📞

Người kể chuyện thời chiến của làng

12:41 | 29/08/2008
Có những sự kiện viết lên trang sử mới. Sự kiện Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của 10 cô gái trẻ cũng như lực lượng thanh niên xung phong trong cả nước. Lễ kỷ niệm 40 năm Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc đã được tổ chức từ 16-24/7/2008 bằng một chương trình hoành tráng, tôn nghiêm. Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội dành cho lực lượng thanh niên xung phong 40 năm về trước cùng hội ngộ nhớ về một thời máu lửa của dân tộc. Hôm nay đây, viết tiếp “khúc hát khải hoàn” đó có những con người đang là nhân chứng sống của lịch sử lại kể tiếp cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của cha ông ta cho con cháu mình nghe...
"Dấu tích con đường nay đã bị cây cối, nhà cửa che lấp", ông Cẩm nói

“Nếu trong đêm ấy không thoát khỏi làng này, thì hôm sau, 130 chiếc xe chở xăng dầu ấy sẽ biến thành biển lửa. Mệnh lệnh cấp trên: mở một đường tránh, bắc cầu qua sông Dà cho xe ra chiến trường”, kể về làng chiến đấu K130 (làng Hạ Lôi) đến đây ông chững lại, bao nhiêu ký ức về làng mình ập đến...

Ông là Trần Đình Cẩm, 75 tuổi. Năm 1968, ông là Chủ tịch xã Tiến Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - người trực tiếp chỉ huy chiến dịch làm đường giải thoát 130 chiếc xe.

Tái hiện lại làng thời chiến

Tuổi tác, thời gian tưởng như ông không còn nhớ tường tận nữa. Nhưng hễ có đoàn học sinh, sinh viên hay cánh nhà báo muốn tìm hiểu làng thời chiến K130, thì làng thời chiến ấy lại được sống lại qua những thước phim hồi tưởng của ông.

Năm ông lên làm Chủ tịch xã Tiến Lộc, cũng là năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Ngã Ba Đồng Lộc. Để lên huyện công tác được, ông phải đi bộ từ bốn giờ sáng, mới tránh được máy bay địch.

Những tháng mùa thu năm 1968, từ Thạch Hà ra Hồng Lĩnh, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt ngày đêm. Quốc lộ 1A bị tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn. 130 chiếc xe chở xăng dầu vào Nam bị tắc lại ở phía Nam huyện Can Lộc, do cầu Dà bị cắt đứt. Đoàn xe phải tấp vào làng Hạ Lôi, xã Tiến Lộc. Trước hoàn cảnh đó, Bộ Chính trị, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Ban đường bộ giao thông của tỉnh Hà Tĩnh đưa ra quyết định bất ngờ: Chia làng Hạ Lôi ra làm đôi. “Sáng ngày 13/8/1968, sau khi tiếp thu mệnh lệnh từ cấp trên, tôi cùng với mấy người trong ban lãnh đạo xã tiến hành họp dân, với khẩu hiệu: xe chưa qua là nhà không tiếc. Sau đó các công tác như bố trí người già, trẻ em đến chỗ an toàn, tất cả các lực lượng được tập trung khẩn trương để chuẩn bị phá nhà, mở đường cho cho xe qua”, ông Cẩm nhớ lại.

Ông Cẩm kể về cuộc họp giữa ủy ban xã Tiến Lộc với người dân làng Hạ Lôi và một số người dân đã hiến nhà cửa, nương vườn cho việc mở đường. Nhưng khi nhắc đến bà Đinh Thị Trí, ông lại rơm rớm nước mắt: “Chồng con mất sớm, sống một mình, trong nhà còn bốn tấm gỗ để đóng quan tài, bà cũng đưa ra hiến tặng. Thấy hoàn cảnh bà như vậy, tôi đã khuyên bà nên để lại lo ma chay sau này. Bà ấy nhất quyết không chịu và nói: giờ chiến tranh đang đòi hỏi, tui có bốn tấm ván gác trên trần, các anh vào khiêng ra làm đường cho xe qua. Nếu các anh không lấy, tui nằm xuống lót đường cho xe chạy”.

Kể đến đây khuôn mặt ông chợt bừng sáng: “Bà Trí đến cả bốn tấm ván để dành lo hậu sự còn không tiếc nữa. Thôi chúng ta nhanh về nhà. Nói rồi dân làng Hạ Lôi giải tán, bắt tay ngay vào việc. Nhà dỡ đến đâu thì các lực lượng công binh, thanh niên xung phong làm đường đến đó. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, 130 ngôi nhà đã được tháo dỡ, đường xe đã mở xong”.

Ngồi nghe ông kể chuyện, mà như đang xem những thước phim tài liệu: Đến 3 giờ sáng, con đường xuyên qua làng đã hoàn tất. Chiếc xe đầu tiên đã lăn bánh đến phà và qua cầu an toàn. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, bộ phận dân quân và nhân dân Hạ Lôi bắt khum những ngọn tre lại với nhau, làm ngụy trang. Con đường chạy trong làng được giữ bí mật cho đến ngày ngừng bắn.

“Còn ai thay tui”...

Buổi sáng gặp nhau, chúng tôi được ông dẫn ra xem dấu tích của con đường huyền thoại. Cây cối, nhà cửa đã mọc lên. Ký ức còn, nhưng dấu tích đã mai một.

Ông đứng thẫn thờ nhìn một lúc, rồi quay sang nói với chúng tôi: “Trong một đêm, người dân dời, dọn 130 nóc nhà, làm đường cho 130 xe chở hàng ra tiền tuyến, Ban đảm bảo giao thông tỉnh đặt tên làng Hạ Lôi là làng K130. Thế mà, nay tên làng từ thời chiến đang còn, con đường thời chiến lại không”. Hiểu được ý ông, chúng tôi đã cùng ông rẽ cây, lần theo con đường mà ông chỉ. Càng đi sâu, chỉ thấy cây cối, nhà cửa mọc trên con đường, không thấy một dấu tích của con đường để lại. Ông cố tìm từng tấm ván lót đường từ thời chiến để lại, nhưng chỉ thấy cỏ tranh mọc um tùm.

Thời gian, ý thức con người đã làm mất đi dấu tích con đường. Nhưng ký ức về con đường trong ông không bao giờ phai. Ông nhớ con đường đã đi qua nhà nào đầu tiên. Và hình ảnh về từng đoàn xe lăn bánh trên con đường bí mật mà không bị máy bay địch phát hiện, vẫn in sâu trong trí nhớ ông.

Cuối cùng, ông lặng lẽ quay về, không tiếp tục tìm kiếm dấu tích nữa. “Có lẽ tôi là người biết rõ nhất về con đường huyền thoại này. Qua lời kể, không thể nào tái hiện lại con đường thời chiến được. Chỉ có khôi phục lại con đường năm xưa, mới tái hiện về một làng mang tên K130”, nói xong, ông lại nhìn con đường bằng vẻ trầm tư.

Con đường huyền thoại năm xưa không còn nữa. Ông chỉ thuật lại con đường qua trí nhớ của mình. “Rồi mai kia, trí nhớ tui không còn minh mẫn nữa, còn ai thay tôi kể về làng K130 nữa...!”, ông hơi buồn khi nhắc về làng mình. Lê Văn Định