Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao Nguyễn Đắc Thành khẳng định, đất nước đạt được kết quả như ngày nay là nhờ đúc kết truyền thống ngoại giao của ông cha ta, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam". (Ảnh: Xuân Sơn) |
Hội nghị với chuyên đề “Ngoại giao Việt Nam: Nhìn từ những câu chuyện lịch sử” diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 94 điểm cầu là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị có sự tham dự của hơn một nghìn cán bộ, đảng viên, người lao động đang công tác tại Bộ Ngoại giao, đại diện Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao, đông đảo các đoàn viên thanh niên, sinh viên Học viện Ngoại giao.
Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh toàn ngành Ngoại giao đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mong muốn ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng, của đất nước, của ngành ngoại giao, nhằm lan tỏa khát vọng cống hiến và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đắc Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, giành lại độc lập, chủ quyền, ông cha ta luôn chú trọng ngoại giao, lấy hòa bình và hữu nghị làm cốt lõi, nhân văn đề cao lòng nhân ái vị tha và bao dung, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, kiên quyết, kiên định về nguyên tắc nhưng uyển chuyển, linh hoạt và mềm dẻo về sách lược.
Những thành tựu đối ngoại trong gần 50 năm thống nhất đất nước, và gần 40 năm Đổi mới là những câu chuyện sinh động của việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đất nước đạt được kết quả như ngày nay là nhờ đúc kết truyền thống ngoại giao của ông cha ta, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để xây dựng nền ngoại giao độc đáo với bản sắc riêng, vốn được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết, khái quát là trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam", với gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc Việt Nam.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan trao đổi về câu chuyện bang giao giữa Việt Nam và các nước, thể hiện rõ tư tưởng, tinh thần, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Với hơn nửa thế kỷ chuyên nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, Giáo sư sử học Lê Văn Lan có nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm quan trọng đóng góp vào kho tàng tri thức chung về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Không chỉ coi trọng công tác viết sử, chép sử, giảng sử, Giáo sư sử học Lê Văn Lan còn đề cao vai trò của kể sử nhằm đúc kết những bài học, kinh nghiệm quý giá để kiên quyết bảo vệ nền độc lập mà các thế hệ cha ông ta đã bao công nỗ lực gây dựng để phát triển đất nước.
Bàn về ngoại giao cây tre Việt Nam trong triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh, sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trước quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung và công thần Ngô Thì Nhậm đã triển khai nhiều sách lược ngoại giao sáng suốt, như "ngoại giao cống vật" hay "ngoại giao đi sứ", qua đó thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết lui”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khoan hòa, linh hoạt của cha ông ta.
Bản sắc ngoại giao Việt Nam luôn kiên định mục tiêu chiến lược linh hoạt, uyển chuyển, nghệ thuật “hòa để tiến”, tránh việc phải cùng một lúc đối mặt với nhiều kẻ thù mạnh và cũng là bài học quý giá về sự kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của buổi nói chuyện chuyên đề, chất lượng báo cáo viên và những trao đổi đầy tâm huyết và trách nhiệm của diễn giả, những phân tích sâu sắc và toàn diện về truyền thống vẻ vang của ngành Ngoại giao Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại.
Việc tổ chức sự kiện này nhân dịp Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với sự tham gia đông đủ của cán bộ, đảng viên ở cả trong và ngoài nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, giúp khơi dậy lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề, truyền đam mê, nhiệt huyết và những bài học kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước.
Mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động của Bộ Ngoại giao từ đó sẽ tự rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc rèn luyện bản lĩnh và trau dồi trình độ chuyên môn, vận dụng sáng tạo quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.