Nhỏ Bình thường Lớn

Người anh cả của Ngoại giao Việt Nam

Tháng 6/1955, khi đang đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Tổ chức, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, tôi được điều về tăng cường cho Bộ Ngoại giao nhằm xây dựng, phát triển ngành Ngoại giao đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đây chính là cơ hội để tôi được làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng. Nhờ đó, tôi đã được chứng kiến và lĩnh hội nhiều kiến thức và kinh nghiệm của Ông đối với việc xây dựng ngành Ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sau Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đóng góp to lớn, chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với Bộ Ngoại giao trong các hoạt động đối ngoại, xây dựng Ngành và xây dựng Đảng trong ngành Ngoại giao. Thủ tướng cũng kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 9/1954 đến tháng 2/1961.

Vai trò và trọng trách của ngoại giao

Là nhà ngoại giao, là người lãnh đạo Chính phủ có nhiều kinh nghiệm nhất về ngoại giao, am hiểu tình hình quốc tế, trong nước và có tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng đã góp ý về nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng ngành Ngoại giao phù hợp yêu cầu đối ngoại của Việt Nam trong vấn đề quan hệ và xu hướng quốc tế, yêu cầu và nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng như thời kỳ đổi mới, Việt Nam nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: "Trong hoạt động ngoại giao, chúng ta phải có ý thức làm chủ từ việc lớn việc nhỏ, từ đường lối chính sách đến đi đứng, ăn mặc lễ tân. Chỉ có chúng ta mới giải quyết tốt được công việc của chúng ta. Nếu làm đúng thì tốt, còn làm sai thì phải sửa". Hay trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng luôn cân nhắc kỹ để đảm bảo kết quả và thành công của các hoạt động đó, chú ý tiết kiệm thời gian, tiền bạc, chống lãng phí, phô trương hình thức.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 17, năm 1987, Thủ tướng nói: "Là những người làm công tác đối ngoại, công việc và trách nhiệm của các đồng chí có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi nhấn mạnh sự quan trọng vì đất nước ta càng đi lên, càng phát triển về kinh tế xã hội, càng tiến lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc thì lĩnh vực đối ngoại càng phát huy vai trò đối với đất nước. Các đồng chí là những con ong đi khắp nơi hút lấy những gì quý nhất trong vườn hoa của thế giới rộng lớn mang về luyện ra thành mật tốt nhất để xây dựng đất nước mình …".

Tháng 9/1976, tôi được cử làm Đặc phái viên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm Mexico và Canada. Trước ngày lên đường Thủ tướng căn dặn tôi: "Nước ta vừa thống nhất, kinh tế và đời sống nhân dân còn khó khăn, lại bị cô lập về ngoại giao và kinh tế. Vì thế, trong hoạt động và tiếp xúc cần thể hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước, chủ động hội nhập khu vực và hợp tác quốc tế, trước mắt là tham gia Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, ngoại giao phải phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp, để cải thiện đời sống của nông dân. Đến thăm Canada, chúng ta cần mang quà tặng kiều bào ở đó để bà con hiểu người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước coi là bộ phận của dân tộc Việt Nam, là anh em ruột thịt, phấn đấu học tập và giúp đỡ nhau hướng về quê hương đất nước".

Xây dựng Ngành là nhiệm vụ ưu tiên

Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, Thủ tướng rất coi trọng việc chỉ đạo xây dựng ngành Ngoại giao. Trong đó, nội dung quan trọng nhất, theo ông là tuyển lựa, đào tạo để có được một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, kiến thức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao phải vừa chuyên sâu về nghiệp vụ, thành thạo về ngoại ngữ, có phẩm chất chính trị và tư tưởng tốt. Ông nhấn mạnh: "Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, ngành Ngoại giao phải có kế hoạch và quyết tâm chủ động xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Ngoại giao". Đó cũng là những chỉ đạo khởi đầu cho sự ra đời của Trường Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao) sau này.

Tháng 3/1963, đã diễn ra lễ khai giảng đầu tiên của Trường Ngoại giao - nơi đào tạo và bồi dưỡng lớp lớp các cán bộ cho ngành Ngoại giao sau này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính là một trong những giảng viên đầu tiên của Trường, với các chủ đề bài giảng: Ngoại giao là gì? Yêu cầu và vị trí của công tác đối ngoại của một nhà nước? Chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh…

Ông nói: Người kỹ sư thể hiện tài năng ở bản thiết kế. Người cán bộ ngoại giao thể hiện tài năng ở các văn kiện ngoại giao. Vì thế, nội dung giảng dạy đối với các học viên ngoại giao phải bám sát đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình quy hoạch đội ngũ cán bộ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất coi trọng việc thực hiện chính sách cán bộ, trẻ hóa đội ngũ, nhất là cán bộ cấp Vụ. Ông nói: "Vấn đề lớn của chúng ta hiện nay là làm thế nào dần dần chuyển lực lượng trẻ có năng lực đã được thử thách, có triển vọng vào những cương vị có trách nhiệm lớn. Đây là việc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị Trung ương khóa III".

Do được sự chỉ đạo nhắc nhở thường xuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đến nay, ngành Ngoại giao đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ bản đạt tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về chính trị tư tưởng, thông thạo ngoại ngữ, có tính chuyên nghiệp và trẻ hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phát huy chức năng tham mưu

Khi trực tiếp là Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Thứ trưởng thường trực Ung Văn Khiêm đã chỉ đạo việc xây dựng Nghị định tổ chức Bộ Ngoại giao. Ngày 9/10/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra nghị quyết số 157/CP quy định cụ thể, tương đối toàn diện và đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc. Đến năm 1993, Thủ tướng tiếp tục ra Nghị quyết bổ sung nhiệm vụ phục vụ kinh tế, tổng kết và viết lịch sử ngoại giao.

Trong quá trình xây dựng các đơn vị, ông rất quan tâm đến xây dựng các đơn vị làm công tác nghiên cứu, lưu trữ tài liệu và đào tạo cán bộ. Thủ tướng thường nhấn mạnh: Xây dựng tổ chức phải thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc, đến nơi đến chốn để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, của từng đơn vị và của từng bộ phận.

Đến nay, tổ chức của ngành Ngoại giao đã phát triển, với cơ cấu tương đối hợp lý, có sự liên kết và phối hợp lẫn nhau, đảm bảo sự lãnh đạo và điều hành của Lãnh đạo Bộ, tham mưu và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó.

Đoàn kết và kỷ luật là sức mạnh

Khi làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và nói chuyện tại các Hội nghị cán bộ Ngoại giao, Thủ tướng rất coi trọng và nhắc nhở vấn đề đoàn kết. Ông nói: "Nếu đoàn kết không tốt thì làm việc sẽ không thể tốt được, phải phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp, đề cao kỷ cương trong toàn Ngành. Muốn đoàn kết tốt phải chống chủ nghĩa cá nhân và thực hành tốt tự phê bình và phê bình".

Trong các buổi nói chuyện với Hội nghị ngoại giao vào thời điểm có những vấn đề lớn về chính sách của Đảng và Nhà nước, các cán bộ thường đưa ra những câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn tận tình giải thích rõ ràng, chính xác, phân tích rõ ý nghĩa quan trọng của vấn đề, cũng như tác động của nó đối với đất nước. Bên cạnh sự tận tình, quan tâm tới cấp dưới, Thủ tướng còn có phong cách làm việc khoa học, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, coi trọng kỷ cương và kỷ luật công tác.

Cán bộ và nhân viên của ngành Ngoại giao đều dành cho Ông sự quý mến, kính trọng. Đặc biệt là trong những dịp kỷ niệm trọng đại của Ngành, lớp lớp các thế hệ cán bộ ngoại giao luôn ghi nhớ những đóng góp và cống hiến của Thủ tướng - người anh cả của ngành Ngoại giao, vị lãnh đạo mẫu mực theo tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh.

Hoàng Lương (*)

(*) Tác giả Hoàng Lương, cố lão thành cách mạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã viết bài này gửi riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam trước dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/1945). Do tuổi cao, sức yếu, ông đã qua đời ngày 19/6/2015.