Nhà văn, dịch giả Trần Đương trong tập sách của mình. |
Có những con người cứ lặng lẽ lao động, lặng lẽ làm việc, rồi đến lúc nào đấy chúng ta chợt “giật mình” bởi gia tài họ để lại thật đáng kính nể. Trần Đương là một người như thế.
Với bản tính bộc trực, thẳng thắn, rõ ràng, ghét sự khuất lấp, trong Trần Đương đã hòa trộn hai nền văn hóa Việt Nam và Đức - nơi ông nhận là quê hương thứ hai của mình.
Bảy năm học ở Đức, sau đó gần mười năm phụ trách phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Đức, với đam mê văn chương nghệ thuật, Trần Đương vừa làm tốt công việc của một nhà báo quốc tế, vừa say sưa nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đức.
Cho đến hôm nay, ông là một trong số ít người Việt Nam thông thuộc và am hiểu về văn hóa Đức, cùng mấy chục đầu sách dịch các tác phẩm của Đức sang tiếng Việt và giới thiệu các tác giả tên tuổi của Việt Nam với người Đức. Ông đã giới thiệu với công chúng Việt Nam khá đầy đủ những gương mặt sáng giá nhất của nền văn hóa Đức trong các lĩnh vực như văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh từ những thế kỷ xa xưa đến thời hiện đại như Lessing, Goethe, Schiller, Heine, Beethoven, Schubert, Thomas Mann, Bertolt Brecht, Anna Seghers…
Nước Đức biết đến văn hóa, văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm dịch của Trần Đương sang tiếng Đức như Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Rừng Xà nu của Nguyên Ngọc, Truyện ngắn 16 tác giả Việt Nam và nhiều tập truyện, ký của Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Ma văn Kháng… Có thể nói Trần Đương là một trong những dịch giả đầu tiên có công mang văn học Việt Nam đến với độc giả Đức một cách bài bản.
Khi đang công tác ở Đức, ông cũng là cầu nối giữa các nhân vật nổi tiếng của Việt Nam với các bạn Đức như Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Huy Cận, Tế Hanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… Hơn 50 năm cầm bút, với hơn 80 đầu sách (bao gồm văn, thơ, dịch thuật, công trình nghiên cứu văn hóa, biên soạn sách), ông còn viết về nhiếp ảnh cùng mấy trăm bài báo trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật….
Trong sự nghiệp của Trần Đương, có thể thấy bốn mảng chính: mảng dịch văn học Đức sang tiếng Việt và ngược lại; mảng viết về Bác Hồ với 38 đầu sách viết và biên soạn về Bác; mảng sáng tác văn thơ, một số nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật cùng mấy trăm bài báo công phu; cuối cùng nhưng đồng hành suốt cuộc đời là những hoạt động xây dựng tình hữu nghị Việt- Đức (là người sáng lập , Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt- Đức).
Nước Đức cũng coi ông là người bạn, là công dân danh dự của Berlin, tiến sĩ danh dự của trường Đại học Humboldt- Berlin và được nhận Huy chương Danh dự bằng vàng Vì tình hữu nghị giữa các dân tộc của Đức.
Ông hồn hậu tự đánh giá: “Tôi dịch văn học không phải để trở thành một dịch giả, mà để trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy ở trường đại học. Tôi viết về những văn nghệ sĩ hai dân tộc Đức - Việt không phải để mình trở nên nổi tiếng, mà vì yêu mến hai nền văn hóa độc đáo và muốn làm giàu có thêm cho nền văn hóa dân tộc mình. Tôi viết và soạn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì trái tim tôi luôn đầy ắp sự hào hứng và tình yêu trong sáng dành cho Người”.
Ở tuổi ngoài 70, Trần Đương vẫn luôn tâm đắc câu của nhà thơ lớn người Đức: “Lao động, chỉ có lao động mà thôi, các bạn hãy nhớ cho điều đó, chớ có ham muốn tiến lên phía trước bằng các lối tắt. Con người làm việc thì cánh sẽ mọc, nó nâng lên cao hơn cả chính mình…”. Người con của xứ Thanh vẫn đang mải miết lao động trên trang giấy hàng ngày, dồn sức vào những công trình, theo ông nói, sẽ lớn hơn và công phu hơn về văn hóa Đức và Việt Nam.
Nói như Giáo sư Hà Minh Đức, “Trần Đương là một chuyên gia về văn hóa nghệ thuật Đức, hơn nữa anh lại là một nghệ sĩ có tri thức khoa học có cảm hứng sáng tạo văn chương và đã có nhiều đóng góp trên nhiều phương diện”.
MỸ HẰNG