Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng kiều bào tại Na Uy trong chuyến thăm nước này năm 2007 |
Cộng đồng người Việt ở đây được đánh giá cao vì đức tính cần cù, chăm chỉ, học giỏi và đặc biệt, đa số phụ nữ Việt đều có cửa hàng kinh doanh.
Theo kiến trúc sư (KTS) Mai Thế Nguyên, từng làm việc tại Phòng Thông tin Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở Na Uy, người Việt trẻ biết ít về văn hóa Việt Nam, nhiều trong số những người tới Na Uy sau năm 1975 vẫn còn những ý nghĩ tiêu cực về Tổ quốc.
“Cộng đồng người Việt ở Na Uy tuy đông nhất Bắc Âu, nhưng dường như chưa có sức mạnh đoàn kết. Nhiều người còn có cái nhìn lệch lạc về Tổ quốc của mình. Đó là vì ta không có đại sứ quán, không có tiếng nói chính thức nào của Nhà nước. Hiện nay, ta mới có đại sứ quán ở Đan Mạch kiêm nhiệm Na Uy và Iceland” - KTS Mai Thế Nguyên nói.
Tính đến nay, số người Việt Nam định cư tại Na Uy khoảng 20.000 người. Đây là một sự gia tăng nhanh chóng nếu so với 83 người trước năm 1975.
Không có thông tin đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, nên những tư tưởng lạc hậu vẫn còn đè nặng trong tâm trí phần lớn người Việt ở Na Uy, nhất là những người sang đây sau năm 1975.
Thời gian gần đây, khi (sóng truyền hình kênh, (VTV4) đến được vùng đất này, cái nhìn về Việt Nam của những người này bắt đầu có sự thay đổi.
Chính vì thế, trong các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Na Uy, vẫn theo ông Nguyên, nhiều bà con đã bày tỏ mong muốn và đề nghị nhà nước nên mở đại sứ quán tại đây.
Ông Nguyên mong mỏi, nếu có đại sứ quán, có các hội đoàn người Việt, tình hình sẽ được cải thiện. Hiện nay, ở Na Uy cũng có khoảng 100 du học sinh Việt Nam. Các em đều là những hạt nhân tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như tạo ra nhiều sân chơi mới thu hút các Việt kiều trẻ.
Theo ông Nguyên, lớp trẻ Việt Nam ở Na Uy cũng rất tò mò và quan tâm tới Việt Nam. Ở trung tâm, các quán ăn, sản phẩm Việt Nam cũng nhiều. Tuy nhiên, sự hiện diện này chưa phát huy được hiệu quả.
Nhớ lại thời xuống đường biểu tình chống Mỹ cứu nước ở Na Uy vào những năm 60 của thế kỷ trước, KTS Mai Thế Nguyên vẫn bồi hồi. Hồi đó, cả đất nước Na Uy mới có chừng 20 người Việt. Vậy mà những thông tin nóng hổi về tình hình chiến sự tại Việt Nam luôn luôn được cập nhật tới các bạn Na Uy.
Phòng Thông tin Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập vào năm 1971 chỉ có bốn người: Giám đốc Lê Phương, hai cán bộ (cấp dưỡng, lái xe), ông Mai Thế Nguyên và cô thư ký người bản xứ. Tuy nhiên, phòng thông tin còn nhận được sự cộng tác chặt chẽ của các bạn Na Uy, trong đó có cả người sau này là vợ của ông Nguyên.
Với tinh thần yêu nước, ông Nguyên tạm bỏ công việc của một kiến trúc sư với mức lương khá cao để làm việc không lương cho phòng thông tin này.
Những bức ảnh chụp về các cuộc họp cao cấp có liên quan đến Việt Nam, các cuộc mít tinh, biểu tình của các bạn Na Uy ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là chuyến thăm của nữ diễn viên Jane Fonda tới phòng thông tin vẫn được KTS Mai Thế Nguyên lưu giữ đến nay. Phòng thông tin tồn tại từ 1970 đến 1975.
Chỉ với số người Việt Nam ít ỏi như thời chiến tranh, thông tin về đất nước đã được nhanh chóng đưa tới bạn bè quốc tế. Vậy mà gần 30 năm nay, Việt Nam không có cơ quan đại diện chính thức tại đây khiến cho tiếng nói của những người yêu nước trở nên yếu ớt.
KTS Mai Thế Nguyên cho biết, từ 1978 đến 1981, Việt Nam từng có đại sứ quán tại đây. Kể từ năm 1996, Na Uy cũng mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Do đó, Việt Nam, cũng cần mở cơ quan đại diện ở cấp tương tương.
Theo Tiền Phong