Thật không thể tin nổi
Một dạo, báo chí mê mệt vì sự ra đời của điện thoại Bphone. Họ nổ rằng đây là kiệt tác công nghệ siêu phẩm tuyệt hảo không thể tin nổi. Tuy nhiên, đến nay sự kiện này đã chìm vào quên lãng và giá trị lớn nhất nó để lại cho thiên hạ là cụm từ “không thể tin nổi”. Quả vậy, mấy từ giản đơn này có thể vận dụng vào mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh ở nước Nam năm con Dê. Kinh tế thế giới năm qua khoác màu ảm đạm, giá dầu giảm đến mức kỷ lục, nền kinh tế Trung Hoa giảm tốc đến không ngờ, có kẻ ác mồm còn nói đó là cỗ máy sản sinh khủng hoảng...Thế mà kinh tế nước Nam GDP vẫn tăng mức lộc lộc phát, nghĩa là 6,68%, FDI đạt gần 23 tỷ USD, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục, kiều hối thu về trên 12 tỷ USD, lạm phát dưới mức 2%, các chỉ báo kinh tế vĩ mô đều sáng sủa... Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài ngạc nhiên tìm hiểu lý do tại sao nước Nam làm được điều thần kỳ như vậy?
Thế nhưng, điều mà ta và nhiều người không tin nổi là nước Nam đã và sẽ hoàn thành hội nhập ở mức cao và nhanh chưa từng có. Có thể nói, nước Nam đã tham gia mọi cung bậc của hội nhập kinh tế quốc tế, từ hình thức thấp nhất là tự do trao đổi hàng hóa, đến mức hội nhập toàn diện cao nhất là TPP. Khi TPP có hiệu lực thì Việt Nam trở thành một nền kinh tế mở nhất khu vực, vượt lên cả Singapore. Lúc đó Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường tiềm năng lên tới 1,4 tỷ người với GDP đạt hơn 43,7 ngàn tỷ USD. Hội nhập của nước Nam đang đi đúng hướng và sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vốn đã được đề ra nhiều năm nay. Ta ưng bụng vì nhiều tín hiệu đáng mừng. Đã có sự đột phá về tư duy, người ta đã coi kinh tế tư nhân là động lực để phát triển, coi việc mở rộng tranh luận giúp cho nhiều chuẩn mực quốc tế được chấp nhận hơn. Đã quan tâm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp và hướng tới một quốc gia khởi nghiệp, đã thanh thoát trong điều hành tỷ giá…
Nhớ lại ngày nước Nam bắt đầu tham gia ASEAN, có hàng ngàn ý kiến phản bác, ngại ngùng bởi dính vào một Hiệp hội vốn thù địch với Việt Nam, sợ bị hòa tan vào con đường vô định. Thật không tin nổi, chỉ sau mấy chục năm, Việt Nam đã trở thành thành viên tin cậy và có đóng góp tích cực cho Hiệp hội này, được bạn bè kính trọng. Từ năm nay ASEAN là một cộng đồng, người dân nước Nam trở thành công dân của một liên kết khu vực được các cường quốc nể vì. Và cũng chính nhờ sân chơi này, nước Nam đã gặt hái được nhiều quả ngọt để tham gia các hình thức liên kết sâu rộng hơn. Kể từ năm Bính Thân này, con tàu nước Nam mới thực sự vươn ra biển lớn.
Tuy nhiên, ta vẫn buồn vì biết rằng nhiều cơ quan và nhất là các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng đương đầu với những cơn bão lớn. Trước hết, nền quản trị quốc gia còn bất cập so với đòi hỏi của thời kỳ hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, nhiều nơi “ra khơi” với máy móc và thiết bị quá lỗi thời. Thử nhìn sang bạn Thái Lan mà xem, dù chính trị còn bất ổn, họ luôn giữ vững chiến lược tận dụng cộng đồng ASEAN. Họ đã đầu tư 66 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng kết nối với các quốc gia ASEAN nhằm trở thành trung tâm của cộng đồng kinh tế khu vực. Họ mạnh tay đầu tư vào thị trường bán lẻ của Việt Nam, kể cả việc thâu tóm Metro. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam kêu ca với ta rằng các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan đã nhanh tay đầu tư sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam hòng nẫng tay trên những quả ngọt do TPP hay FTA với EU mang lại.
Đến người Nhật muốn đầu tư phát triển nông nghiệp tại Việt Nam cũng sợ doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường. Người nông dân nước Nam lại đổ lỗi tại Trời, tức là tại ta vì làm một sào lúa chỉ lãi được 50 đến 80 ngàn đồng. Ta làm sao bao quát nổi. Ngành nông nghiệp nước Nam chiếm 18,2% GDP nhưng chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào. Lỗi đâu phải tại nông dân. Nhìn rộng ra thì kinh doanh nhỏ lẻ kiểu khoán 10 nay đã tới hạn phát triển cuối cùng. Nhiều nhà khoa học nói với ta: sự thể yếu kém này không còn là bệnh ngoài da nữa mà đã là trọng bệnh của nông nghiệp. Xuất khẩu lúa gạo đứng tốp đầu thế giới nhưng tiền thu về chỉ đủ mua thức ăn chăn nuôi. Người trồng lúa, chăn nuôi càng ngày càng khó trong khi người trồng hạt tiêu đi đúng xu thế thị trường thì trở thành tỷ phú. Ta chỉ nêu vài ví dụ về nhà nông bởi nó dễ hiểu và thiết thực đối với gần nửa dân số nước Nam. Còn nếu phân tích về các ngành công nghiệp và dịch vụ khác, chắc hẳn còn nhiều điều không thể tin nổi…
Giữ vững niềm tin
Vì nhiều lý do như đã nêu trên, năm nay ta không về Việt Nam mà sang Canada du ngoạn. Tình cờ ta gặp Tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ. Sau khi thành tài ở nước ngoài, ông trở về đất mẹ bỏ ra 11 năm gây dựng một nơi được ví như “thung lũng Silicon” xanh, sạch tại Trà Vinh. Nơi đây đã sản xuất vật liệu hóa chất quang điện tử đầu tiên ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 12 trên toàn cầu sản xuất loại vật liệu này. Ông là tác giả của 73 bằng phát minh. Ta đã hỏi ông liệu nước Nam có thể làm nên kỳ tích giống Ấn Độ, Trung Quốc… trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin được hay không? Ông trả lời ngay: Người Việt Nam sẽ hơn họ chứ. Nhưng có điều hãy đi từ 0 tới 1, chứ đừng vội từ 1 tới N, phải phát triển công nghệ thay vì ăn cắp, bắt chước. Người Việt Nam có gien thông minh, vấn đề là có chịu làm hay không, có cơ chế hỗ trợ không. Người nhiều tiền với người giàu khác nhau. Người giàu biết họ giàu, có tài sản, tiền bạc, biết chia sẻ tiền bạc tài sản. Việt Nam mình nhiều đại gia quá mà thiếu người giàu. Trong người trẻ lại có nhiều người giàu hơn, dù họ ít tiền hơn đại gia. Người Việt mình đẻ ra lớn lên vùng nào, đi đâu thì đi nhưng như cá hồi vậy đó, cứ bơi ngược dòng để chết tại quê hương.
Nghe câu chuyện này ta mừng vô hạn, ta tin vào lớp trẻ Việt Nam. Ta lại nhớ hình ảnh cha đẻ game Flappy Bird Nguyễn Hà Đông ngồi uống trà đá vỉa hè với Sundar Pichai, CEO của Google nổi đình đám. Ta cũng biết hàng trăm người tuổi trẻ tài cao đang dấn thân khởi nghiệp.
Tết đến Xuân về, như mọi năm ta lại có vài câu nôm na chúc quý tòa soạn và bạn hữu xa gần:
“Mùa Xuân con khỉ đánh đu
Quan tham ta phải tống tù mọt gông
Chúc cho con cháu Lạc Hồng
Chung tay bảo vệ non sông biển trời
Nước Nam mãi mãi rạng ngời…
Giàu sang, chung thủy, lòng người nở hoa”