình tượng cây tre và ngoại giao Việt Nam rất gần gũi với nhau. Ngoại giao là tổng hòa của các mặt chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, lịch sử và tương lai, đất nước với thế giới.
Nội hàm của trường phái “Ngoại giao cây tre” Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn xây dựng, có thể thấy được ở tre Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; Thứ hai là linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thứ ba là đoàn kết, nhân ái, bao dung nhưng luôn đặt lợi ích quốc gia tối thượng, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Cuối cùng là: biết cương, biết nhu; biết mình, biết người; “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Những tư tưởng, phương châm và phong cách ngoại giao đó góp phần tạo nên trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam. Đó là nét độc đáo dựa trên nền tảng tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, hình tượng ấy, cốt cách ấy rất gần gũi với bản sắc ngoại giao Việt Nam - nền ngoại giao kết tinh vẻ đẹp của ý chí kiên cường, bản lĩnh vượt qua khó khăn, mà mềm dẻo, hòa hiếu, rộng mở, bao dung, tất cả vì sự độc lập, tự do, phát triển của đất nước, cuộc sống bình an, hạnh phúc của nhân dân.
Trưa ngày 5/9/2018, đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đón Tổng Bí thư tại Sân bay. (Nguồn: TTXVN) |
Riêng tôi, một kiều bào Việt Nam sống xa quê hương đã 35 năm, rất vinh dự đã hai lần được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí sang thăm chính thức Liên bang Nga và gặp gỡ thân mật với kiều bào. Những cuộc gặp đó đều trở thành những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức tôi.
Lần thứ nhất vào năm 2014 khi đồng chí Tổng Bí thư gặp gỡ thân mật bà con cộng đồng tại Nga, trong không khí chân tình, ấm áp, Tổng Bí thư đã căn dặn bà con cộng đồng một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Đi đâu thì cũng phải nghĩ ta là “con Lạc cháu Hồng”, làm gì thì cũng phải nghĩ mình là người Việt Nam...
Con người sống với nhau có tình, có nghĩa, nhân ái, đoàn kết và góp phần quảng bá Việt Nam, con người, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và nước Nga. Và đồng thời cũng tiếp thu những tinh hoa, văn hóa, cái tốt của nước ngoài, của nước Nga mang về để giúp đất nước, xây dựng quê hương”.
Lời căn dặn của Tổng Bí thư - Đó chính là bài học quan trọng của đối ngoại nhân dân bởi mỗi kiều bào là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, mỗi người, bằng hành động mỗi ngày của mình, sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, có ích hơn, sẽ trở thành cầu nối hữu nghị, là Đại sứ thiện chí của Việt Nam trong trái tim bạn bè thế giới.
Lần thứ hai vào năm 2018, tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga-Việt tại Moscow, tôi vô cùng vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay chúc mừng khi tôi được nhận Kỷ niệm chương của Hội hữu nghị Nga-Việt.
Tại buổi lễ đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc đến câu ngạn ngữ của người Nga: “Mọi sự giàu sang chẳng sánh được tình bằng hữu”, và đồng chí khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sâu sắc và ghi nhớ tình cảm gắn bó, thủy chung của những người bạn Nga”.
Tổng Bí thư mong rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, LB Nga và Việt Nam cần phát huy truyền thống đoàn kết, tin cậy lẫn nhau, tiếp tục kề vai sát cánh, giúp nhau vượt qua khó khăn thử thách.
Hơi ấm bàn tay của Tổng Bí thư Phú Trọng và ánh mắt nhìn tin cậy và độ lượng của ông trong lần gặp ấy luôn nhắc nhở tôi về những bài học giản dị, rất đời thường về cách sống, cách làm Người của ông cho đến Khát vọng Việt Nam - được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hun đúc, đó là: xây dựng thành công CNXH với những giá trị bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới: “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người...; một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ Chiều ngày 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, với tinh thần phát huy những kết quả của 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống ... |
Khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Hội nghị Trung ương lần này là Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa ... |
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu thời kỳ phát triển mới Sáng 15/5, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. ... |
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Báo TG&VN trân trọng giới thiệu phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành ... |