📞

Ngôi làng cổ “phủ bụi” giữa lòng Thủ đô

22:38 | 15/11/2014
Chỉ cách trung tâm Thủ đô hơn 40km về phía Nam nhưng không nhiều người biết đến làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên. Đó là ngôi làng “khác lạ” bởi những căn biệt thự với lối kiến trúc pha trộn Á-Âu đặc biệt.
Cây cầu nhỏ nối liền hai bên ở biệt thự của cụ Xã Vinh.

Vang bóng một thời

Làng Cựu nằm bên bờ sông Nhuệ. Trước những năm 1920, nó cũng nghèo và lạc hậu như bao làng quê khác. Những bậc cao niên kể lại rằng: Một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần hết ngôi làng. Bỗng chốc trắng tay, những nông dân chân lấm tay bùn của làng phải tỏa đi tứ xứ để kiếm kế sinh nhai. Đa phần sang Trung Quốc học nghề may và nhuộm vải. Trở về nước làm ăn, dân làng Cựu ngày càng trở nên phát đạt, ai cũng có cửa hiệu tại phố cổ Hà Nội rồi dần chiếm lĩnh thị trường may mặc ở xứ Bắc Kỳ với complet và váy đầm.

Có của ăn của để, họ trở về quê xây dựng điền trang thái ấp, từ đường… để mở mặt với xóm làng. Thời đó, kiến trúc Pháp đang thịnh hành ở các thành phố lớn. Người dân làng Cựu đi tứ xứ làm ăn rồi cũng học lối kiến trúc ấy đem về làng.

“Bản thân chúng tôi cũng chưa biết làm văn bản đề nghị bảo tồn, tôn tạo như thế nào. Chúng tôi đã hỏi ý kiến của cấp trên nhưng mãi mà chưa được hồi đáp. Vì thế, chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm, hướng dẫn và cấp ngân sách để chúng tôi có thể đại tu, giữ gìn các căn nhà cổ của địa phương”.

Ông Trần Đức Tiến, nguyên Bí thư xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội

Khách đến thăm làng Cựu thường rất ấn tượng với căn biệt thự của cụ Phó Du, xây vào năm 1929. Bên ngoài cổng là tượng con tôm đắp nổi, đôi càng mạnh mẽ nâng niu bức đại tự “Nhập hiếu xuất đệ” (Ở nhà hiếu kính với cha mẹ, ra ngoài yêu quý anh em). Biệt thự của cụ Xã Vinh lại nổi bật với cây cầu cong, nối hai ngôi nhà với nhau. Bên ngoài cổng là các họa tiết hoa lá, muông thú được trang trí tinh xảo theo phong cách đặc trưng của Tây Âu.

Đặc biệt, nhà đại tư sản Chu Văn Luận còn xây dựng lên trường Huỳnh Thúc Kháng để con em trong làng được mở mang học hành. Có thể nói, đây là một trường hiếm hoi ở vùng quê Việt Nam dạy ngoại ngữ cho học sinh thời bấy giờ. Ngoài ra, cụ Luận còn lát đá xanh cho đường làng, cúng tiến các cây đột bằng bê tông, bên trên treo đèn Hoa Kỳ cháy suốt đêm.

Bỗng chốc, làng Cựu được khoác “chiếc áo mới”. Một làng Cựu nghèo nàn ngày nào nay đã trở thành một làng Tây sang trọng, nổi tiếng khắp gần xa với những biệt thự có vòm cuốn, mái chảy, đại tự, liễn đối… Sự hoà trộn Á–Âu trong kiến trúc làng Cựu chẳng hề lạc điệu mà trái lại rất hài hòa, vừa mềm mại vừa bề thế.

Vẫn chưa muộn!

Thời gian trôi qua, vẻ đẹp vàng son của làng Cựu cũng mất dần theo năm tháng. Ngôi làng Tây hào hoa phong nhã ngày nào nay mang một màu sắc bàng bạc, u buồn. Sau năm 1953, nhiều biệt thự trong làng bị đem ra chia cho các hộ dân. Dần dà, các thương nhân làng Cựu cũng chuyển hẳn lên sống ở Hà Nội hoặc sang nước ngoài. Các căn nhà cứ phơi mình trong mưa nắng, mặc cho các bức tường rêu phong bóc tróc, mặc cho cỏ dại trong sân mọc um tùm.

Ông Chu Đình Tú, người đang trông coi căn biệt thự của cụ Bích Ký chia sẻ: “Cụ là chủ cửa hàng may đo Vĩnh Tường ở phố Hàng Đào. Thời kỳ bao cấp, cả gia đình cụ khóa trái cửa rồi chuyển hẳn lên sống trên Hà Nội. Tôi cũng chỉ biết quét dọn sân cho sạch sẽ chứ không thể ngăn được sự xuống cấp của căn nhà. Nhiều tốp thợ cũng đến làng nhưng rồi phải lắc đầu ra về vì chẳng thể phục dựng nổi những chi tiết quá cầu kỳ của các biệt thự cổ”.

Cứ vào dịp cuối tuần, một số vị khách thường về làng chụp ảnh rồi ra về với vẻ tiếc nuối... Dẫu rằng mong muốn giữ lại những căn nhà cổ nhưng liệu thế hệ trẻ của làng có thể đứng vững trước làn sóng đô thị hóa. Nếu không có giải pháp bảo tồn, chẳng mấy chốc mà không gian cổ kính, trầm mặc của làng Cựu sẽ bị xóa nhòa bởi những nhà lầu, mái bằng, cửa sắt… như những làng khác.

Vẫn là chưa muộn để mọi người cùng cứu lấy những gì còn sót lại của làng Cựu một thời cho con cháu và khách thập phương sau này được chiêm ngưỡng.

Thành Uy