Tại Hong Kong, 68% những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ thích một món hàng có thương hiệu tên tuổi hơn và không chấp nhận đồ nhái. “Người Trung Quốc muốn ai cũng biết họ xài đồ thật chứ không phải đồ nhái” - giám đốc điều hành của Synovate Jill Telford giải thích.
Trong khi đó, chỉ có 33% người Mỹ và 36% người Anh nói thích các thương hiệu xa xỉ hơn khi đi mua sắm.
Cuộc thăm dò tiến hành trên mạng với sự tham gia của 8.000 người ở 11 thị trường gồm Anh, Ấn Độ, Brazil, Canada, Đài Loan, Hà Lan, Hong Kong, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Tại Ấn Độ và UAE, lần lượt 79% và 58% những người được hỏi thích các thương hiệu nổi tiếng.
Các nhà tổ chức cuộc thăm dò nói thói quen tiêu dùng cho thấy sự khác biệt giữa nhà giàu lâu đời và những người giàu mới.
Bà Telford nhận định do hầu hết triệu phú ở Trung Quốc mới xuất hiện trong một hai thập niên gần đây nên thường có khuynh hướng chứng tỏ đẳng cấp của mình hơn. Thống kê của khu nghỉ dưỡng - sòng bạc Wynn Macau xác nhận: có đến 90% khách hàng mua các nhãn hiệu sang trọng và nổi tiếng đến từ Trung Quốc đại lục.
Nhiều người phương Tây định nghĩa hàng hiệu là “bất cứ thứ gì nhiều hơn nhu cầu của bạn”. |
Ngoài việc để khẳng định mình, ý thức đóng vai trò khá quan trọng. Nghiên cứu đã cố gắng đo lường mức độ “cảm giác tội lỗi” của người tiêu dùng khi chi tiền cho những món hàng đắt giá.
Tại Mỹ, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tội lỗi khi mua hàng hiệu. Ngược lại, tại Ấn Độ, người tiêu dùng mô tả hàng xa xỉ là “chất lượng” và “sành điệu”. Gần 2/3 số người Ấn Độ được hỏi nói không hề cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền vào hàng hiệu.
Mặc dù là một quốc gia còn nghèo khó, nhiều người Ấn Độ có khuynh hướng coi hàng hóa xa xỉ là một dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế hơn là sự lãng phí, theo lời Mick Gordon thuộc văn phòng Ấn Độ của Synovate.Theo Tuổi Trẻ