Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngành Ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế?
Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ và giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, ngành Ngoại giao đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gắn với quá trình ấy, ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm mũi nhọn. Ngành Ngoại giao đã có những đóng góp rất tích cực trên mặt trận ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi không ngừng và quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé.
Theo tôi, đóng góp tích cực đầu tiên của Ngành là đã gắn được tiến trình hội nhập với cải cách, phát triển trong nước. Có thể nói, ngành Ngoại giao xứng đáng với vai trò là “người mở đường” cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những bước đi mở đường ấy đã tạo nên sự chuyển đổi về tư duy, tạo đột phá cho quá trình cải cách, phát triển trong nước.
Thứ hai, đóng góp của ngành Ngoại giao còn được thể hiện qua vai trò là cầu nối giữa Việt Nam với khu vực, thế giới, với các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Ngành Ngoại giao đã giúp gắn kết những lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế Việt Nam như hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng với thị trường thế giới thông qua những dự án, chương trình hành động cụ thể. Đó là những đóng góp vừa thực tế, vừa có tính chất chiến lược sâu sắc.
Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế thông qua nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Với vai trò đi đầu trong công tác hội nhập, Ngành cần phải làm gì để giúp Việt Nam tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?
Chúng ta đều biết rằng quá trình hội nhập là tất yếu và cần thiết nhưng không đơn giản vì song hành cùng cơ hội luôn là những thách thức. Nếu nhìn vào chiến lược hội nhập của Việt Nam, đặc biệt trên khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế thì nó gắn với ba trụ cột quan trọng. Ba trụ cột này cũng gắn bó chặt chẽ với mối quan hệ tương tác về mặt chính trị - ngoại giao của Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam chủ trương là một đối tác đáng tin cậy với các nước trên thế giới. Thứ hai, quan hệ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang gắn với khu vực kinh tế năng động nhất hiện nay là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có thể thấy, phần lớn những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đàm phán và ký kết cũng như các hiệp định thương mại đầu tư khác đều kết nối gần gũi với khu vực năng động này.
Thứ ba, Việt Nam đang mở rộng, xây dựng mối quan hệ với rất nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đây là những đối tác có trình độ công nghệ cao, kỹ năng quản lý tiên tiến, nguồn vốn dồi dào mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận thị trường.
Cá nhân tôi cho rằng, với đóng góp tích cực của ngành Ngoại giao, Việt Nam đã làm khá tốt tiến trình hội nhập khi gắn với từng đối tác cụ thể, từng thị trường cụ thể. Giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần phải có những bước đi để gắn tiến trình hội nhập của Việt Nam với những chương trình nghị sự, cải cách trong nước. Cần phải có một cái nhìn tổng thể trên nhiều chiều cạnh với từng đối tác, từng khu vực, một cách toàn diện, sâu sắc cho Việt Nam thời gian tới.
Nếu nói hội nhập là cuộc chơi cùng thắng (win – win) đối với các quốc gia cũng chỉ đúng một phần. Đi vào chi tiết mới thấy, không phải ai cũng thắng. Có thể có những giai đoạn, những ngành, những lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề là chúng ta phải có cách hỗ trợ, xử lý thế nào để giảm thiểu những rủi ro, khó khăn đó.
Trong nỗ lực chung ấy, tôi được biết ngành Ngoại giao đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình hoạch định chính sách nói chung cũng như đưa ra các bước đi cụ thể, cần thiết, gắn với những cam kết, nhất là những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam tiếp cận với thị trường lớn trên thế giới. Đồng thời, tranh thủ được các điều kiện bên ngoài, nỗ lực bên trong để giảm thiểu chi phí, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Bên cạnh Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cũng đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán, cam kết, thực thi các hiệp định thương mại, đầu tư.
Trong một thế giới đầy bất định, thay đổi nhanh chóng như hiện nay, chúng ta rất khó có thể lường trước được hết những diễn biến sẽ xảy ra. Hội nhập cũng mang đến rất nhiều thách thức. Những thách thức đó không chỉ đặt ra riêng với ngành Ngoại giao mà còn cả các bộ, ngành khác, đối với quốc gia. Để hội nhập một cách “khôn ngoan”, Việt Nam nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng cần phải chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng với cái nhìn đầy đủ hơn về khu vực, thế giới.
Một trong những lợi thế của Ngành trong quá trình thiết lập quan hệ, xây dựng quan hệ, phát triển mối quan hệ với các đối tác bên ngoài là tương tác trực tiếp, “tương tác thật” với những con người thật, đối tượng thật. Ví dụ, xét trên khía cạnh kinh tế thì đó là những cuộc tiếp xúc với những đại diện doanh nghiệp, các tập đoàn nước đối tác về dự án cụ thể. Hơn ai hết, ngành Ngoại giao đã đóng vai trò là cầu nối tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất cho mối quan hệ hợp tác ấy vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, vì lợi ích của đất nước.
Ngành Ngoại giao thời gian qua có rất nhiều nỗ lực trong việc kết nối các kênh giữa các cơ quan thương vụ, các sứ quán với các hiệp hội, các tỉnh, thành, các cơ quan trung ương và đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình kết nối, khai thác thị trường, khai thác công nghệ. Theo những khía cạnh này thì thời gian qua, Ngành đã đạt được những tiến độ, kết quả nhất định. Tuy vậy, ngành Ngoại giao vẫn còn phải cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều vì để làm tốt điều đó đòi hỏi những cán bộ ngoại giao không chỉ giỏi về năng lực mà còn cần có sự say mê, khát vọng phục vụ cho sự phát triển của kinh tế nước nhà. Có như vậy, họ mới thực sự dám dấn thân, bươn chải, vượt qua những khó khăn thách thức trong điều kiện nguồn lực cho ngành Ngoại giao không phải là quá dồi dào và nguồn ngân sách còn nhiều hạn chế.
Theo ông, vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư đã thực sự được phát huy?
Cùng với truyền thông, giới thiệu về hình ảnh đất nước thì câu chuyện về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn vì những kết nối, hiểu biết về đối tác cụ thể, thị trường cụ thể vẫn chưa thật sự “trúng”. Đây không chỉ là thách thức riêng đối với ngành Ngoại giao mà còn đối với nhiều bộ, ngành khác.
Tôi từng nghe nói về các cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về công tác kết nối, xúc tiến đầu tư thương mại giữa các cán bộ làm thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Bộ Ngoại giao gần đây cũng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về hội nhập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp. Điều này đã cho thấy sự chủ động tích cực của ngành Ngoại giao. Tuy nhiên, trong vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nước sở tại, thúc đẩy, xúc tiến thương mại, đầu tư, tôi cho rằng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn có thể làm tốt hơn nữa.
Kim Giang (thực hiện)