Nhớ lại đầu Xuân Tân Sửu, Trẫm đã quá hứng khởi, viết trên Báo TG&VN rằng: Trâu vàng thích gặm cỏ non/ Còn trời, còn đất, ta còn vi vu.
Quả là nói trước bước không qua, ta đã hứa với Bút Trúc rằng năm 21 ta sẽ dự khánh thành đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông sau hơn 10 lần lỡ hẹn và tiện thể xem bóng đá Việt Nam đăng quang ngôi vô địch ở giải ao làng. Thế mà...
Buồn trông phong cảnh năm Trâu
Cách ly, phong tỏa, đi đâu cũng buồn
Côvy, covid, cô hồn
Bao nhiêu tai họa đổ dồn năm Trâu!
Năm qua, hạ giới rộ lên chuyện sao kê nên Trẫm cũng bắt chước điểm qua vài vụ việc. Đúng là một năm đau thương nhưng quật cường.
Kinh tế thế giới bước sang năm 2021 trong một trạng thái “tơi tả”. Khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, âm 4,4% , mức nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng thực dương 2,91% là một thành công mà ta không dám nghĩ tới.
Lúc đó, cuộc chiến chống Covid-19 của nước Nam được cả toàn cầu ngưỡng mộ. Kiều bào rủ nhau về nước, hàng trăm chuyến bay đón người cơ nhỡ về đất mẹ nhằm tìm chốn bình an. Những bài ca, điệu vũ còn lan truyền khắp nơi, các bệnh nhân F0 ra viện được tặng hoa tươi như diễn viên màn bạc. Các thể chế kinh tế quốc tế, các nhà khoa học và hoạch định chính sách dự báo GDP năm 21 phải là 7,5 đến 8%!...
Lúc đó ta đã gào lên cảnh tỉnh: chớ chủ quan, mọi dự báo đều phải lường trước hậu quả của đại dịch. Quả nhiên, hai đợt dịch bùng phát vào đầu và giữa năm đã khiến mọi dự báo trở thành vô nghĩa. Hàng loạt xí nghiệp, nhà máy, công trường tạm dừng hoạt động để phòng dịch và sức mua giảm mạnh khiến GDP quý III giảm 6,17%.
Ta kinh ngạc khi nước Nam thực hiện cuộc điều động chưa từng có sau chiến tranh với 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an... vào Nam hỗ trợ chống dịch trong khi dòng người di cư rời thành phố dài như vô tận. Nhiều biện pháp lần đầu tiên được áp dụng như xét nghiệm toàn thành phố; mở hàng loạt bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức...
Sau năm tháng khốc liệt, nước Nam đã vượt qua giai đoạn đen tối với sự hy sinh của người dân, lực lượng y tế lớn không kể xiết. Quá trình dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến đầu tàu kinh tế phía Nam tổn thương trầm trọng. Thật may, nhờ xác định không thể “phong tỏa mãi”, ngày 11/10, Việt Nam chuyển hướng chiến lược bằng Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Không theo đuổi “Zero Covid” như giai đoạn trước, chiến lược mới đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở chiến lược vaccine rầm rộ vô tiền khoáng hậu.
Nhờ đó, theo HSBC, cuối năm 2021, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng quý IV đạt 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa các mức dự báo của thị trường. Quả là một cú quay xe ngoạn mục. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất nhanh chóng khởi sắc, xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục. Thêm vào đó, ngành dịch vụ cũng bắt đầu phục hồi mặc dù không đồng đều trong các lĩnh vực.
Tin liên quan |
Ngọc Hoàng lại vi hành |
Trên cơ sở đó, HSBC kỳ vọng sau hai năm tăng trưởng chậm lại, Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5-7%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch bất chấp Liên hợp quốc dự báo nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 4% trong năm 2022, tới năm 2023 chỉ còn 3,5% bởi động lực tăng trưởng có được trong năm 2021 đang bắt đầu chậm lại từ hồi cuối năm ngoái ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)...
Qua năm gian khó vừa qua, nước Nam đã rút ra bài học: trong nguy có cơ, trong cái khó ló cái khôn và phải thay đổi cách quản lý. Trong đó có lẽ điều quan trọng nhất là học cách sống chung với mọi biến cố và sự thay đổi rất cần những điều kiện thuận lợi bên ngoài, song trong bối cảnh mà những yếu tố bên ngoài luôn bất định, bất ổn và bất an, thậm chí bất ngờ như đại dịch vừa qua, thì sự thay đổi và thích ứng ở bên trong mỗi doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất.
Trẫm rất ưng quan điểm này của nước Nam và cho rằng, nước Nam đang ở thời điểm rất phù hợp để “nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác”, đưa ra các quyết định táo bạo phù hợp cho doanh nghiệp và xã hội. Điều đó xuất phát từ những thuận lợi rất căn bản khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại với việc Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, đánh dấu quá trình chuyển trạng thái sang vừa phục hồi kinh tế, vừa sản xuất kinh doanh, cùng với đó là một loạt Nghị quyết, chính sách tạo động lực, mới nhất là những quyết sách mà Kỳ họp Quốc hội bất thường vừa mới thông qua.
Một trong những thành tựu nổi bật năm qua của nước Nam là kim ngạch xuất khẩu đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy nhiên, căn bệnh kinh niên vẫn là mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI chiếm tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Một số nông sản chủ yếu dựa vào hình thức trao đổi tiểu ngạch nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài tại cửa khẩu. Thật đau lòng chứng kiến hàng ngàn xe tải mắc kẹt trên biên giới đến mức hàng nông sản thối rữa, trong khi chuyến tàu RCEP chở 800 tấn hàng cùng nhiều xe nông sản khác thong dong đổ bộ vào nước Nam. Nhìn sang láng giềng, hoa quả tươi Thái Lan qua tuyến đường sắt cao tốc mới mở qua Lào đã chạy thẳng sang Trung Quốc.
Một điểm sáng nữa Trẫm phải ghi nhận là giữa lúc chìm ngập trong những việc sống còn, sinh tử của năm Trâu, thật may mắn lò vẫn nóng, biết bao vụ tiêu cực từ biển đến rừng, từ nông thôn tới Thủ đô, từ cơ sở đến Trung ương ... đã được lôi ra không có vùng cấm. Ta cho rằng, chính việc này đã góp phần tăng thêm nghị lực và niềm tin của người dân nước Nam để vượt qua gian khó.
Hầu như cả xã hội, từ dân thường đến lãnh đạo cấp cao nhất đều lên án và tìm cách xử lý vụ kit-test rúng động thiên đình. Thay vì bài hát Tết, Tết, Tết, Tết... đến rồi, trẻ con đã nghịch ngợm nhái : Tét, Tét, Tét nữa rồi/ Mừng hội tét trên khắp quê tôi/ Mùa côvy bay khắp muôn nơi/ Toàn dân ta đi ngoáy mũi/ Tét nữa đi cho tiền... lòi/ Nhìn trò tét sao thấy sai sai/Tiền dân đen đem nướng cho ai/ Người dân đau như muốn khóc/ Bọn con buôn mau phát tài...
Thật tình ta không muốn vào hùa và cổ súy cho kiểu đùa dại quá trớn này nhưng nghĩ mình phương diện liên quốc gia - vũ trụ nên phải biết lắng nghe và thấu hiểu. Có thần dân còn hỏi ta liệu trong vụ này có lợi ích nhóm không, có phải là tham nhũng chính sách hoặc tệ hơn là lũng đoạn triều đình hay không? Có người còn đòi truy tìm kẻ dấu mặt trong vụ “bỏ cọc chạy lấy người” và vụ “bán chui hàng triệu cổ phiếu”. Trẫm đâu có sống ở trần gian mà rõ hết sự đời.
Trẫm nhờ Bút Trúc lý giải hộ nhưng hắn chỉ ỡm ờ bởi còn cay cú chuyện riêng tư. Nhắc lại để mọi người nhớ, Bút Trúc chính là bạn tâm giao của ta, nguyên là phóng viên báo TG&VN đã về hưu 10 năm có lẻ. Từ đó, hắn thờ ơ với nghề viết lách chỉ thích chơi chứng khoán để có tiền bia bọt và rong chơi. Nay các quán bia hơi, sân tennis đóng cửa, hắn buồn lắm. Dành dụm ít tiền mua cái xe Fadil chạy xăng thì nay họ chuyển sang chạy điện. Quả là bôn ba không qua thời vận, hy vọng vào mấy cổ phiếu bất động sản và hàng không thì chúng sập sàn do đại gia bỏ cọc và bán chui cổ phiếu. Quả là mua danh ba vạn, bán danh ba đồng.
Có đại gia lớn tiếng rằng họ “nghĩ lớn chứ không nói lớn”, nhưng họ làm lớn mà toàn những chuyện độc ác tày đình vì lợi ích của riêng họ, lũng đoạn cả thị trường.
Năm Trâu ta buồn lắm, không chat với chiến hữu, không lên facebook hoặc trực tuyến tự sướng như mọi năm nữa. Từ nay theo mốt mới về công nghệ số, về 5G... ta sẽ sử dụng vũ trụ ảo (metaverse) để giao tiếp với trần gian.
Như thường lệ, lẳng lặng mà nghe ta chúc đây, lại lẩy
Kiều vậy:
Trăm năm trăm cõi người ta
Sửu đi Dần đến ắt là hanh thông
Cùng nhau tạc một chữ đồng
Phục hồi, bứt tốc... một lòng tiến lên
Chọc trời - khuấy nước - sức bền
Dẹp tan côvit, giữ yên cõi bờ
Cố lên chớ sợ hổ vồ!
Chung tay xây dựng cơ đồ nước Nam...
|
Ngọc Hoàng tự bạch về chuyến vi hành... trực tuyến
TGVN. Giận dỗi các Táo quân năm ngoái không lên chầu, Ngọc Hoàng không thèm vi hành như thường niên. Chỉ vì nghe báo cáo ... |
|
Vắng táo quân, Ngọc Hoàng vẫn vi hành
TGVN. Dự định năm nay Ngọc Hoàng không xuất hiện nữa, thứ nhất vì tồn tại 10 năm sợ nhàm chán, thứ hai là vì ... |