Để giảm nguy cơ ung thư, hãy thường xuyên theo dõi cân nặng và có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. (Ảnh minh họa) |
Uống trà xanh
Nhiều chuyên gia tin rằng chất chống oxy hóa có thể làm chậm sự lão hóa, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Một lượng lớn chất chống oxy hóa được tìm thấy trong lá trà xanh sẽ giúp ngăn chặn quá trình sản xuất các enzyme có hại cho cơ thể, ngăn ngừa sự xâm lấn của các khối u, hạn chế sự phát triển ung thư.
Một số nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên uống trà xanh ít có khả năng phát triển các loại ung thư, uống hai cốc mỗi ngày làm giảm nguy cơ bị ung thư về đường tiêu hóa tới 32%. Đàn ông uống hơn năm cốc mỗi ngày cũng giảm nửa nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt.
Ăn giảm chất béo
Trong các yếu tố cơ cấu ăn uống, chất béo có quan hệ mạnh nhất đối với bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư vú, đại tràng và tiền liệt tuyến. Muốn ăn giảm chất béo, bạn có thể chọn dùng loại sữa tươi ít bơ hoặc tách bơ, dùng các loại đậu đỗ hoặc chế phẩm từ đậu thay thế một phần thịt, cạo bỏ lớp vỏ ngoài thức ăn quay rán, bỏ lớp bơ phủ trên bánh kem, chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp, kho thay vì quay rán…
Thêm tỏi vào món ăn
Không chỉ là loại gia vị phổ biến, tỏi còn chứa các hợp chất allyl sulfur kích thích cơ chế kháng ung thư của hệ miễn dịch, giúp cơ thể tránh khỏi các chất gây ung thư và các tế bào gây ung thư một cách tự nhiên. Theo điều tra về sức khỏe của trung tâm Iowa Women (Mỹ), phụ nữ thường xuyên dùng tỏi sẽ giảm nguy cơ ung thư 50% so với những người ít hoặc không dùng tỏi cho bữa ăn.
Theo dõi cân nặng
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học The Lancet (Anh), thừa cân và béo phì là nguyên nhân dẫn tới gần 1/2 các ca ung thư ở người trưởng thành hằng năm. Thừa cân ở nam giới dẫn tới 136.000 ca mắc ung thư mới, hơn 2/3 số đó là ung thư ruột kết và ung thư thận. Đối với nữ giới, con số này lên tới 345.000 ca với gần 3/4 số ca là ung thư vú thời kỳ mãn kinh, ung thư dạ con và ung thư ruột kết. Vì vậy, để giảm nguy cơ ung thư, hãy thường xuyên theo dõi cân nặng và có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý.
Không ngồi một chỗ quá hai tiếng
Các nhà khoa học khuyến cáo, con người không nên ngồi nhiều để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trên thực tế, theo nghiên cứu của Đại học Regensburg ở Đức, nguy cơ bị ung thư, đặc biệt là ung thư tử cung, ung thư phổi tăng tới 10% nếu chúng ta ngồi một chỗ quá hai tiếng mà không di chuyển.
Tắt hết đèn khi ngủ
Các chuyên gia phát hiện, các ánh sáng nhân tạo về ban đêm có thể làm tăng nguy cơ của nhiều bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến. Trong khi đó, việc ngủ hoàn toàn trong bóng tối có thể làm gia tăng số lượng hormone melatonin, có thể phòng ngừa sự phát triển của một số bệnh ung thư.
Dành thời gian tắm nắng
Nhiều người thường lo sợ tắm nắng sẽ bị ung thư da mà không hề biết rằng ung thư hắc tố ở da thường xuất hiện ở những vùng bị che nắng chứ không phải ở phần da tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Thậm chí, tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong do các loại ung thư da ở các nước châu Âu thiếu ánh nắng còn cao hơn so với vùng xích đạo nơi nắng chiếu quanh năm.
Một nghiên cứu được đăng tải tại tạp chí y khoa Journal of Preventive Medicine ở Mỹ đã chỉ ra, việc mỗi ngày phơi nắng vào buổi sáng 15 phút sẽ giúp bổ sung lượng vitamin D cần thiết.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em bú sữa mẹ khi lớn lên sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu. Ngoài ra, các bà mẹ cho con bú ít nhất sáu tháng sẽ làm giảm nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng khoảng 7%. Còn nếu bạn đang mang thai, đừng khó chịu với cảm giác nghén bởi đó là lúc cơ thể bạn đang tạo ra hormone ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.
Du Linh (tổng hợp)