📞

Người dân Mỹ có lý do để phản đối tự do hóa thương mại

15:32 | 11/03/2016
Thâm hụt thương mại tăng, số lao động mất việc làm nhiều hơn là lý do có thật khiến nhiều người Mỹ phản đối tham gia vào các FTA.
Cuộc tuần hành phản đối TPP của các nhà hoạt động xã hội tại Mỹ, tháng 11/2015. (Nguồn: Marketwatch)

Tổ chức Public Citizen vừa đưa ra các con số thống kê đánh giá tác động của các thỏa thuận tự do hóa thương mại (FTA) tới Mỹ, trong đó lý giải được một phần, tại sao quá trình phê chuẩn mỗi thỏa thuận FTA tại nền kinh tế lớn nhất thế giới lại khó khăn đến thế.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác FTA gia tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước khi thỏa thuận có hiệu lực, trong khi thâm hụt thương mại với các nước không phải thành viên giảm xuống. Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác FTA tăng khoảng 141 tỷ USD, tương đương 418% kể từ khi các FTA được thi hành. Ngược lại, thâm hụt thương mại với các nước không phải thành viên giảm 46 tỷ USD tương đương 6% kể từ năm 2005.

Tuy nhiên, FTA khiến cho nước Mỹ mất trên 736.000 việc làm, đó là chưa kể số việc làm bị mất do thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Có hai nhân tố làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ là nhập khẩu vào Mỹ từ các đối tác trong FTA tăng, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang các nước thành viên FTA thấp hơn các nước không phải thành viên FTA. Tính thực tế trong vòng 10 năm qua (tính từ 2005 đến 2015), mức tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang các đối tác FTA thấp hơn 29% mức tăng xuất khẩu của Mỹ ra thế giới. Mức tăng trung bình xuất khẩu của Mỹ sang các nước không thuộc FTA là 3,8%/năm, con số này đối với các nước thành viên FTA chỉ là 2,7%.

Theo thống kê của Public Citizen cho thấy, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là nguyên nhân chính làm giãn rộng khoảng cách thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Canada. Đây cũng là nguyên nhân khiến thặng dư thương mại của Mỹ với Mexico chuyển thành thâm hụt thương mại hơn 100 tỷ USD. Còn FTA Mỹ - Hàn Quốc đã khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 83% trong vòng 4 năm kể từ khi thỏa thuận được thông qua vào năm 2011.

(theo Politico)