Back to E-magazine
e magazine
14:00 | 21/06/2021
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

14:00 | 21/06/2021

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Đại dịch Covid-19 như một “quả tạ” không mong muốn giáng vào báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng. Là người đồng hành tận tâm với cơ quan báo chí, chị nhìn nhận sự “chủ động thích ứng” của báo chí đối ngoại trong bối cảnh đại dịch hơn một năm qua?

Đại dịch Covid-19 là cuộc đại khủng hoảng và đa khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử nhân loại hiện đại, làm đảo lộn toàn bộ đời sống xã hội và cuộc sống con người. Báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó.

Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát, tạo ra nhiều biến động, kéo theo thói quen của công chúng thay đổi không ngừng, đòi hỏi báo chí truyền thống phải nhanh chóng chuyển đổi.

Trong bối cảnh đó, báo chí đối ngoại của ta đã thích ứng rất nhanh và trở thành một trong những lực lượng chủ công trong việc triển khai công tác thông tin đối ngoại, giúp truyền tải hình ảnh, thông điệp của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là thành tựu trong kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy hành động thực hiện mục tiêu “kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, xã hội. Nhờ vậy dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng của khu vực châu Á và thế giới.

Không chỉ vậy, báo chí đối ngoại đã nhanh chóng tận dụng và chuyển đổi rất nhanh, đúng và trúng - ở đây là đúng hướng và trúng xu thế (trend), phát huy được các phương tiện truyền thông hiện đại như đẩy mạnh thông tin trên mạng xã hội song song với các kênh chính thức, tạo ra các sản phẩm truyền thông tạo hiệu ứng lan tỏa như video clip Ghen Cô vy hay các bức tranh cổ động, các inforgraphic ấn tượng… được truyền thông nước ngoài và công chúng đón nhận.

Có thể nói chúng ta đã phần nào truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tình hình rất ảm đạm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Nhiệm vụ thông tin đối ngoại của báo chí, do đó, có thêm những nét mới?

Nhiệm vụ thông tin đối ngoại không có gì mới so với trước đây, nhưng vai trò của báo chí đối ngoại ngày càng được phát huy và thực sự đã được đánh giá quan trọng hơn. Bởi trong bối cảnh các quốc gia đóng cửa, có lúc mọi thứ dường như “nghẽn lại”, không phóng viên nước ngoài nào vào Việt Nam và cả thế giới vật lộn trong cơn khủng hoảng bệnh tật và kinh tế - xã hội, thì báo chí đối ngoại của ta đóng vai trò là kênh thông tin chính thức, để dư luận quốc tế có thể tìm hiểu những gì đang diễn ra ở Việt Nam và ngược lại, đó cũng là kênh để công chúng trong nước hiểu và tiếp cận với những chuyển biến trên thế giới.

Tuy nhiệm vụ không mới, song thực tiễn đặt ra những yêu cầu mới buộc báo chí đối ngoại phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa cả về nội dung và phương thức truyền tải.

Để làm được điều đó, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có đổi mới và đầu tư nguồn lực, trong đó chú trọng vào con người. Người làm báo chí đối ngoại phải biết thích ứng với những thay đổi của môi trường làm việc trong đó có ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào các công việc làm báo.

Như vậy, báo chí đối ngoại Việt Nam mới có thể bắt kịp được xu thế truyền thông trên thế giới, đặc biệt là trước áp lực mạng xã hội đang ngày càng phát triển, có nguy cơ “lấn sân” báo chí truyền thống.

Là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, chị đã "nghe" báo chí nhận xét như thế nào về Việt Nam trong năm qua, đặc biệt khi ta đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)?

Chúng ta bước vào năm 2020 với những kỳ vọng về một năm rực rỡ của đối ngoại với vai trò “kép” là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng ra khắp thế giới và tác động nghiêm trọng, sâu rộng đến kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Đối ngoại có nguy cơ phải đóng băng do những khó khăn trong đi lại và tổ chức.

Trước những khó khăn đó, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức trao đổi, hợp tác với các nước bằng hình thức trực tuyến.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức hơn 500 hoạt động (nếu tổ chức trực tiếp dự kiến chỉ có hơn 200 hoạt động), với các sáng kiến và số văn kiện kỷ lục (84 văn kiện) được thông qua trong một năm, cùng với hơn 30 cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao thông qua hình thức điện đàm,

Là thành viên tích cực và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và được thông qua, đặc biệt sáng kiến lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh. Riêng trong tháng Chủ tịch HĐBA (tháng 4/2021) vừa qua, ta đã khéo léo dẫn dắt để thông qua 10 nghị quyết trong đó có Nghị quyết về vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân với số phiếu tuyệt đối.

Những con số trên không đơn thuần là những số liệu, mà còn thể hiện vai trò, sự tham gia rất hiệu quả của Việt Nam vào các diễn đàn quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh. Dư luận quốc tế đánh giá rất cao vai trò và năng lực điều phối của Việt Nam đối với các vấn đề trong chương trình nghị sự và những vấn đề mới nổi lên, quan tâm tới các hoạt động điểm nhấn mà Việt Nam tổ chức, chú ý tới các thông điệp, phát biểu của Lãnh đạo Việt Nam, ghi nhận và thể hiện sự kỳ vọng vào nỗ lực của Việt Nam đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các thành viên HĐBA và các bên liên quan.

Thành công đó không thể không có vai trò đồng hành của báo chí. Chúng ta đã có những tuyến bài thông tin chính thức về các sự kiện chính cũng như thông điệp, bên cạnh đó là tuyến tin bài bổ trợ với các hình thức truyền tải phong phú, hấp dẫn như tọa đàm, talkshow, phóng sự, e-magazine, infographic...

Điều đó đã tác động lớn đến dư luận, trước hết là dư luận trong nước, tạo được tiếng nói đồng thuận và sự quan tâm của người dân đối với những vấn đề quốc tế tưởng chừng như rất xa xôi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam (TG&VN) gần đây, chị từng nói rằng “Nếu được đầu tư thích đáng, báo chí đối ngoại của ta sẽ vươn xa hơn tầm khu vực”. Vậy sự “đầu tư thích đáng” như thế nào để hiện thực hóa khát vọng vượt ra “ao” khu vực của báo chí đối ngoại Việt Nam?

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tôi cho rằng, tiềm lực của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới cùng đội ngũ làm báo chí đối ngoại là những người có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết và yêu nghề chính là động lực tốt nhất cho thông tin đối ngoại phát triển.

Với những gì chúng ta đang có. Tại sao chúng ta lại không có mơ ước có thể vươn tầm ra quốc tế?

Tuy nhiên để có thể vươn tầm, ra khơi, chúng ta phải có đầu tư thích đáng.

Đầu tiên vẫn là cơ chế chính sách. Người làm báo chí đối ngoại là những người giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, có kiến thức sâu rộng và năng lực nghiên cứu. Nếu “đòi hỏi” họ phải có trình độ tiệm cận thế giới thì trước tiên cần phải có những chế độ đãi ngộ đặc biệt để “giữ chân” họ. Tôi cho rằng, đó là vấn đề thực tiễn của cuộc sống buộc chúng ta phải có sự nhìn nhận khách quan và có giải pháp phù hợp.

Thứ hai, khoa học, kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển, báo chí đối ngoại buộc phải “chuyển mình”, muốn làm được điều này, cần có sự đầu tư tài chính vào cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo nhằm củng cố, nâng cao kỹ năng, cập nhật thông tin cho đội ngũ làm báo chí đối ngoại – những người rất có tâm huyết và bản lĩnh nghề nghiệp.

Đối với khát vọng nâng tầm báo TG&VN, chị có lời khuyên gì?

Báo TG&VN có rất nhiều điểm thuận lợi trong làng báo chí đối ngoại: là một trong số ít các tờ báo có trang tiếng Anh, là tiếng nói chính thức của Bộ Ngoại giao, với một kho chất xám từ các cán bộ ngoại giao đương chức và đã nghỉ hưu, các chuyên gia, học giả có tầm… Đặc biệt, có đội ngũ phóng viên trẻ trung và năng động, tâm huyết được đào tạo bài bản với thế mạnh là có cả kinh nghiệm làm việc trong và ngoài nước, ở các cơ quan đại diện ngoại giao.

Để vươn tầm hơn nữa, tôi cho rằng, trước hết, báo TG&VN cần chú trọng đổi mới nội dung thông tin thông qua các chuyên mục “đặc sản” như chuyện ngoại giao, nhất là câu chuyện hậu trường ngoại giao… như hiện nay giúp xây dựng thương hiệu của Báo.

Thứ hai, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, học giả có thể bình luận sâu về các vấn đề trong và ngoài nước, có thể ứng xử ở tầm khu vực và thế giới. Không chỉ vậy, chúng ta có thể thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng mạng lưới cộng tác viên là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm giúp ta có thêm góc nhìn đa chiều.

Thứ ba, đổi mới nội dung cần gắn liền với chuyển đổi số thông qua xây dựng app, tận dụng các trang tin tổng hợp và các nền tảng khác như Yahoo News, Google News để tích hợp thông tin.

Thứ tư, cần phải có nguồn lực mạnh về tài chính. Tuy đây vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay, song rõ ràng, đó là đòi hỏi của thực tiễn, cần chúng ta phải có những quyết sách phù hợp.

Cuối cùng, mỗi phóng viên cần tự rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ và năng lực ứng phó với các tình huống bằng cách mạnh dạn tham gia cọ xát tại các môi trường tác nghiệp quốc tế, sân chơi lớn, các giải thưởng, cuộc thi quốc tế…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Một ngày của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bắt đầu như thế nào, thưa chị?

Hôm nay là thứ Sáu. Đối với phương Tây, thứ Sáu là ngày ngắn, trước những ngày nghỉ cuối tuần, thế nhưng như bạn vừa chứng kiến, từ lúc có mặt ở đây vào 16h30 đến bây giờ (chỉ lên đồng hồ - PV) đã là hơn 19h mà guồng máy ở Vụ Báo chí vẫn chạy liên tục, nhiều việc phải xử lý ngay, nhanh.

Có lẽ công việc của tôi và anh chị em ở Vụ Thông tin Báo chí nhiều khi không có giờ bắt đầu, cũng chẳng biết giờ kết thúc. Có thể bắt đầu lúc 0h nếu có một thông tin, vụ việc nào đó cần xử lý ngay tức thì, nhất là do sự chênh lệch múi giờ, hay tính cấp thiết của vấn đề. Và dĩ nhiên có việc chẳng thể biết trước được khi nào nó sẽ kết thúc. Tôi thấy tình hình chung đối với cán bộ Bộ Ngoại giao là vậy.

Tóm lại, một ngày của tôi cũng có thể bắt đầu như bao người khác là đến cơ quan lúc 8h sáng, kết thúc lúc 17-18h, nhưng cũng có thể là một ngày bắt đầu từ 0h hoặc kết thúc vào quãng nửa đêm. Bắt đầu bằng tin tức và kết thúc cũng bằng những dòng tin.

Đối với phần “điểm tin”, những tờ báo ưa thích của chị?

Tôi có hai nguồn để cập nhật tin tức mỗi ngày. Thứ nhất, đó là những kênh thông tin chính thống có hàm lượng lý luận chính sách cao như Tạp chí Cộng sản, Nhân dân, Quân đội Nhân dân

Kênh thứ hai mà tôi không thể bỏ qua bởi tin tức cập nhanh nhất đó là tin trên VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam và một số báo mạng.

Đặc biệt, là một người làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, tôi không thể không “check” báo Ngành – Báo TG&VN một cách thường xuyên. Bởi đây là tờ báo cập nhật nhanh nhất các hoạt động đối ngoại không chỉ của Bộ Ngoại giao mà còn của Đảng, Nhà nước và các kênh đối ngoại khác.

Không chỉ vậy, với mạng lưới cộng tác viên là những người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, hay Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, nên tin tức được cập nhật nhanh và đi đúng vào vấn đề mà tôi quan tâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Hơn một năm qua, thế giới học cách thích ứng với Covid-19 trong mọi lĩnh vực của đời sống và công việc, ngành ngoại giao và báo chí cũng vậy. Những thay đổi lớn nhất trong công việc của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thời kỳ Covid-19 là gì, chị thích ứng ra sao?

Covid-19 đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Trước đây ta cứ hô hào chuyển đổi số nhưng tốc độ tương đối chậm. Covid-19 xuất hiện là “cú huých” buộc ta tăng tốc chuyển đổi số.

Cùng với các hoạt động đối ngoại khác cũng phải chuyển đổi số, thì công việc của Người phát ngôn không nằm ngoài xu thế đó.

Kể từ khi đại dịch Covid-19, tôi chưa hủy một cuộc họp báo thường kỳ nào, kể cả trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Chúng tôi quyết tâm duy trì vì đây là kênh thông tin chính xác nhất về các chủ trương, chính sách, lập trường quan điểm và các hoạt động đối ngoại, thậm chí là cả trong các lĩnh vực khác của Việt Nam cho bạn bè quốc tế và cả người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, cũng phải tăng cường thông tin và tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn để các thông điệp có thể nhanh chóng đến với công chúng quan tâm vào những thời điểm “nóng” nhất. Ví dụ vừa qua trên dưới 30% nội dung quan tâm của báo giới đề cập với Người phát ngôn là liên quan đến Covid-19.

Thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, điều đầu tiên dư luận quan tâm là chính sách nhập cảnh của Việt Nam và bảo hộ công dân như thế nào.

Đến cuối năm 2020, lúc này thế giới quan tâm Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt như vậy thì việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép như thế nào, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh ở Việt Nam có gì thay đổi không…

Thời điểm hiện nay là hộ chiếu vaccine, tốc độ và diện bao phủ vaccine cho người dân, cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam như thế nào, thời gian cách ly ra sao…

Như vậy, tùy vào từng thời điểm mà chúng ta phải lựa chọn những thông điệp phù hợp để tiếp cận với công chúng. Tôi cho rằng, Covid-19 đã đặt ra những câu chuyện về đổi mới phương thức, truyền tải nội dung, lựa chọn thông điệp đối với công tác thông tin đối ngoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Bản thân Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng thuộc “lực lượng” làm công tác thông tin đối ngoại. Nhìn lại lịch sử, theo chị, có những “hằng số” và “biến số” nào đối với vị trí Người Phát ngôn của ngày hôm nay?

Nhiệm vụ chức năng của người phát ngôn cơ bản là phát ngôn những quan điểm, lập trường chính thức của Việt nam về đối ngoại, nó là một hằng số.

Ngoài ra, Người phát ngôn không bao giờ được nói sai trong bất kỳ trường hợp nào. Mọi phát ngôn đều phải bám sát vào các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc.

Tôi nghĩ rằng, hằng số này không chỉ của riêng Người phát ngôn mà còn là của tất cả những người làm công tác đối ngoại nói chung.

Còn về biến số, đối với Người phát ngôn, là biết lựa chọn thông điệp phù hợp sự quan tâm của dư luận, công chúng. Thông điệp đối ngoại của chúng ta truyền tải ra bên ngoài ở từng thời điểm sẽ khác nhau và cách thể hiện cũng phải phù hợp.

Tóm lại, ta phải đảm bảo hai chiều, thứ nhất là chúng ta muốn đưa cái gì ra và chiều còn lại là phải lắng nghe dư luận muốn ta nói điều gì.

Chị từng nói, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao không chỉ phát biểu về các vấn đề đối ngoại… Đây có phải là một “biến số”?

Không hẳn.

Biến số mà tôi nói đó chính là ta muốn truyền thông điệp gì đối với công chúng quốc tế, trong nước và ta lắng nghe để giải toả cho dư luận. Đó là sự linh hoạt. Theo tôi, đó mới là những “biến số”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Còn mối quan hệ giữa Người phát ngôn Bộ Ngoại giao các nước? Liệu sẽ có Câu lạc bộ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ASEAN chẳng hạn?

Hiện nay, người phát ngôn Việt Nam có thông qua kênh hợp tác trao đổi với Người phát ngôn hoặc Vụ trưởng Vụ Báo chí các nước Lào, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên... Nếu không có Covid-19, chúng tôi sẽ có những cuộc gặp định kỳ trực tiếp để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong công tác, đường hướng hợp tác.

Trong quá trình công tác cả ở nước ngoài và trong nước, nhiều đồng nghiệp nước ngoài của tôi sau đó cũng trở thành Người phát ngôn hoặc trước đó đã làm công việc này như một đồng nghiệp Philippines của tôi ở Moscow đã từng làm Người phát ngôn Philippines, cựu Đại sứ Thái Lan ở Việt Nam hiện là Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan, đương kim Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam từng là Người phát ngôn…

Trong mỗi lần gặp gỡ tại các sự kiện, hay có dịp làm việc với nhau, chúng tôi đều cùng nhau trao đổi các công việc của Người phát ngôn như xu hướng, kỹ năng trong công tác của mình và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong công việc trước đây và trao đổi hướng hợp tác trong tương lai.

Còn về Câu lạc bộ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao các nước ASEAN, tôi cho rằng khó, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng bởi Covid-19, rồi đặc thù công việc của mỗi nước khác nhau.

Thế nhưng, đó là ý tưởng rất hay. Nếu có được mạng lưới Người phát ngôn các nước ASEAN thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cũng như phù hợp với tinh thần xây dựng cộng đồng ASEAN.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chị "gửi gắm" gì với đội ngũ làm báo chí đối ngoại?

Tôi luôn tin tưởng vào đội ngũ những người làm báo nói chung, báo chí đối ngoại nói riêng. Bởi, trước hết họ là những người có bản lĩnh, luôn say mê với công việc làm báo và có chuyên môn, kỹ năng rất tốt.

Tôi kỳ vọng rằng, đội ngũ nhà báo đối ngoại sẽ ngày càng vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, và có năng lực vượt tầm khu vực và có thể vươn tầm thế giới, mong Việt Nam sẽ có tên trong các giải thưởng báo chí danh giá của thế giới như giải Pulitzer, World Press Photo… và ghi danh vào các hiệp hội nhà báo trong khu vực và thế giới.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chân thành chúc cho tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên báo TG&VN thành công, thành công, đại thành công!

Nội dung: Nguyễn Hồng

Ảnh: NVCC, Nguyễn Hồng

Đồ họa: Lim Dim

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.