Nhỏ Bình thường Lớn

Người chụp ảnh cô bé Napalm trở lại Việt Nam

Nick Út đứng trên Quốc lộ 1 của Việt Nam, khi đám xe cộ vẫn chạy qua ông, bấm còi inh ỏi. Ông đang chỉ tay. Ngay ở đây, ông nói, sự việc đó đã xảy ra. Là nơi đám trẻ vừa chạy vừa la hét xuất hiện. Là nơi mà tôi đã chụp bức ảnh mà thế giới không thể nào quên được.

Huỳnh Công "Nick” Út lúc đó 21 tuổi, vào thời điểm cách đây hơn một nửa đời người, khi ông đứng trên cùng con đường này, giơ chiếc máy ảnh lên hướng Đông Bắc và chụp lại một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử - cô bé Việt Nam, trần truồng, đang la hét và chạy trốn chiếc máy bay của lực lượng miền Nam Việt Nam đang ném bom napalm để truy đuổi “Việt Cộng”.

Hôm thứ Hai, 7/6, 43 năm sau ngày đó, Nick Út trở lại chính địa điểm này, nhưng với một công cụ của một thời đại hoàn toàn khác - một chiếc iPhone 5 có phần mềm để gửi ảnh cho toàn thế giới trong chớp mắt.

“Tôi đã đứng ở đây nhìn những quả bom rơi xuống," Nick Út nói về khoảnh khắc rất lâu trước đây, khi ông mở khung phim đen trắng Tri-X của chiếc máy ảnh Kodax để ghi lại hình ảnh cô bé Kim Phúc 9 tuổi, toàn thân bị bỏng nặng.

"Lúc đó tôi còn quá trẻ", phóng viên ảnh lâu năm của Hãng thông tấn Mỹ (Associated Press- AP) cho biết.

Bức ảnh ngày 8/6/1972 của Kim Phúc, nay được gọi là “Cô bé napalm", đã đẩy cuộc tranh luận mà nước Mỹ đã có trong hơn nửa thập kỷ về một cuộc chiến tranh xa xôi rằng đã gây tử vong cho rất nhiều người. Nhưng hình ảnh này đã bắt đầu thuyết phục được dư luận chỉ nhiều giờ sau đó, chứ không phải ngay tức thời như hiện nay.

Trở lại làng Trảng Bàng lần này, ông đã trang bị cho mình những thứ phù hợp hơn: đó là chiếc Iphone cùng một tài khoản Instagram. Những thứ đó cho phép ông đăng tải lên mạng ngay lập tức những bức ảnh mà trong chiến tranh phải mất hàng giờ mới có thể mang đến được trụ sở văn phòng AP ở Sài Gòn cách đó gần 40 cây số, và sau đó phải tráng phim rồi mới in ảnh.

Ngồi trong một chiếc xe con đến Trảng Bàng, Út đeo chiếc Leica kỹ thuật số quanh cổ, và chụp một vài bức ảnh xung quanh với chiếc iPhone. Trên đường từ TP HCM về hướng Bắc, phong cảnh hai bên đường cho thấy mọi thứ đã thay đổi nhiều. Bên đường có một nhà hàng mang tên "Thế giới Sushi" và một người bán hàng đang rao một bức tượng thu nhỏ của Nữ thần Tự do.

Sau đó, khi chiếc xe vượt qua một cây cầu, ông đã nhận ra ngay địa điểm đã chụp bức ảnh nổi tiếng: "Ngay đây! Ngay ở đây! "

Ông nhấn điện thoại vào kính chắn gió để chụp ảnh con đường, sau đó là bức ảnh chụp ngôi chùa nơi Kim Phúc và gia đình cô bé đã trú ẩn trước vụ đánh bom.

Út vẫn thường xuyên có chuyến đi như thế này – thường là ít nhất một năm một lần trong những năm gần đây, ông cho biết. Nó vẫn rất ý nghĩa với ông. Ông và bức tranh, và rộng hơn, cả ngôi làng – có sự gắn kết mãi mãi.

Tại Trảng Bàng, Út đã đến thăm một gian hàng bên lề đường có hai người anh em họ của Kim Phúc, sau đó đi bộ một cây số xuống con đường đã chụp ảnh Kim Phúc ngày xưa. Ở đó, ông đã gặp một đám các nhiếp ảnh gia đứng chờ. Họ thi nhau chụp ảnh… Nick Út đang chụp ảnh. Kết quả, không rõ Nick Út chụp được nhiều ảnh hơn hay ảnh chụp về ông có nhiều hơn.

Út đã đăng tải sáu hình ảnh về Trảng Bàng trên Instagram, trong đó có bức chụp Hồ Văn Bốn, 54 tuổi, em họ của Kim Phúc và là cậu bé đứng bên trái cô trong tấm ảnh năm 1972.

"Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào nếu vào năm 1972 bạn có tất cả các công nghệ và các hệ thống của năm 2015," David Campbell, một chuyên gia kể chuyện trực quan và giáo viên ở Newcastle, Anh nói.

Nick Út cũng cho rằng cuộc chiến sẽ có những tác động rất khác đến nước Mỹ, và những nhà hoạch định chính sách, nếu thời đó những bức ảnh được chia sẻ ngay lập tức. Ông cho biết trước khi mình đưa cuộn phim trở lại Sài Gòn, những hình ảnh ông chụp đã “có trên Facebook”.

"Chúa ơi. Ở Việt Nam ngày nay mỗi người đều có 1 chiếc điện thoại. Một vài giờ cũng là quá lâu. Chỉ cần hai phút, bạn có thể kết nối với thế giới. Tôi không thể tưởng tượng được”.

N.K (Theo The Canada Press)