📞

Người bắc cầu quan hệ hữu nghị Phần Lan-Việt Nam

VÕ XUÂN QUẾ 19:00 | 11/02/2024
Người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Phần Lan-Việt Nam Paavo Rintala cũng là nhà văn Phần Lan đầu tiên viết hai tác phẩm về Việt Nam.
Nhà văn nổi tiếng Phần Lan Paavo Rintala (1930-1999) là Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Phần Lan - Việt Nam.

Paavo Rintala (1930-1999) được đánh giá là một trong những nhà văn Phần Lan xuất sắc nhất đã xử lý kinh nghiệm chiến tranh và sự suy giảm các giá trị đạo đức trong xã hội hiện đại.

Ông đã nhận được 10 giải thưởng văn học, trong đó có sáu giải thưởng nhà nước. Nhưng Rintala được biết đến nhiều hơn trong giới văn sĩ Phần Lan như là một nhà văn mạnh dạn lên tiếng và đóng góp trong phong trào đấu tranh chống chiến tranh, trong đó có chiến tranh ở Việt Nam.

Thủ lĩnh của phong trào phản đối chiến tranh

Việc Rintala có quan điểm nhân văn, phản đối chiến tranh và tích cực đấu tranh cho hòa bình bắt nguồn từ việc ngay từ hồi nhỏ ông đã là nạn nhân của chiến tranh và phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh khi mới chín tuổi.

Năm 1969, Rintala được Ủy ban Bảo vệ hòa bình Phần Lan (thành lập vào năm 1949), bầu làm Chủ tịch và ông giữ cương vị đó cho đến năm 1974. Cùng thời gian đó, tổ chức này thành lập Nhóm Việt Nam nhằm tổ chức các hoạt động ủng hộ đất nước đang có chiến tranh do Rintala lãnh đạo.

Năm 1971, Hội Hữu nghị Phần Lan-Việt Nam ra đời và Rintala trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội cho đến năm 1973. Những năm tiếp sau Rintala không còn giữ cương vị Chủ tịch Hội, nhưng vẫn tích cực tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ cho đến khi chấm dứt năm 1975.

Phong trào lan rộng, tạo ra một thời kỳ được gọi là “Vietnamin aika” (Thời đại Việt Nam) trong tiếng Phần Lan, và những người lớn lên trong thời gian đó được coi là “thế hệ Việt Nam”.

Phong trào thu hút sự tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp xã hội, nhất là giới sinh viên, văn nghệ sĩ. Cùng với Paavo Rintala còn có những nhân vật tiêu biểu khác, như Erkki Tuomioja (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan những năm 2000-2007 và 2011-2015), nhà soạn nhạc Kaj Chydenius, nhà văn Marja-Leena Mikkola, nhà khoa học chính trị Cay Sevón, các ca sĩ Kristiina Halkola, Aulikki Oksanen, Annariitta Minkkinen...

Nhiều bài hát được phổ nhạc từ lời thơ của các nhà thơ Việt Nam, đặc biệt có cả thơ từ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tập hợp trong đĩa hát Elämme Vietnamin aikaa (Chúng ta sống thời đại Việt Nam). Một số nhà thơ, ca sĩ còn sáng tác thơ và bài hát về Việt Nam, như Laulu Ho Thi Van’ista (Bài ca về Hồ Thị Vân), Vietnamissa, Vietnamissa (Ở Việt Nam, ở Việt Nam), Vietnamin vapautuksen päivänä (Ngày giải phóng Việt Nam).

Một số nghệ sĩ, diễn viên đã sáng tác và trình diễn các chương trình về Việt Nam trên truyền hình và nhà hát. Đáng chú ý nhất là chương trình Mitä? (Chuyện gì?) dành cho trẻ em, trong đó hai nghệ sĩ trẻ Jussi Helminen và Eija-Elina Bergholm kể cho các em nghe về đất nước và con người Việt Nam, lịch sử và cuộc chiến ở đó, nơi trẻ em phải chạy xuống hầm tránh bom giữa giờ học. Jussi Helminen còn làm chương trình truyền hình Setä Ho (Bác Hồ) cho trẻ em.

Bia mộ của Paavo Rintala và vợ ở nghĩa trang Hietalahti (Ảnh: Võ Xuân Quế))

Hai tác phẩm ấn tượng

Kể từ tiểu thuyết đầu tay được xuất bản (1954) đến tác phẩm cuối cùng (1996), Rintala đã đóng góp cho văn học Phần Lan 44 tiểu thuyết và truyện ngắn, một tác phẩm dịch và ba kịch bản phim. Trong số các tác phẩm đó, có hai tác phẩm viết về Việt Nam là Những con sếu Việt Nam (1970) và Romeo và Juliet năm Sửu (1974) - hai tác phẩm đầu tiên viết về Việt Nam bằng tiếng Phần Lan.

Những con sếu Việt Nam là một báo cáo về thái độ của người Phần Lan đối với cuộc chiến tranh Việt Nam dựa trên các cuộc phỏng vấn của chính tác giả với hàng trăm người Phần Lan thuộc các tầng lớp xã hội, đảng phái khác nhau từ nông thôn đến thành phố trong cả nước.

Ngoài ra, tác giả còn sử dụng tư liệu từ báo chí, phát thanh và truyền hình trong và ngoài nước, trong đó có phóng sự Trip To Hanoi của Susan Sontag (1968) và bộ phim tài liệu Piloten im Pajama (1968) của hai đạo diễn Đông Đức Walter Heynowski và Gerhard Scheumann.

Cuốn sách còn có phụ lục với ảnh chân dung lẫn “trích ngang” của 11 phi công Mỹ bị bắn rơi trên vùng trời miền Bắc Việt Nam và những cột mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam trong thời gian từ 1940-1969.

Tác giả cho biết tên của cuốn sách Những con sếu Việt Nam được lấy ý tưởng từ một câu nói của họa sĩ Picasso “Con chim bồ câu trắng vĩ đại như nỗi buồn bao trùm trên trái đất”.

Rintala nói rằng ông chưa bao giờ nhìn thật gần một con chim bồ câu, thay vào đó ông đã biết một con sếu. Con sếu ở đây được lấy từ tấm ảnh một cậu bé mà tác giả đặt tên là Phạm, được in trong sách, nằm che cho em mình.

Từ hình ảnh cậu bé này Rintala đã liên tưởng đến hàng loạt trẻ em khác ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, giống như chính tác giả thời còn trẻ từng phải di tản vì chiến tranh.

Trong một chuyên mục vào tháng 9/1970, báo Päivän Sanomat đã khuyên mọi người đọc Những con sếu Việt Nam. Vào thời điểm đó cuốn sách của Rintala như một ngọn đuốc thổi bùng thêm ngọn lửa phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong dư luận Phần Lan, nhất là ở giới trẻ.

Sau Những con sếu Việt Nam, vào mùa Thu năm 1974, Rintala xuất bản tác phẩm thứ hai viết về Việt Nam, có tên Romeo ja Julia heränvuona (Romeo và Juliet năm Sửu). Đây là cuốn tiểu thuyết được Rintala hoàn thành sau chuyến thăm Việt Nam của ông vào đầu năm 1974 trong phái đoàn Ủy ban Bảo vệ hòa bình Phần Lan.

Ý tưởng về cuốn sách đã hình thành từ trước, song một tuần ở Việt Nam, được chứng kiến và tiếp xúc với người thực, việc thực đã giúp Rintala có thêm tư liệu thực tế để hoàn thành.

Bối cảnh của tiểu thuyết là Hà Nội và các vùng lân cận vào thời điểm xảy ra các cuộc ném bom của Mỹ năm 1972. Đó là thời điểm năm Tý đang chuyển sang năm Sửu với sự lạc quan, nhưng các cuộc ném bom đã không kết thúc bất chấp mong muốn của mọi người.

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là đôi bạn trẻ người Việt, Ngô Sơn và Thị Lí. Ngoài ra, còn có ba người nước ngoài là Einar Jaervi - một chuyên gia về các bệnh nhiệt đới người Na Uy gốc Phần Lan, Bohdan - một đồng nghiệp đến từ Warsaw, Ba Lan và Mila đến từ Nga. Đây là các thành viên của nhóm thiện nguyện châu Âu phải trải nghiệm sự khốc liệt của chiến tranh.

Trong mọi hoàn cảnh, ngay cả giữa tuyệt vọng và cái chết, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Ngô Sơn - con trai của một nhà thơ và là người có tâm hồn lãng mạn sau đó bị mù và cô giáo làng Thị Lí bị mất một chân đã tìm đến với nhau và quyết định cùng nhau xây dựng tổ ấm.

Những con sếu Việt Nam (1970) và Romeo và Juliet năm Sửu (1974) - hai tác phẩm đầu tiên viết về Việt Nam bằng tiếng Phần Lan.

Năm 1977, Rintala nói với báo chí Phần Lan rằng Romeo và Juliet năm Sửu như một ghi chép du lịch của ông dưới dạng tiểu thuyết. Ông còn rất sốc khi chứng kiến di sản văn hóa vô cùng lâu đời và phong phú ở Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi chiến tranh.

Trong cuốn sách này, ông đã đưa vào rất nhiều điều ngạc nhiên về di sản văn hóa tinh thần của người Việt, như đình chùa, tượng Phật, truyền thuyết và thơ ca dân gian. Trong đó, một chương mang tên “Sơn tinh và Thủy tinh” có nói đến chùa Phổ Minh dài tới 11 trang dưới hình thức thơ.

Romeo và Juliet năm Sửu được đánh giá cao trên các báo Phần Lan. Một số nhà phê bình cho rằng tiểu thuyết được coi là một “tác phẩm mang tính nhân văn toàn cầu” và thể hiện “tinh thần lạc quan, tích cực của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thông qua việc ca ngợi cảnh quan và văn hóa, lối sống Việt Nam”.

Mặc dù Rintala muốn phân biệt giữa công việc của một nhà văn và các hoạt động xã hội, nhưng trong các tác phẩm của mình, ông đã thể hiện như một nhân chứng đương đại có ý thức lịch sử trong các lĩnh vực mỹ học, đạo đức và chính trị.

Không nghi ngờ gì, cùng với các hoạt động tích cực trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình Phần Lan (từ 1969-1974), Chủ tich Hội Hữu nghị Phần Lan-Việt Nam (từ 1971-1973), hai tác phẩm đầu tiên viết về Việt Nam bằng tiếng Phần Lan của Paavo Rintala đã đưa ông trở thành đại diện hàng đầu trong phong trào đấu tranh vì hòa bình và đoàn kết với Việt Nam.

Khi nói đến những người bắc cầu cho quan hệ hữu nghị Phần Lan-Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà văn Paavo Rintala như một kiến trúc sư và cũng là người thợ. Kỷ niệm nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan (1973-2023) cũng là dịp để nhớ về ông.

Paavo Rintala sinh ngày 20/9/1930 ở Viipuri, một thành phố lớn ở phía Đông Nam Phần Lan (cách Helsinki chừng 250km) nhưng từ năm 1944 thuộc về Liên bang Xô Viết. Năm 1941, Rintala cùng mẹ tản cư đến sống ở Oulu, một thành phố miền Trung Phần Lan, cách Helsinki 600km.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1951, ông gia nhập quân đội, sau đó vào học văn học và thần học tại trường Đại học Helsinki. Năm 1955, ông kết hôn với Raili O.S. Pihkala và năm 1960 hai người về sống ở Kirkkonummi cho đến lúc ông qua đời năm 1999.