Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón chính thức tại Bắc Kinh, ngày 31/10/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Năm hết, Tết đến ngoái cổ nhìn lại Nhâm Dần mà thấy rùng mình! Thật vậy, ít có năm nào lại chứng kiến nhiều sự kiện, hiện tượng, chiều hướng khác lạ, gay cấn như năm qua. Chưa kịp hoàn hồn sau đại dịch Covid-19, thế giới lại phải đối mặt với sự căng thẳng cao độ liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài suốt tới nay vẫn chưa thấy đâu là ánh sáng cuối đường hầm.
Cuộc tranh hùng lần này giữa các nước lớn về nhiều mặt gay cấn hơn cả thời “Chiến tranh Lạnh”. Nó không chỉ tác động mạnh tới cục diện chính trị - an ninh còn kích hoạt trạng thái khủng hoảng toàn diện: kinh tế, tài chính, thương mại, năng lượng, nguyên liệu, lương thực, các chuỗi sản xuất cung ứng; cấu trúc quan hệ quốc tế trải qua sự xáo động lớn; hình hài, luật lệ, hoạt động của các thể chế đa phương rung lắc, rối ren; nguy cơ xung đột lớn gia tăng, thậm chí mối đe dọa hạt nhân sống lại…
Là một quốc gia mở cửa hàng đầu thế giới, nước ta không tránh khỏi những luồng hơi nóng từ những biến động lớn phả vào. May thay, nhờ những nỗ lực cao độ đi đôi với những biện pháp linh hoạt, nước ta đã kiềm chế được làn sóng dịch bệnh dâng cao, mạnh dạn mở lại cửa, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế khá ngoạn mục được dư luận rộng rãi trên thế giới ngợi ca.
Như Bác Hồ từng nói, “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chuông có to tiếng mới lớn”. Thành công trong phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế chính là “cái chiêng” lớn, tạo thuận lợi cho cái chuông ngoại giao vang xa; ở chiều ngược lại hoạt động ngoại giao tích cực, chủ động đã góp phần làm cho cái chiêng càng lớn.
Thật vậy, ngay trong khi dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, hoạt động ngoại giao vẫn được triển khai tích cực: các cuộc tiếp xúc cấp cao vẫn được chủ động tiến hành cho dù là theo phương thức trực tuyến; nội hàm đối thoại tập trung vào những biện pháp duy trì hợp tác, cấp thiết là phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. “Ngoại giao vaccine” – một khái niệm chưa từng có trong từ điển được tiến hành cấp tập, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, nối lại giao thương, thu hút khách du lịch.
Ngay sau khi dịch bệnh có dấu hiệu lắng dịu, hoạt động ngoại giao lập tức được triển khai mạnh mẽ, trong đó ngoại giao cấp cao đóng vai trò quyết định, mang tính định hướng. Hành trình các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hướng tới năm châu bốn biển, nước gần có, nước xa có; nước lớn có, nước nhỏ có; nước phát triển có, nước đang phát triển có, tiếp xúc song phương nhiều; tham gia diễn đàn đa phương cũng không ít.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam trở thành điểm đến của hàng chục vị đứng đầu Nhà nước cũng như Chính phủ thuộc nhiều nước khác nhau và cả người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh là Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Nội hàm trao đổi và thỏa thuận rất phong phú; bên cạnh những đề tài truyền thống như gia tăng tin cậy, đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở rộng giao lưu văn hóa, bảo đảm điều kiện sinh sống, làm ăn cho bà con người Việt… nội hàm hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được nhấn mạnh như những chủ đề mới trong chương trình nghị sự của các cuộc thương thảo đối với quốc tế đồng thời đáp ứng nhu cầu thiết thân trong ngắn hạn lẫn dài hạn của nước ta trên con đường vươn lên thành một quốc gia phát triển.
Đáng chú ý, những cuộc giao tiếp sôi động trên đã đem lại nhiều kết quả cân đong đo đếm được: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất siêu lên tới 11,2 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước - mức cao nhất trong năm năm qua!
Một lần nữa Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về hợp tác - đầu tư nhờ sự ổn định vững chắc về an ninh, sự hấp dẫn về thể chế, sự phong phú về tiềm năng, sự vươn lên trong gian khó.
Trên các diễn đàn đa phương diễn ra dồn dập trong năm như ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN và ASEAN+, APEC, ASEAN-EU, Đại hội đồng Liên hợp quốc..., trong một thế giới đầy thị phi, ngoại giao Việt Nam không chọn bên mà luôn làm theo lời dặn của Bác Hồ “nguyên tắc của ta thì vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt”. Theo tinh thần ấy, chúng ta không chọn bên mà chọn những lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc, thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết khác biệt mâu thuẫn, duy trì chủ nghĩa đa phương dựa trên các luật lệ…
Sau khi làm trọn trách nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam gánh vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng và lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; trong hàng ngũ “Mũ nồi xanh”, các sĩ quan quân đội ta tiếp tục phát huy truyền thống đội quân chiến đấu, đội quân công tác và cả đội quân dân vận và ngoại giao, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của các anh và cả các chị “Bộ đội cụ Hồ”!
Những hoạt động trên đem lại những kết quả tuy không cân đong đo đếm được bằng những con số cụ thể nhưng hết sức quan trọng; đó là uy tín và vị thế của đất nước, tạo niềm tin trong lòng bạn bè năm châu.