Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae Yul tại thủ đô Seoul ngày 18/3. (Nguồn: Reuters) |
Seoul là một điểm đến trong chuyến công du ba nước (gồm Áo, Hàn Quốc và Philippines) từ ngày 14-20/3 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tại đây, ông Blinken dẫn đầu đoàn đại biểu của Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ (S4D) lần thứ ba do Hàn Quốc chủ trì tổ chức.
Với chủ đề “Dân chủ vì các thế hệ tương lai”, Hội nghị tập trung thảo luận về các chủ đề như tăng cường quản trị dân chủ, bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy chống tham nhũng. Nhân dịp này, ông Blinken đã hội đàm với Ngoại trưởng Cho Tae Yul và các quan chức khác của Hàn Quốc, trao đổi về quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, tình hình bán đảo Triều Tiên.
Ưu tiên cao dành cho nhau
Việc Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị S4D lần thứ ba là động thái đáng chú ý. Đây vốn là cơ chế thảo luận đa phương do Mỹ dẫn dắt nhằm củng cố tập hợp lực lượng của Mỹ với các đối tác cùng chí hướng trên thế giới. S4D là sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2021 dưới hình thức trực tuyến.
Đến năm 2023, S4D lần thứ hai tiếp tục được Mỹ tổ chức trực tuyến, phối hợp cùng các nước khác gồm Costa Rica, Hà Lan, Hàn Quốc và Zambia. Sau gần một năm, Hàn Quốc trở thành nước chủ nhà đầu tiên đăng cai các cuộc họp trực tiếp của S4D cơ chế đối thoại rất được Tổng thống Joe Biden quan tâm. Thực tế này cho thấy sự phối hợp chặt chẽ và dành ưu tiên cao cho nhau giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hội nghị S4D lần thứ ba cũng thể hiện nỗ lực của các nước thành viên, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, nhằm ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh hậu Covid-19 và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các lĩnh vực này mang lại cả thời cơ và thách thức cho tất cả các quốc gia và đang dần trở thành các trọng tâm mới trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực nói trên không chỉ giúp củng cố năng lực tự cường và sẵn sàng ứng phó của các nước này trước nhiều thách thức của tình hình mới mà còn giúp Mỹ tập hợp lực lượng trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.
Những nhu cầu chiến lược
Sự hiện diện của ông Blinken tại Seoul lần này cũng cho thấy quan hệ đồng minh tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba ông Blinken và người đồng cấp Cho Tae Yul gặp mặt trong vòng chưa đầy một tháng.
Lần hội kiến đầu tiên trong cuộc họp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước G20 tại Rio de Janeiro (21-22/2) và cuộc gặp song phương Mỹ - Hàn sau đó một vài ngày tại Washington.
Như vậy, dù mới nhậm chức từ tháng 1/2024 nhưng Ngoại trưởng Cho Tae Yul đã đến thăm Mỹ từ rất sớm trong nhiệm kỳ của mình. Ông Blinken cũng là người đồng cấp đầu tiên điện đàm chúc mừng ông Cho trên cương vị mới.
Chuyến đi còn phản ánh nhu cầu của cả hai phía nhằm tăng cường quan hệ “đồng minh chiến lược toàn diện toàn cầu” trong bối cảnh bất định chiến lược gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Đối với Mỹ, chuyến thăm nêu bật nỗ lực củng cố “răn đe mở rộng” trước Triều Tiên, nội dung được đồng thuận của ba bên Mỹ - Nhật - Hàn trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Trại David (8/2023).
Đồng thời, qua việc tăng cường trao đổi cấp cao giữa hai nước, Mỹ tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc và các nước đồng minh khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul, Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden và các nhà lãnh đạo khác chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ lần thứ ba, ở thủ đô Seoul ngày 18/3/2024. (Nguồn: Reuters) |
Cam kết không đổi
Đối với Hàn Quốc, Hội nghị S4D lần thứ ba là một hoạt động đối ngoại nhằm nhấn mạnh cam kết không đổi đối với tầm nhìn đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia chủ chốt toàn cầu” (GPS). Tổng thống Yoon Suk Yeol tỏ rõ quyết tâm không để đối ngoại của nước này bó hẹp trong vấn đề Triều Tiên, tăng cường vị thế quốc tế xứng tầm nền kinh lớn thứ 10 thế giới.
Tuy nhiên, các nỗ lực triển khai tầm nhìn GPS của Tổng thống Yoon đã có phần chậm lại trong vòng nửa năm qua do các diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Sau thất bại giành quyền đăng cai Triển lãm thế giới 2030 cho thành phố Busan hồi cuối năm 2023, Hàn Quốc đang thúc đẩy một nỗ lực đa phương khác đồng thời giúp cải thiện tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Yoon hiện nay cũng như gia tăng lòng tin của cử tri đối với đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân (PPP) trước cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc ngày 10/4.
Việc Hàn Quốc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm hiện nay cũng tái khẳng định lập trường cứng rắn của chính quyền ông Yoon đối với Triều Tiên. Không giống như chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Yoon không đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cải thiện quan hệ liên Triều hay nối lại đối thoại Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa.
Thay vào đó, ông thúc đẩy hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn chặt chẽ hơn nhằm củng cố răn đe quân sự với Triều Tiên. Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và loại trừ khả năng tái thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Yoon không có dấu hiệu mềm mỏng hơn.
Trong thời gian tới, Mỹ - Hàn sẽ tiếp tục chiều hướng thắt chặt quan hệ đồng minh. Các nhân tố như bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 và bầu cử Quốc hội Hàn Quốc tháng Tư có thể gây ảnh hưởng nhất định đến đà phát triển này. Tuy vậy, từ nay đến cuối năm 2024, nhiều khả năng quan chức cấp cao hai nước sẽ tiếp tục gặp mặt bởi chưa có sự thay đổi sang chính quyền mới ở cả Mỹ và Hàn Quốc.
| Mỹ-Hàn Quốc khẳng định tình đoàn kết, Washington ủng hộ Seoul làm một việc Mỹ và Hàn Quốc khẳng định đang đoàn kết đối phó mọi uy hiếp và sẽ tích cực phối hợp hơn nữa để răn đe ... |
| Mỹ-Hàn Quốc tập trận chung, Chủ tịch Triều Tiên ra lệnh quân đội huấn luyện đối phó các điều kiện khắc nghiệt nhất Ngày 15/3, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát cuộc huấn luyện tác chiến trên không và kêu gọi chuẩn bị “trên ... |
| Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo: Nhật Bản không thể chấp nhận, Mỹ-Hàn Quốc tìm cách cắt đứt dòng tiền cho Bình Nhưỡng Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật thông tin về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo sáng 18/3. |
| HĐBA họp bàn tình hình Sudan, LHQ cảnh báo tình trạng tuyệt vọng Ngày 20/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã có cuộc thảo luận về tình hình xung đột và cuộc khủng hoảng ... |
| Mỹ phê duyệt thương vụ 'khủng' với Morocco Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết Bộ Ngoại giao của nước này đã phê duyệt thương vụ bán 612 ... |